Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho hay, quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư chủ yếu diễn ra trong thời gian huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc. Đến thời điểm thanh tra, hồ sơ dự án không còn lưu giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ lưu tại Chủ đầu tư và các sở thuộc UBND TP. Hà Nội nhận bàn giao từ Vĩnh Phúc cũng không đầy đủ.
Được biết, trong năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc - viết tắt: Videc) thực hiện dự án.
Đến ngày 11/7/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 2365/QĐ-UBND phê duyệt The Diamond Park là dự án khu nhà ở hỗn hợp, trong đó, chỉ có một phần xây dựng nhà ở xã hội còn lại là diện tích nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp trên khu đất có diện tích rộng 14,45 ha.
Trong thông cáo phát đi, chủ đầu tư Videc cho biết “dự án có tên pháp lý Khu nhà ở cho người thu nhập thấp thực tế chỉ là cách đặt tên để định hướng sản phẩm theo phân khúc phù hợp với thu nhập của địa phương chứ không nhằm để hưởng ưu tiên, ưu đãi hay ý định gì khác. VIDEC cũng đang xin đổi tên để tránh nhầm lẫn”.
Sau đó, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 7738/UBND-QHKT ngày 30/10/2015 về việc mở rộng, điều chỉnh ranh giới nghiên cứu dự án tăng lên khoảng 16.7 ha để phù hợp với quy hoạch phân khu N3, khớp nối đồng bộ với hạ tầng của khu vực và tránh các khu đất xen kẹt giữa các dự án.
Dự án The Diamond Park được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1739/QĐ-UBND, ngày 15/3/2017 với quy mô 16,78 ha.
Một số sai phạm tại dự án The Diamond Park
Qua xem xét hồ sơ, đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội phát hiện sau khi huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội, quá trình thực hiện dự án còn tồn tại một số hạn chế.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, quá trình giải phóng mặt bằng đã không niêm yết công khai, lấy ý kiến của các hộ dân có đất bị thu hồi đối với ¾ Dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ phê duyệt là chưa thực hiện đúng quy định. Đến thời điểm thanh tra đã giải phóng mặt bằng khoảng 95,6% (thời điểm thanh tra không có khiếu nại).
UBND Tp. HN còn cho biết, do Ban quản lý các khu đô thị mới Hà Nội không được giao quản lý dự án nên chủ đầu tư đã thi công một số hạng mục, công trình hạ tầng trước khi được thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và chấp thuận đầu tư. Quá trình thi công không có sự giám sát của UBND huyện Mê Linh.
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư là công ty Videc ký 74 hợp đồng huy động vốn thời điểm năm 2010 là chưa đúng quy định.
Nhận định trước đây tỉnh Vĩnh Phúc xác định tiền sử dụng đất không chính xác, tuy nhiên sau khi hợp nhất, do các quy hoạch sử dụng đất và chi phí giải phóng mặt bằng đã có sự thay đổi nên đoàn liên ngành không tính lại tiền sử dụng đất.
Giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, Vĩnh Phúc thẩm định năng lực tài chính chủ đầu tư với vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng vào năm 2007, đủ đảm bảo theo quy định với tổng mức đầu tư hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn cho phép đầu tư, do thay đổi nội dung đầu tư nên tổng mức đầu tư giai đoạn 1 tăng lên 134 tỷ.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, Videc có vốn chủ sở hữu là 500 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư cam kết việc đảm bảo năng lực tài chính tiếp tục thực hiện dự án.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Videc nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các sai phạm kể trên; tổ chức khắc phục sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính của các cơ quan nhà nước… “Yêu cầu UBND huyện Mê Linh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai phạm, tồn tại trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án”, UBND thành phố Hà Nội nêu.
Về phần mình, Vdiec đã tổ chức khắc phục các sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Khẩn trương lập hồ sơ trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định hiện hành./.