Theo báo Anh Guardian, vào tháng 3/2009, các đại diện của các cơ quan phòng chống tội phạm toàn thế giới (trong đó có cả Cơ quan tình báo Anh MI6 và FBI), cũng như Cục Thuế và Hải quan Hoàng gia Anh đã có một phiên họp kín tại London với chủ đề "Tiềm năng của tiền ảo đối với các tổ chức tội phạm và khủng bố".
Vào thời điểm đó, game trực tuyến Second Life đang trở nên hot hơn bao giờ hết. Trong game này, người ta đóng vai một con người ảo, sống trong một thế giới ảo, và có thể dùng tiền thật để mua một loại tiền ảo mang tên "Linden Dollars" (được đặt tên theo chính công ty sản xuất game Linden Lab), rồi dùng tiền ảo này để mua các vật dụng ảo trong game!
Việc này vô tình đã mở ra một con đường dễ dàng cho các băng đảng tội phạm rửa tiền: chúng dùng tiền bẩn để mua Linden Dollars, rồi vào game mua những vật dụng đắt đỏ như một số bức tranh của Picasso với giá 500.000 USD và rao bán lại để lấy tiền sạch. Các nhà nghiên cứu về tội phạm công nghệ cao đã phải đau đầu vì hành động rửa tiền này có thể được thực hiện quá dễ dàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng hành pháp và chính phủ.
Gần một thập kỷ sau - khi công nghệ số đã có những bước phát triển vượt bậc - các cơ quan phòng chống tội phạm kể trên vẫn đang đau đầu, nhưng lần này dưới sự tác động mạnh mẽ hơn của một hiểm họa an ninh mạng mới, với tầm phủ sóng rộng hơn, nguy hiểm hơn, phức tạp hơn: Bitcoin, đơn vị tiền tệ ảo đang được thế giới ngầm cực kì ưa chuộng, vốn đã âm thầm xuất hiện từ lâu, chỉ vài tuần trước khi phiên họp năm 2009 diễn ra.
Hình ảnh mã độc WannaCry tống tiền người dùng bằng Bitcoin
Hẳn chúng ta ai cũng đã biết mã độc đang hoành hành thời gian gần đây - WannaCry - khi lây nhiễm trên các máy tính sẽ đưa ra một thông điệp vô cùng đơn giản: nếu bạn muốn lấy lại các tập tin của mình, bạn phải trả cho các hacker một khoản tiền trị giá 300$ trong vòng 72 tiếng. Mã độc này lan ra với tốc độ tên lửa giữa các máy tính chưa được cập nhật bản vá bảo mật, gây ảnh hưởng trên diện rộng với hàng trăm ngàn người dùng thuộc nhiều tập đoàn, bao gồm cả NHS - Dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàng gia Anh, mạng lưới đường sắt Úc, và một nhà máy sản xuất oto ở PHáp.
Vào thời kì sơ khai của tấn công đòi tiền chuộc, các mã độc thường lây nhiễm vào máy tính thông qua một email chứa đường dẫn đến mã độc, và các phương thức thanh toán lúc bấy giờ cũng khá đơn giản: hacker sẽ yêu cầu chuyển tiền mặt qua Western Union hay qua một tài khoản ngân hàng; tất nhiên với phương thức này, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì sẽ tóm gọn tên hacker liều lĩnh. Cuộc tấn công đòi tiền chuộc đầu tiên diễn ra vào năm 1989 bằng trojan Aids, với khoản tiền chuộc là 189$ tại Panama.
Rồi vào năm 2009, Satoshi Nakamoto phát minh ra tiền ảo Bitcoin, vô tình mang lại lợi thế cực kì to lớn cho giới tội phạm mạng: giao dịch thông qua Bitcoin sử dụng cơ chế "phân quyền" (decentralised), không qua trung gian (như ngân hàng hay công ty thẻ tín dụng), do đó bảo đảm tính nặc danh. Đến thời điểm hiện tại, Bitcoin đã có giá trị hơn 1.300 bảng, và có thể được lưu trữ trong một ví ảo được xác định bằng một con số ngẫu nhiên. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge vào tháng trước, khoảng 6 triệu người trên thế giới sở hữu ví ảo, và đang sử dụng Bitcoin để mua các hàng hóa như vé xem ca nhạc, bia rượu, hay thậm chí là các loại hàng cấm như ma túy và vũ khí... bởi các nhà bán lẻ và giới chợ đen đã bắt đầu chấp nhận loại tiền tệ này.
Việc sử dụng Bitcoin cũng ngày một dễ dàng hơn, do đó bọn tội phạm tống tiền trên mạng cũng bắt đầu ưa chuộng Bitcoin. Theo David Prince, một chuyên gia an ninh mạng và là giám đốc công ty tư vấn công nghệ Baringa Partners, "Nếu bạn có tài khoản iTunes, bạn có thể tải về một bộ mã độc, một phần mềm tự động hóa, và sau đó có thể ung dung cho nó lây lan. Sau đó bạn chỉ việc lên chợ đen trực tuyến và rửa tiền Bitcoin, chuyển nó thành tiền mặt sạch ngoài đời thực".
Những nhà lập trình các công cụ trên cũng được "hưởng xái" từ các hoạt động tội phạm của người mua công cụ. Đáng sợ hơn, các công cụ này có thể dùng để phát tán mã độc trên diện rộng, và thường chúng còn hướng dẫn cho nạn nhân các tạo ví ảo, mua và nạp bitcoin để được hacker cho mã mở khóa các dữ liệu bị lây nhiễm. Lợi nhuận từ tống tiền trực tuyến kinh khủng đến nỗi, theo một cuộc khảo sát mới đây, 40% số công ty trên toàn cầu đã bị đưa vào danh sách mục tiêu, trong đó 54% nằm ở Anh.
Các nhà phân tích còn cho biết, các công ty này, dù bị tống tiền, cũng sẽ không dám hó hé gì, thậm chí có những ngân hàng lớn còn dự trữ bitcoin để đề phòng trường hợp bị tống tiền! Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều ngành công nghiệp khác, dù các chuyên gia đã cảnh báo các công ty không nên lưỡng lự, tránh bị các hacker đưa vào danh sách đen nhằm tống tiền lần nữa. Theo các chuyên gia này, chẳng có gì đảm bảo các hacker sau khi nhận được tiền sẽ không trở mặt; chúng có thể để lại một "cửa hậu" (backdoor) để truy xuất lại các tập tin đã mở khóa trước đó.
Việc Bitcoin có thể tạo ra những phương thức tống tiền phức tạp hơn hay không cũng khó để đoán được, nhưng gần đây người ta đã phát hiện ra nhiều vụ tống tiền mà khi đem ra so sánh, mã độc WannaCry chỉ như trò con nít. Bởi đối với nhiều công ty, số tiền WannaCry đòi chuộc chẳng là bao nhiêu mà phải tốn thời gian gọi bộ phân IT, trong khi một số vụ tống tiền khác, số tiền có thể lên tới hàng triệu USD, và kẻ tống tiền còn đe dọa sẽ tung dữ liệu đến các công ty đối thủ hay đánh cắp các thông tin nhạy cảm về người dùng.
Và cho dù ít hay nhiều, cuối cùng các vụ tống tiền vẫn sẽ liên quan đến Bitcoin. Trên các chợ đen trực tuyến được bảo mật cực cao, bạn hoàn toàn có thể ẩn danh một các tuyệt đối. Những khu chợ như Alpha Bay thậm chí có thể sánh ngang với eBay hay Amazon về sự thân thiện với người dùng, nhưng có những món hàng sẽ khiến bạn giật mình như súng hay ma túy. Alpha Bay còn chấp nhận cả Monero - một loại tiền ảo mới ra mắt năm 2014 với bảo mật cao hơn Bitcoin, hay sắp tới có thể là Ethereum - được xem là hậu bối của Bitcoin.
Nói là vậy, ở thời điểm hiện tại, Bitcoin vẫn là bá chủ. Về bản chất, Bitcoin không xấu. Nó được các tập đoàn tài chính lớn nhận ra tiềm năng và bắt đầu sử dụng trong các giao dịch sạch trên thế giới. Chỉ 1% lượng giao dịch Bitcoin diễn ra trên chợ đen trực tuyến.
Tiền ảo được mệnh danh là "vàng số", bởi nó giúp các công ty thực hiện giao dịch với chi phí thấp hơn, và có nhiều chức năng tuyệt vời khác. IBM và Maersk thậm chí còn tuyên bố họ sẽ sử dụng "blockchain" - một kho dữ liệu trực tuyến dùng để ghi các giao dịch Bitcoin - để theo dõi các giao dịch vận chuyển trên toàn cầu. Với người dùng cá nhân, Bitcoin được sử dụng trong dịch vụ Abra - dịch vụ chuyển tiền đi nước ngoài - để giúp giao dịch rẻ và nhanh hơn. "Người ta không cần chạm vào Bitcoin, họ thậm chí còn không biết mình đang dùng Bitcoin, nhưng họ biết giá trị của nó và rõ ràng với tốc độ giao dịch chóng mặt của Bitcoin, những gì chúng ta đang dùng ngày nay sẽ nhanh chóng lỗi thời".
Tất nhiên, tiền ảo cũng có hạn chế về mặt pháp luật. Ngành thuế không ưa thích gì việc Bitcoin "che giấu người dùng". Nhiều công ty đang phát triển một hệ thống nhận dạng cá nhân để chạy song song với Bitcoin, nhằm hướng đến một cơ chế giao dịch hiệu quả, tin tưởng cao và minh bạch.
Giá trị của Bitcoin vẫn tăng từng ngày, cho thấy mức độ đáng tin cậy của đồng tiền ảo này, dù nó vô tình tiếp tay cho tội phạm mạng. Các chuyên gia tỏ ra khá lạc quan về tương lai của Bitcoin, cho rằng nó sẽ thay đổi nhiều thứ mà không gì có thể ngăn cản được. Sẽ đến một lúc, người ta cần một phương thức giao dịch một khoản tiền cực lớn trong thời gian cực ngắn, đó là điều chỉ có tiền ảo làm được.
Đối với thế hệ trẻ ngày nay và xa hơn nữa, Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung là một thứ vô cùng hấp dẫn.
Năm 2011, Bitcoin có giá ngang ngửa với đồng USD.
Hiện nay, một Bitcoin đáng giá hàng ngàn USD!
http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2158584/giua-dai-dich-wannacry-tai-sao-hacker-lai-lua-chon-bitcoin
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu