Ông Donald Trump: “Chúng tôi đã thắng!”
Hôm Chủ nhật 30/6, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 kết thúc, Tổng thống Donald Trump đã từ Nhật Bản đến thăm Hàn Quốc. Trong thời gian ở Hàn Quốc Tổng thống Trump đã khẳng định Mỹ đã “chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ông Trump cũng chỉ ra rằng trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) “đã căn bản không giúp gì cho chúng tôi”. Ông nói: “Mặc dù vậy, chúng tôi đã thắng, chúng tôi đã thắng lớn vì chúng tôi đã tạo ra một nền kinh tế phồn vinh hàng đầu, không ai sánh được”.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Xanh chiều 30/6, Trump nói ông đã có một cuộc gặp gỡ tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình và hai bên đã đạt được sự đồng thuận. “Giữa chúng tôi cũng có một mối quan hệ rất tốt. Ông ấy muốn thấy điều gì đó xảy ra, tôi cũng vậy và tôi nghĩ khả năng xảy ra điều này là rất lớn”.Ông Trump khẳng định: “Chúng tôi đã toàn thắng vì chúng tôi tạo ra được một nền kinh tế không ai sánh được”.
Ông Larry Kudlow: việc nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung “là một sự kiện rất quan trọng” nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được một hiệp nghị mậu dịch trong thời gian ngắn
|
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 30/6 rằng việc nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung “là một sự kiện rất quan trọng”. Nhưng ông cũng nói rằng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được một hiệp nghị mậu dịch trong thời gian ngắn.
Ông Trump nói trên Twitter ngày 29 sau cuộc gặp gỡ ông Tập Cận Bình: “Đối với tôi, chất lượng giao dịch quan trọng hơn nhiều so với tốc độ. Tôi không vội vàng”. Trước cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng nói, hai nước sớm nhất cũng phải đến cuối năm nay mới đạt được một hiệp nghị.
Theo Bloomberg, sau Hội nghị G20 Tổng thống Trump cho biết rằng ông sẽ hoãn vô thời hạn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, đồng thời cho phép các công ty Mỹ tiếp tục triển khai nghiệp vụ với Công ty Huawei của Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái này của ông Trump đã gây nên một số ý kiến phê phán từ nội bộ Mỹ. Một bộ phận nghị sĩ lưỡng đảng đồng ý với đánh giá của chính phủ về việc coi Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và không muốn Huawei được coi là thứ được mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đã Huawei đưa vào danh sách đen, cấm các hãng cung ứng Mỹ cung cấp phần mềm và hỗ trợ phần cứng cho Huawei. Phía Huawei thì phủ nhận những cáo buộc của chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Trump đã khẳng định phía Trung Quốc đã phải gánh chịu chi phí tăng thuế trong giá thành hàng xuất khẩu sang Mỹ. Ông nói: “Trung Quốc đã giảm tỷ giá hối đoái để chi trả thuế quan”. Thế giới bên ngoài nhận thấy rằng tỷ giá Nhân dân tệ giảm so với đồng đô la Mỹ năm ngoái đã giúp Trung Quốc bù đắp một phần tác động của việc tăng thuế của ông Trump; nhưng các quan chức Trung Quốc cho rằng sự mất giá đồng Nhân dân tệ là kết quả của tác động thị trường. Bộ Tài chính Mỹ gần đây cũng không cáo buộc chính phủ Trung Quốc thao túng tỷ giá Nhân dân tệ.
“Ngoài việc phá giá đồng tiền, họ đã bơm rất nhiều tiền vào mô hình kinh tế của chính họ”, ông Trump nói: “Họ đã nhồi tiền, chúng ta thì không làm thế. Chúng ta đang kiếm lợi, chúng ta đang tăng lợi tức còn họ thì đang giảm mức lãi suất”.
Ông Trump trước đây luôn phàn nàn Cục Dự trữ Liên bang và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Powell liên tục tăng lãi suất. Hôm 30/6, ông vẫn tấn công FED, nói rằng vì FED tăng lãi suất, nên Mỹ không thể đọ sức với Trung Quốc trong điều kiện cạnh tranh công bằng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Mỹ sẽ không tăng thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được xem là cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đã trong trạng thái "hưu chiến"
|
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, hôm 30/6 cũng nói, Tổng thống Trump sau khi đồng ý cho phép các công ty Mỹ bán một phần linh, phụ kiện cho người khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc, vẫn không từ bỏ những lo ngại về mối nguy hại của Huawei đối với vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Kudlow trong cuộc phỏng vấn của chương trình “Fox News Chủ nhật” và “Face to the Country” của đài CBS hôm 30/6 đã nói rằng Huawei sẽ tiếp tục nằm trong danh sách đen của Mỹ như một mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Ông cũng nhấn mạnh rằng giấy phép bán sản phẩm của Mỹ cho Huawei “sẽ chỉ được áp dụng cho những gì chúng ta gọi là hàng hóa thông thường, không phải các sản phẩm nhạy cảm đối với an ninh quốc gia”, ví dụ các loại chip và phần mềm thông dụng toàn cầu.
Ông Larry Kudlow nói: “Những gì đang xảy ra bây giờ chỉ là nới lỏng điều kiện đối với các sản phẩm thông thường, đây không phải là một cuộc đại xá”.
Giới kinh doanh Mỹ hoan nghênh thương chiến "ngừng bắn"
Sau khi Mỹ-Trung tuyên bố dừng cuộc chiến thuế quan, các bên đã có những đánh giá tích cực. Nhiều hội đoàn và tổ chức kinh doanh Mỹ ca ngợi quyết định của Tổng thống Donald Trump khởi động lại các cuộc đàm phán mậu dịch với Trung Quốc, nhưng cũng bày tỏ rõ họ hy vọng Nhà Trắng sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết và hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thay đổi “các hành vi mậu dịch không công bằng”.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (The U.S. Chamber of Commerce) cho biết họ hy vọng hai bên Mỹ - Trung đạt được một “thỏa thuận có thể thực thi” buộc Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Myron Brilliant: “Chúng tôi hy vọng rằng các bên đã sẵn sàng đi “dặm cuối cùng” để đạt được một bản hiệp nghị tiêu chuẩn cao, toàn diện và khả thi”
|
Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành kiêm người phụ trách các vấn đề quốc tế của Hiệp hội nói: “Chúng tôi hy vọng rằng các bên đã sẵn sàng đi “dặm cuối cùng” để đạt được một bản hiệp nghị tiêu chuẩn cao, toàn diện và khả thi”.
Ông nói: “Trung Quốc phải nỗ lực để giải quyết các hành vi mậu dịch không công bằng và các chính sách công nghiệp tồn tại lâu nay. Cách làm đó của Trung Quốc cản trở sự cạnh tranh công bằng của các công ty Mỹ”.
Tổ chức Hội thảo bàn tròn kinh doanh (Business Roundtable) đại diện cho các CEO của toàn nước Mỹ, bày tỏ hy vọng “hai bên đạt được thỏa thuận giải quyết các vấn đề cơ cấu của Trung Quốc và hủy bỏ thuế quan”.
Hiệp hội các nhà sản xuất toàn quốc (The National Association of Manufacturers) cho biết họ kêu gọi hai bên tìm kiếm một “cấu trúc mới cho quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung”.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (The Semiconductor Industry Association), bao gồm các công ty chip như Qualcomm và Intel, cho biết họ muốn biết thái độ cụ thể của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Huawei.
Các công ty Mỹ chỉ được phép bán các sản phẩm không nhạy cảm đối với an ninh quốc gia cho Huawei
|
Hôm 29/6, ông Trump nói rằng chỉ cần Huawei không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ, ông sẽ cho phép Huawei mua sản phẩm của Mỹ. Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Information Technology Industry Council), đại diện cho những người khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft, đã ca ngợi việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận “thảo luận thực tế và trực tiếp”.
Ngoài ra, về tài chính, nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hưu chiến, thị trường chứng khoán và xu thế thị trường đầu tư tài sản rủi ro có thể đón một dợt gia tăng ngắn hạn.
Ông Vasu Menon, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản của Ngân hàng Hoa kiều OCBC Singapore, cho biết lần hưu chiến này “tích cực cho thị trường trong thời gian ngắn”. Ngoài ra, ông nói rằng vấn đề then chốt đối với các nhà đầu tư là thỏa thuận thương mại vào hôm 29/6 không có khả năng khiến FED cắt giảm lãi suất.
Ông nói: “Tác dụng qua lại giữa cục diện căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, chính sách của FED và dữ liệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nghĩa là ngay cả khi chúng ta thấy cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khiến căng thẳng giữa hai nước được dịu lại, nhưng trong mấy tháng tới thị trường cũng sẽ vẫn biến động”.