GS.TS. Tạ Thành Văn - những cống hiến lặng thầm cho y học ​

VietTimes -- Nếu giải thưởng Nobel Y học 2018 không xướng tên GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản) vì phát minh trong điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tế bào miễn dịch để tấn công tế bào ung thư, có lẽ không nhiều người biết đến những cống hiến khoa học to lớn và âm thầm của GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm Y học.

GS. Tasuku Honjo và GS. Tạ Thành Văn năm 2013.
GS. Tasuku Honjo và GS. Tạ Thành Văn năm 2013.

GS. Tạ Thành Văn không chỉ là người học trò Việt Nam đầu tiên và xuất sắc của GS. Tasuku Honjo, mà còn tiếp nối một cách sáng tạo công trình nghiên cứu khoa học từ người thầy vĩ đại, để ứng dụng vào việc phòng và chữa bệnh ung thư cho người Việt…

Niềm tự hào của quê hương kinh Bắc

GS.Tạ Thành Văn sinh năm 1964, ở Bắc Ninh. Thân phụ ông là một thầy giáo mẫu mực nên từ nhỏ ông đã được nuôi dạy khá nghiêm khắc. “Bố tôi dạy con nếp sống gọn gàng, ngăn nắp và khoa học. Ông lấy lao động là nền tảng để giáo dục con cái. Có lẽ nhờ đó mà chúng tôi tránh được các thói hư tật xấu của thanh niên ở quê như chửi bậy, ăn chơi đua đòi, cờ bạc…Và cụm từ “con nhà Ông Giáo” đã trở thành thương hiệu của anh chị em tôi mà cả vùng ai cũng biết.” - GS. Văn nhớ lại.

Cô giáo chủ nhiệm lớp GS. Văn hồi phổ thông - cô Nguyễn Thị Lợi - kể rằng, không chỉ ngoan ngoãn, chăm chỉ, GS. Văn còn học rất giỏi cả văn lẫn toán. Mặc dù cô muốn cậu thi học sinh giỏi văn, nhưng cậu lại quyết định thi học sinh giỏi toán rồi theo nghề y. Giờ thì cô hài lòng khi cậu học trò đã trở thành niềm tự hào của thầy cô, bè bạn, chứng tỏ sự lựa chọn đó là đúng.

Trước cửa phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo hiện vẫn gắn tên GS. Tạ Thành Văn trên bảng tên vốn chỉ dành cho những người đang học, dù GS Văn đã rời xa nơi ấy hơn 10 năm.
Trước cửa phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo hiện vẫn gắn tên GS. Tạ Thành Văn trên bảng tên vốn chỉ dành cho những người đang học, dù GS Văn đã rời xa nơi ấy hơn 10 năm.

GS. Tạ Thành Văn được đào tạo bài bản ở Mỹ và Nhật trong nhiều năm, đặc biệt, có tới gần 3 năm làm việc tại phòng thí nghiệm của vị giáo sư lừng danh Tasuku Honjo, GS. Văn trở về nước với những kiến thức đã tích lũy được, cùng khát vọng phát triển khoa học y học Việt Nam từng bước vươn lên và hội nhập với thế giới. Hơn 10 năm qua, ông đã lặng thầm cống hiến cho khoa học nước nhà với số lượng các công trình đáng ngưỡng mộ: Công bố trên 250 bài báo khoa học quốc tế và trong nước và còn chủ biên nhiều sách chuyên khảo, giáo trình trong lĩnh vực Hóa sinh học phân tử và tế bào. Ông cũng là một trong số ít giáo sư và Nhà giáo Nhân dân trẻ nhất của ngành Y khi được phong.

Tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm tân Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành những lời trân trọng: GS.Tạ Thành Văn là nhà khoa học, nhà giáo mẫu mực, nên mỗi khi gặp tôi đều gọi là “thầy Văn”. Đặc biệt, GS. Văn đã có nhiều đóng góp cho nghiên cứu khoa học, đổi mới giáo dục, hợp tác quốc tế, cũng là người quyết liệt trong xây dựng, phát triển đào tạo y tế để có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại như ngày nay.

Khám phá mới trong điều trị ung thư

Một trong những đóng góp quan trọng của GS. Tạ Thành Văn là công trình liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư đang được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam. Sau khi rời Nhật về nước, GS. Văn vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các nhà khoa học Nhật, đặc biệt là GS. Tasuku Honjo. Cũng cần nói thêm về một điều đặc biệt: GS. Tasuku Honjo là học trò của 2 giáo sư lừng danh người Nhật Yasutomi Nishizuka and Osamu Hayaishi, những người thầy đã có những phát minh nổi tiếng thế giới. Chính mối quan hệ tốt đẹp đó được duy trì đã gợi mở để năm 2013, GS. Văn nảy ra ý tưởng ứng dụng liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư theo cách khác và xây dựng thành đề tài khoa học để được Bộ Y tế cung cấp kinh phí triển khai nghiên cứu vào năm 2015 và cuối năm 2017 được phép thử nghiệm ở Việt Nam.

Theo GS. Tạ Thành Văn, có 2 hướng tiếp cận khác nhau trong liệu pháp miễn dịch trị liệu ung thư dù có chung cơ sở khoa học là tăng cường chức năng của các tế bào có thẩm quyền miễn dịch: Hướng thứ nhất là kích hoạt các hệ thống tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoạt động mạnh hơn ngay tại khối u trong cơ thể, để tiêu diệt tế bào ung thư. Hướng thứ hai là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể, rồi nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch tế bào, tiêu diệt tế bào ung thư.

GS. Honjo đi theo hướng thứ nhất và hiện Bệnh viện K ở Hà Nội cũng đang triển khai theo cách này. Còn GS. Tạ Thành Văn cùng nhóm nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội đi theo hướng thứ hai. Ưu thế của liệu pháp này là có thể điều trị cho tất cả các bệnh ung thư mô đặc như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng… mỗi liệu trình kéo dài trong 3 tháng với 6 lần truyền. Đến nay, đã có hơn 20 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K. Kết quả bước đầu khá lạc quan khi chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người bệnh đều được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, bệnh nhân không phải nằm viện, cũng không chịu đau đớn. Đến nay, chưa phát hiện ra biến chứng cũng như tác dụng phụ đáng kể từ liệu pháp này. Theo đánh giá của giới khoa học, miễn dịch trị liệu là giải pháp mang tính đột phá của ngành ung thư và miễn dịch.

GS.TS. Tạ Thành Văn.
GS.TS. Tạ Thành Văn.

GS. Tạ Thành Văn chia sẻ: Việc ông mạnh dạn áp dụng phương pháp này, chính là từ lời khuyên của GS. Honjo lúc tiễn cậu học trò xuất sắc về nước: Về Việt Nam, anh nên tham gia nhiều hội nghị khoa học, để biết các nhà khoa học đang làm gì, cũng như để họ biết anh đã làm được những gì và có thể làm gì. Thông qua các báo cáo tại hội thảo, anh sẽ hiểu được nhu cầu khoa học trong nước, từ đó xác định hướng nghiên cứu cho mình.

Những đóng góp cho khoa học Việt

Mặc dù là người giỏi giang, thông minh và nổi tiếng, nhưng GS. Tạ Thành Văn luôn khiêm nhường cho rằng những gì ông có hôm nay trong khoa học, đa phần nhờ vào những người thầy lớn của mình.

Bởi quãng thời gian ở bên GS. Tasuku Honjo, ông học hỏi được rất nhiều, từ kiến thức khoa học, thái độ với khoa học đến ứng xử trong cuộc sống: nghiêm khắc nhưng nhân hậu, chu đáo. Đó cũng là khoảng thời gian mà ông có quyền tự hào, bởi với giới nghiên cứu sinh nước ngoài ở Nhật, nếu đã tồn tại được ở các trường đại học của Nhật thì có thể tồn tại ở bất cứ trường nào trên thế giới.

Đặc biệt, đã tồn tại được ở phòng nghiên cứu của GS. Honjo thì có thể làm việc ở bất kỳ phòng nghiên cứu nào ở Nhật. Bởi GS. Honjo là một người thầy rất giỏi nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, luôn đòi hỏi rất cao ở học trò.

Vì thế, có những người sau vài tháng làm việc tại đây đã phải tự bỏ cuộc vì áp lực. Trong khi đó, trước cửa phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo hiện vẫn gắn tên GS. Tạ Thành Văn trên bảng tên vốn chỉ dành cho những người đang học, dù GS Văn đã rời xa nơi ấy hơn 10 năm.

Một trong những thành quả khoa học của GS. Văn trong giai đoạn này là công trình nghiên cứu cơ chế hoạt động của gen mã hóa enzym tham gia quá trình điều hòa tổng hợp và chuyển dạng kháng thể ở người, ứng dụng trong các bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn. Công trình được GS. Văn gọi là “trí tuệ của thầy và nỗ lực không ngừng của trò” được công bố năm 2003 trên tạp chí quốc tế nổi tiếng Nature Imunology, được giới khoa học đánh giá rất cao.

Với niềm đam mê của một nhà khoa học đích thực, dù rất bận rộn trên cương vị quản lý ở Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Văn vẫn không ngừng nghiên cứu, thực hiện khát vọng của mình. Nhóm nghiên cứu của ông đã xây dựng được bản đồ đột biến gen trên 10 bệnh lý di truyền của người Việt Nam và đã được ứng dụng trong quản lý sự lưu hành gen bệnh trong cộng đồng để chẩn đoán trước sinh, tư vấn di truyền, sàng lọc trước sinh, giúp hạn chế ra đời những em bé dị tật; xét nghiệm gen điều trị đích trong ung thư; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc. Tháng 11-2018, tại Hội nghị khoa học quốc tế Nhật Bản và ASEAN lần thứ nhất tại Kyoto (Nhật Bản), công trình “Kết quả ban đầu của liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu” của GS. Tạ Thành Văn và “Cơ chế tác dụng của chất chiết cây chè đắng đối với bệnh Alzheimer sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen” của ông và TS. Nguyễn Trọng Tuệ (Đại học Y Hà Nội) đã được công bố.

GS. Tạ Thành Văn đến chúc mừng người thầy lớn của mình - GS. Honjo - sau khi ông được trao giải Nobel Y học 2018.
GS. Tạ Thành Văn đến chúc mừng người thầy lớn của mình - GS. Honjo - sau khi ông được trao giải Nobel Y học 2018.

Luôn tri ân người thầy có ảnh hưởng mạnh mẽ, ngay sau khi GS. Honjo được trao giải Nobel, tháng 11/2018, GS. Tạ Thành Văn đã đến chúc mừng thầy với một món quà đặc biệt: Bức tượng GS. Honjo bằng pha lê. Món quà người học trò mang từ Việt Nam sang chứa đựng cả lòng biết ơn và niềm kính trọng, khiến vị giáo sư khả kính vô cùng cảm động.

Chia sẻ về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, GS. Tạ Thành Văn cho biết: Nhiệm vụ của tôi bây giờ không phải là nghiên cứu một vấn đề cụ thể, mà là thiết lập môi trường nghiên cứu tốt nhất cho các cán bộ của Trường Đại học Y Hà Nội thông qua việc lựa chọn định hướng ưu tiên, ưu tiên các nhóm nghiên cứu mạnh, tìm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để hỗ trợ…

GS. Tạ Thành Văn cho biết thêm: Trường Đại học Y Hà Nội sẽ lấy kinh tế tri thức làm động lực để phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao trong y học cơ sở và y học lâm sàng để phục vụ bệnh nhân và cộng đồng. Ông đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành y tế Việt Nam, trong đó việc đổi mới toàn diện công nghệ đào tạo, gắn kết giữa lý thuyết với lâm sàng, giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học được chú trọng.

GS. Tạ Thành Văn từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Phó Trưởng Bộ môn Hóa sinh, Trưởng Khoa Kĩ thuật y học (Đại học Y Hà Nội); Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế). Năm 2009, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đến 2018 được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội./.