Giảm sở hữu chéo - “lỗi hẹn” với Thông tư 36

Thời gian để thực hiện hai điều khoản nhằm giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng theo quy định của Thông tư 36 đã quá hạn hơn ba tháng nhưng thực trạng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng hiện vẫn còn rất phức tạp.
Giao dịch tại Agribank. Đây là một trong bốn ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chiếm đa số (gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) đang có hoạt động đầu tư tại nhiều ngân hàng nhỏ. Ảnh: UYÊN VIỄN
Giao dịch tại Agribank. Đây là một trong bốn ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chiếm đa số (gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) đang có hoạt động đầu tư tại nhiều ngân hàng nhỏ. Ảnh: UYÊN VIỄN

Thời điểm chấm dứt sở hữu chéo đã bị vi phạm

Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 36 được ban hành cách đây hơn một năm là nhằm giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, Thông tư 36 quy định: một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai tổ chức tín dụng (TCTD) khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó) đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó (trừ trường hợp TCTD là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước - NHNN).

Theo lộ trình, các NHTM đang sở hữu cổ phần tại hơn hai tổ chức tín dụng khác hoặc nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của các TCTD đó phải tính đến việc thoái vốn trong vòng một năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1-2-2015). Tuy vậy, tính đến nay đã quá thời hạn trên ba tháng nhưng ma trận sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn còn rất phức tạp.

Bốn ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chiếm đa số là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đều đang có hoạt động đầu tư tại nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ khác. Cụ thể, Agribank sở hữu vốn trực tiếp tại Liên Việt Post Bank, Trust Bank và thông qua công ty con là Chứng khoán Agribank sở hữu cổ phần tại HD Bank, HD Bank lại sở hữu cổ phần tại ABBank. BIDV hiện đang sở hữu 65% vốn tại ngân hàng liên doanh Lào - Việt, sở hữu 50% tại ngân hàng liên doanh Việt - Nga, và 50% tại VID/Public Bank. VietinBank bên cạnh việc sở hữu 50% Ngân hàng liên doanh Indovina cũng đang sở hữu 10,39% cổ phần SaigonBank.

Trong khi đó, Vietcombank hiện là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD khác nhiều nhất khi sở hữu cổ phần tại bốn ngân hàng và một công ty tài chính bao gồm: 7,16% vốn tại MBB; 8,2% vốn tại EIB; 5,07% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); 4,3% vốn tại SaigonBank và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính Xi măng.

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng nhằm giảm sở hữu chéo được đánh giá thành công nhất thuộc về Maritime Bank khi bán thành công 64,2 triệu cổ phiếu MBB (tương đương 4% vốn điều lệ của ngân hàng này) cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài thuộc quỹ Dragon Capital vào ngày 19-2-2016. Nhờ thương vụ này, Maritime Bank thu về gần 1.000 tỉ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ MBB xuống mức 4,96% (dưới quy định 5% theo Thông tư 36).

Các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực tăng vốn để tránh nguy cơ phải chịu sáp nhập vào một ngân hàng khác hay giúp giảm tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông lớn, nhưng trước diễn biến khó khăn của thị trường, kế hoạch này đang gặp nhiều thách thức.

Mới đây nhất, cũng nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36, VietinBank đã đăng ký bán đấu giá gần 17 triệu cổ phiếu SaigonBank (tương đương 5,48% vốn điều lệ) để giảm sở hữu xuống 15,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,91% vốn của ngân hàng này. Thời gian dự kiến thực hiện là quí 2-2016 với giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phần.

Không dễ thoái vốn tại các ngân hàng nhỏ

Khách quan mà nói, các ngân hàng đang nắm giữ cổ phần tại nhiều TCTD khác cũng có nhiều động lực để thoái vốn đúng theo lộ trình Thông tư 36 đề ra. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ thời hạn của NHNN, việc thoái vốn sẽ giúp các ngân hàng này sớm thu hồi được khoản vốn đã đầu tư từ lâu mà không ít trong số đó được đánh giá là kém hiệu quả.

Trên bình diện hệ thống chung, giảm sở hữu chéo chính là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính cũng như tính minh bạch của toàn hệ thống. Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2020 toàn hệ thống sẽ thu hẹp chỉ còn từ 15-17 ngân hàng thương mại với năng lực tài chính đủ mạnh, có thể cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực.
Trên thực tế, trong bốn năm qua, đã có 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cắt giảm thông qua hoạt động M&A, rút giấy phép hay giải thể, đưa số lượng các NHTM hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 30 ngân hàng. Như vậy, so với mục tiêu đề ra, trong vòng bốn năm nữa số ngân hàng cần phải giảm xuống một nửa so với số lượng hiện nay.

Quay trở lại với mục tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36, một số ngân hàng cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu đáng kể ở ngân hàng khác nhờ giải pháp tăng vốn điều lệ.

Trước đây, Eximbank sở hữu hơn 9,73% vốn Sacombank, nhưng khi SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, vốn điều lệ được nâng lên thì tỷ lệ sở hữu của Eximbank ở Sacombank giảm xuống còn 8,76%. Tuy nhiên, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 mới nhất thì tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank hiện là 9,16%. Do đó, ngân hàng này sẽ vẫn phải tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank trong thời gian tới.

Một trường hợp khác là Ngân hàng Phương Đông (OCB) với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỉ đồng lên 4.500 tỉ đồng. Nếu việc tăng vốn này được thực hiện suôn sẻ, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank ở OCB sẽ giảm từ mức 5,07% xuống còn xấp xỉ 4%. Saigonbank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỉ đồng lên 4.080 tỉ đồng theo phương án phát hành riêng lẻ. Nếu kế hoạch phát hành của Saigonbank thành công, tỷ lệ sở hữu của hai cổ đông lớn là Vietcombank và VietinBank cũng sẽ giảm đáng kể.

Mặc dù các ngân hàng nhỏ đang rất nỗ lực tăng vốn để tránh nguy cơ phải sáp nhập vào một ngân hàng khác hay giúp giảm tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông lớn nhưng trước diễn biến khó khăn của thị trường, kế hoạch này đang gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh của nhóm ngân hàng này không thật sự nhiều. Trong khi đó, cơ chế mở room cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng hiện vẫn gặp nhiều rào cản. Vì những lý do trên, việc các ngân hàng không thể thoái vốn tại các TCTD khác đúng theo tỷ lệ và thời hạn mà Thông tư 36 đặt ra là điều dễ hiểu!

Theo TBKTSG