Sưu tầm tranh và ý tưởng triển lãm bình vôi
Trước cuộc tranh luận trực tiếp trên ABC giữa hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ: cựu Tổng thống D. Trump và Phó tổng thống K. Harris (ngày 10/9- tức 11/9 giờ Việt Nam) GS Hà Tôn Vinh hẹn tôi đến tư dinh của ông để trò chuyện về chủ đề “Thế giới sẽ ra sao nếu Donald Trump tái đắc cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ?”.
GS Vinh là người Mỹ gốc Việt. Ông là người thuộc đảng Cộng hòa, từng được nhiều Thượng nghị sĩ, dân biểu và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan - Phó tổng thống Bush.
Nhà ông nằm trong hẻm của một con phố đông đúc của Hà Nội. Ông ra mở cửa. Gần chục đôi dép được để ở cửa vào phòng.
“Để nhiều như vậy để có cảm giác nhà đông người”- GS Vinh cười rất thân thiện. Dáng người đậm, chắc, Giáo sư trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi cận kề 80. Ông đi lại nhanh nhẹn, giọng trầm ấm. Cảm giác ban đầu của tôi, ông là người mẫn tiệp, thân thiện và dễ gần.
Là người sưu tầm tranh, dễ hiểu khi bên trong nhà Giáo sư Vinh tranh được xếp gọn gàng thành từng đống, từ tầng 1, được treo dọc theo hành lang và lên đến các tầng trên. “Mình còn vài trăm bức nữa ở nhà bên Mỹ. Sắp tới sẽ chuyển dần về Việt Nam”, GS Vinh nói.
Tôi hỏi: “Liệu Giáo sư có lập một bảo tàng tranh tư nhân mang tên ông như kiểu ông Pavel Tretyakov, một doanh nhân, nhà sưu tầm tranh nổi tiếng người Nga lập nên một bảo tàng mang tên ông: Bảo tàng mỹ thuật Tretyakovskaya (Nga)?”.
Giáo sư Vinh cười: Có thể lắm chứ!”. GS Vinh nói thêm về tiêu chí sưu tầm tranh của mình: “Chỉ sưu tầm tranh của họa sĩ Việt Nam; nội dung tranh về Việt Nam, giá cả vừa phải và sẽ sinh lời trong tương lai”. Rồi ông còn kể cho tôi nghe về thú sưu tầm bình vôi của Việt Nam. Ông bảo ông có hàng trăm chiếc bình vôi đủ loại, qua các thời kỳ. Ông còn có ý định sẽ mở cuộc trưng bày bộ sưu tầm bình vôi ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Việt Nam có nguồn lực để thành nước công nghiệp phát triển
Có thể nói GS Hà Tôn Vinh (tên đầy đủ là Augustine Hà Tôn Vinh) là một tên tuổi lớn, một trí thức có tiếng trên thế giới. Ông sinh năm 1945 trong một gia đình tiểu thương ở miền Bắc Việt Nam. Giáo sư theo cha mẹ ra nước ngoài định cư từ nhỏ. Ông học Cao học Ngoại giao và Phát triển Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ (1976-1978). Ông được cấp học bổng của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983).
Giáo sư tham gia hoạt động chính trị với vai trò trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Wilson Reagan, Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (từ năm 1981 đến năm 1989).
GS Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sát nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng, v.v.
Trong nhiều năm, ông còn là chuyên gia tư vấn cao cấp tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào; chuyên gia tài chính năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và làm Cố vấn hợp tác và phát triển chiến lược, tái cấu trúc và cải tổ doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương.
Trong số hơn 70 nước đã từng làm tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, ông đặc biệt tâm huyết với quê hương Việt Nam.
Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).
Điều làm Giáo sư trăn trở nhất hiện nay trên vai trò nhiều năm làm tư vấn cho Chính phủ và một số bộ, ngành ở Việt Nam là gì?
Năm 2045, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Còn 21 năm, không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để chúng ta phát triển đất nước.
Năm 1949, châu Âu bị tàn phá nặng nề nhưng chỉ sau 70 năm, châu Âu đã trở thành một lục địa khác. Châu Âu rất thành công trong việc tái thiết và phát triển.
Nhìn lại Việt Nam chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975, đến nay sắp 50 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa thành công trong vấn đề kinh tế và tái thiết đất nước như lãnh đạo và người dân chúng ta mong đợi. Chúng ta đang thiếu một mô hình, chiến lược phát triển đồng bộ và quy mô.
Tuy nhiên, phát triển đồng bộ không phải là ai cũng làm, làm giống nhau. Mà đồng bộ là nhìn vào thế mạnh của từng vùng, Hải Phòng nên làm gì, Bắc Ninh làm gì hay Hà Nội nên làm gì. Tất cả như một bức tranh có hàng ngàn mảnh ghép và dần dần chúng ta mới nhìn thấy toàn cảnh. Chính phủ phải định hình thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh.
Tôi nghĩ chúng ta có đủ sức và nguồn lực để trở thành một nước phát triển công nghiệp.
Tôi đã đi hơn 90 nước. Chẳng ai đoán được tôi người nước nào, từ đâu đến vì họ nghĩ Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu còn nhiều dấu ấn chiến tranh trong tiềm thức của họ. Nhưng ở đâu tôi cũng tự hào tôi là người Việt Nam.
Những thập niên 50, 60 hay 70 nhiều nước Châu Á hay ở các châu lục khác vẫn ở một mặt bằng ngang nhau. Những nước như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, đã bật lên và đã tiến xa hơn Việt Nam hàng chục năm.
Tìm, sử dụng, đãi ngộ và giữ được người tài
Nguồn nhân lực thì chắc chắn phải đào tạo. Mà đào tạo thì cần có thời gian. Các nhà quản lý có chuyên môn sâu về các lĩnh vực AI, công nghệ cao, chip… cũng rất cần. Liệu ở một mức độ nào đó chúng ta có thể đặt niềm tin vào giới trí thức Việt kiều không, thưa GS?
Có thể nói với tiềm lực rất lớn về nhân lực, vật lực và chất xám, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa là ngoại lực, cũng là nội lực thúc đẩy phát triển của đất nước.
Đội ngũ trí thức kiều bào ngày càng khẳng định vị thế trong môi trường tri thức toàn cầu. Ước tính trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600 nghìn người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại.
Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương…, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc. Đây là nguồn nhân lực lớn có thể đảm nhận các vị trí quan trọng trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhất là khoa học công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa phát huy được hết tiềm năng của lực lượng lao động này.
Ý của GS là nguồn nhân lực có trình độ cao trong số người Việt hải ngoại chưa được tin dùng đúng mức?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá rất cao cộng đồng người Việt hải ngoại.
Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã thuyết phục và mời nhiều trí thức Việt kiều trở về giúp Tổ quốc đang gặp nhiều khó khăn, trong đó những người nổi tiếng như GS Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ… Sau này, họ đều trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà.
Tại sao trong lúc khó khăn, thiếu thốn, thù trong, giặc ngoài như vậy mà cụ Hồ lại tin tưởng và giao nhiệm vụ trọng yếu cho những trí thức Việt kiều như vậy?
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài năng xuất chúng, mẫu mực về sử dụng nhân tài ngoài Đảng. GS Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Hồ Chí Minh giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Một thời kỳ nền giáo dục nước nhà cung cấp được nhiều nhân tài cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết nước nhà thắng lợi.
Ở Việt Nam chúng ta có khoảng 100 triệu dân, hơn 5 triệu là Đảng viên. Họ là những người tài, người giỏi, những người có lòng và được đào tạo bài bản. Tất cả hơn 5 triệu Đảng viên này được sử dụng, được đặt vào những vị trí quan trọng, đều có vai trò và chỗ đứng trong chính quyền, các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương xuống tận thôn làng.
Trong số 100 triệu người còn lại, chúng ta thử lấy ra 5 triệu người, họ cũng giỏi, cũng có lòng, cũng có tâm và cũng được đào tạo bài bản. Mình làm gì để tận dụng và không phung phí tài năng của họ? Tôi chắc chẳng ai có câu trả lời rõ rệt. Những người này họ sẽ làm được gì cho đất nước, đóng góp được gì cho sự phát triển chung khi họ không có tiếng nói hay không được đặt vào những vị trí có quyền quyết định. Tôi gọi đó là sự phí phạm về nguồn nhân lực, về tài năng con người.
Nói về nhân lực, nhân sự, có bốn việc phải làm: Tìm người tài; sử dụng người tài; đãi ngộ người tài; giữ được người tài. Người lãnh đạo không cần phải giỏi tất cả mọi thứ. Người lãnh đạo cần có lòng can đảm, can đảm nói, can đảm nói thật, và can đảm nói đúng lúc. Nói, dám làm, và làm được khó lắm.
Có nhiều người nói giỏi nhưng không làm được, có nhiều người làm được nhưng không nói gì thì không có sức mạnh lan toả. Người lãnh đạo cần nhìn thấy vấn đề, rồi đi tìm người tài, đặt người tài vào những vai trò những vị trí phù hợp. Phải lãnh đạo về giải pháp chứ không phải chỉ làm. Làm lãnh đạo chỉ cần 2 thứ: Lòng can đảm và cam kết sử dụng nhân tài. Đất nước phải mở rộng ra, có những thứ Đảng viên làm được, có những thứ không cần Đảng viên cũng làm được.
Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam, GS có lời khuyên nào cho giáo dục, đào tạo tại Việt Nam?
Về giáo dục, có 2 phần là giáo dục và đào tạo. Trong đó, giáo dục là lâu dài, đào tạo là ngắn hạn theo chuyên ngành. Chúng ta phải đào tạo nhiều hơn, làm sao cho thợ nhiều hơn thầy. Chúng ta cứ đào tạo thầy rồi đến lúc làm thì không có ai làm thợ. Cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn.
Từ giờ đến năm 2045, chúng ta phải phát triển kinh tế bền vững, cần phải có tầm nhìn chiến lược. Phải học kinh nghiệm các nước rồi xem khả năng chỗ đứng của mình. Mỗi một nơi phải có chiến lược riêng chứ không phải toàn quốc giống nhau được.
Chúng ta phải định hình như thế nào về công nghệ và nhu cầu đầu tư tài chính. Chúng ta phải cam kết, chúng ta phải làm, đầu tư nguồn lực nhân lực. Phải có thước đo kết quả, không thể cứ đầu tư mà không có thước đo, không có đánh giá kết quả hay tác động. Điều này rất là quan trọng cho sự thành đạt của các chiến lược và chương trình phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu