Thưa ông, trong tuần tới Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Mỹ?
Quan hệ Việt Mỹ đã được tăng cường hơn kể từ năm 1995 hai nước bình thường hóa quan hệ, nhưng trước Hiệp định thương mại Việt Mỹ năm 2000 thì đầu tư và thương mại không có gì đáng kể.
Chỉ từ năm 2001 đến nay thương mại phát triển nhanh và từ chỗ đứng vị trí kém nhất trong ASEAN khi xuất khẩu vào Mỹ thì năm 2014 Việt Nam đứng đầu trong ASEAN 6 khi xuất khẩu vào Mỹ với 29,4 tỷ USD.
Nhưng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam lại ít nhất trong 6 nước ASEAN. Mỗi năm đầu tư Mỹ vào Việt Nam và thực hiện chỉ 300 – 400 triệu USD thôi, những năm gần đây có khá hơn.
Dấu ấn đầu tư là từ năm 2006 Chính phủ Việt Nam cấp phép cho Intel là tập đoàn hàng đầu của Mỹ về công nghệ, thì sau đó đầu tư từ Mỹ đã bắt đầu có chuyển hướng như 2014 Microsoft mua lại Nokia dự án về làm điện thoại di động, nâng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, nhằm mục tiêu biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất smartphone cung cấp cho thế giới.
Mặc dù có nhiều tập đoàn lớn nhưng nhìn chung đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn ít so với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Là người theo dõi khá sát hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong đó có nhà đầu tư Mỹ, theo ông lý do là gì?
Tôi cho rằng hiện nay giữa hai bên chưa có những cái bàn bạc với nhau để có hiểu biết rõ hơn về yêu cầu của các nhà đầu tư Mỹ khi đến Việt Nam.
Tôi cho rằng có ba yêu cầu quan trọng, mà ngay trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ lần đầu tiên ta ký kết thì cũng có chương liên quan đến đầu tư, trong đó ghi rõ yêu cầu là hệ thống pháp luật phải ổn định, minh bạch và công khai.
Thứ hai là yêu cầu về sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ thì Nhà nước phải có hệ thống pháp luật và xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền và thương quyền cùng nhiều quyền khác nhau. Rõ ràng, dù hệ thống pháp luật của ta tương đối phù hợp pháp luật quốc tế nhưng thực thi chưa tốt, quyền sở hữu trí tuệ bản quyền và thương quyền còn nhiều vi phạm.
Chiến lược của các tập đoàn Mỹ bao giờ cũng nhìn vào dài hạn, có thể cách người ta yêu cầu về thủ tục hành chính, đặc biệt đảm bảo thời gian để không mất thêm nhiều chi phí, cơ hội khác với cách trước đây ta làm, bao giờ cũng là hội thảo đông người về xúc tiến đầu tư còn các nhà đầu tư.
Nhưng các tập đoàn lớn thì cần địa chỉ rõ ràng, yêu cầu cụ thể của họ. Ví dụ khi Intel vào Việt Nam họ hỏi rất rõ là từ Khu công nghiệp công nghệ cao TPHCM ra sân bay Tân Sơn Nhất có ách tắc đường hay không? Mất bao nhiêu thời gian và họ yêu cầu phải biết được là hải quan hàng hóa giám định mất bao nhiêu thời gian, để làm sao đảm bảo chất lượng và hiệu quả cho họ.
Với những bất cập như vậy, theo ông trong thời gian tới Việt Nam cần làm gì để thu hút đầu tư từ Mỹ, để dòng vốn đầu tư từ Mỹ thực sự trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam?
Tôi tin tuyên bố của các chính khách Mỹ, nhà đầu tư Mỹ và đại sứ của Mỹ ở Việt Nam hiện nay khi nói Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Dòng vốn này sẽ gia tăng đầu tư khi Hiệp định Đối tác kinh tế Thái BÌnh Dương (TPP) có hiệu lực và bởi Mỹ là nước đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.
Nhưng để làm được phải từ 2 phía, trước hết tạo niềm tin cho nhà đầu tư Mỹ với Việt Nam. Nhà đầu tư Mỹ cũng nên quan tâm đến tập đoàn lớn đã đầu tư Việt Nam như Intel, Ford, Microsoft hay Citibank đã hoạt động cả chục năm qua, thông qua đó hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam, hiểu hạn chế khi đầu tư ở Việt Nam và cũng để hiểu được những cố gắng của Chính phủ Việt nam là đang làm tất cả mọi cách để làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam tốt hơn.
Song đồng thời, Việt Nam cũng phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài từ Mỹ. Tôi cho rằng những tiền đề về thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay từ Mỹ vào Việt Nam là đã đầy đủ, và chúng ta đã có quan hệ rất tốt, từ những chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian Tổng thống Obama làm hai nhiệm kỳ. Giờ thì Tổng thống Obama chuẩn bị sang Việt Nam cho thấy thấy tuyên bố rất rõ về quan hệ hợp tác hai nước.
Theo đó, cần tìm hiểu rõ những yêu cầu của nhà đầu tư Mỹ, những yêu cầu đầu tư thông qua TPP. Ví dụ TPP yêu cầu cao hơn nhiều so với BTA giữa Việt Nam và Mỹ về sở hữu trí tuệ, đặc biệt như trong ngành dược chẳng hạn.
Rõ ràng nếu ta hiểu những vấn đề thời sự như vậy, đảm bảo các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam có thể làm ăn chính đáng, được sự hỗ trợ Nhà nước, tiết kiệm thời gian, phù hợp với chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ, chúng ta sẵn sàng cùng họ giải quyết vấn đề đất đai, chuyển vốn ra nước ngoài, thương quyền hay sở hưu ngoại tệ,….
Tất cả những chuyện đó phải giải quyết ráo riết để đảm bảo nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam đồng thời ta tạo thêm lòng tin cho họ, thì lúc đó khả năng ầu tư từ Mỹ vào Việt Nam mới thành hiện thực, và mục tiêu Mỹ là nhà đầu tư số 1 mới thành hiện thực.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ