PGS TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, hơn 20 năm về trước, cuộc khai quật khảo cổ học tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã mang lại nhiều phát hiện quan trọng về lịch sử tồn tại của Kinh thành Thăng Long. Phát hiện này đã tạo tiếng vang trong dư luận xã hội trong nước và quốc tế. Hoàng thành Thăng Long sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá Thế giới vào năm 2010. Từ đó, Khu di tích khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành một chương trình giải mã những bí ẩn kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long với sự hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật với các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, với mong muốn làm sáng tỏ hơn những giá trị khoa học của di sản Hoàng thành Thăng Long.
Dựa trên 4 nguồn tư liệu: khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà khoa học của Viện đã từng bước giải mã hình thái kiến trúc của cung điện thời nhà Lý. Năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc cung điện này, giúp công chúng cảm nhận rõ ràng về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc Hoàng thành Thăng Long xưa.
Việc nghiên cứu hình thái kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long nói chung và điện Kính Thiên nói riêng là vấn đề vô cùng khó khăn cùng những thách thức rất lớn với các nhà khoa học, bởi các nguồn tư liệu không có nhiều. Với sự hợp tác của Công ty TNHH CMYK việc phục dựng điện Kính Thiên thời Lê sơ đã thành công với hình ảnh bằng công nghệ đồ hoạ 3D.
PGS TS Bùi Minh Trí khẳng định: Đây không chỉ là thành tựu của Viện Nghiên cứu Kinh thành mà còn là kết quả minh chứng điển hình và sinh động cho những thành tựu khoa học và đóng góp chung cho xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển. Thành tựu nghiên cứu phục dựng hình ảnh bằng công nghệ 3D cho hình thái kiến trúc điện Kính Thiên được công bố dịp này là kết quả có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2/12/1953 – 2/12/2023).
Là đối tác cho việc phục dựng điện Kính Thiên bằng công nghệ 3D, ông Phạm Trung Hưng – giám đốc Công ty TNHH CMYK cho biết, đây là công việc mà CMYK thực hiện đầy tâm huyết, không vì mục tiêu lợi nhuận và cũng là niềm tự hào của chính mình cho việc khôi phục các giá trị văn hoá lịch sử của Hoàng thành Thăng Long để công chúng được biết đến về hình hài, kiến trúc của điện Kính Thiên.