Trong năm 2015, HĐQT PVSB đã tổ chức 04 cuộc họp với sự tham gia đầy đủ của cả 5 thành viên HĐQT, ban hành 7 Nghi quyết và 12 Quyết định.
Báo cáo cũng cho biết một số thông tin liên quan đến tình hình sở hữu cổ phần công ty của một số lãnh đạo PVSB.
Cụ thể đó là trường hợp của các ông Trần Hải Bình (Chủ tịch HĐQT), Phùng Như Dũng (Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc), Nguyễn Tấn Hòa (Thành viên HĐQT).
Theo đó, dù giữ cương vị Chủ tịch HĐQT công ty song khá bất ngờ là tại thời điểm cuối năm 2015, ông Trần Hải Bình chỉ sở hữu vỏn vẹn có 92 cổ phiếu PSB, đúng bằng thời điểm đầu năm. Song điều đó cũng không có nghĩa là Chủ tịch PVSB không mua bán gì trong năm 2015.
Trên thực tế, ông Bình cũng rất chịu khó “lướt sóng”. Có thể kể đến như việc tháo mạnh 15.500 cổ phiếu PSB trong giai đoạn “lên đỉnh” của mã chứng khoán này, từ 24/06 -13/07/2015, giảm khối lượng sở hữu từ 15.592 cổ phiếu về chỉ còn 92 cổ phiếu, đúng bằng con số công bố tại thời điểm cuối năm.
Trong khi đó, Giám đốc Phùng Như Dũng, dù đầu năm sở hữu tới 15.200 cổ phiếu PSB (0.03% vốn điều lệ) nhưng trong năm đã thực hiện bán toàn bộ và tại thời điểm cuối năm không còn sở hữu cổ phiếu nào. Thời gian thực hiện giao dịch của ông Dũng, theo báo cáo, diễn ra trong khoảng thời gian từ 03 – 06/02/2015.
Còn trường hợp của Thành viên HĐQT Nguyễn Tấn Hòa, tại thời điểm đầu năm, ông sở hữu 975 cổ phiếu (0,002%). Trong năm đã thực hiện bán ròng 900 cổ phiếu và chỉ còn nắm giữ khiêm tốn 75 cổ phiếu tại thời điểm cuối năm.
Được biết, trong năm 2015, giá cổ phiếu PSB trên thị trường đã rơi một mạch từ mức đỉnh cao gần 9.000 mỗi cổ phiếu vào tháng 7, tháng 8 đồng xuống chỉ còn chưa đầy 4.000 đồng/cổ phiếu. Đóng phiên giao dịch dần nhất (01/02/2016), giá của mã chứng khoán này, thậm chí còn chưa mua được một mớ rau, với chỉ 3.900 đồng/cổ phiếu.
Như vậy với việc “xả” toàn bộ 15.200 cổ phiếu PSB, tính ra, ông Dũng sẽ thu về ngót 100 triệu đồng, còn ông Hòa, với 900 cổ phiếu đã được bán ròng, số tiền mà vị thành viên HĐQT nhận về sẽ chỉ vỏn vẹn… vài triệu đồng.
Song, giải thích về lý do bán cổ phiếu PSB trong báo cáo, cả hai ông Dũng – Hòa đều nêu lý do là để “giải quyết việc gia đình”.
Nhiều tiền như PVSB!
Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Sao Mai - Bến Đình (Sao Mai - Bến Đình Petroleum Investment Joint Stock Company) là Doanh nghiệp do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông chiến lược sáng lập, hiện nay là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác Tổ hợp Cảng - Căn cứ Dịch vụ Hàng hải Dầu khí tại khu vực Sao Mai - Bến Đình thuộc Thành phố Vũng Tàu với quy mô hiện đại để phục vụ công tác thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu khí và thực hiện các dịch vụ dầu khí...
Tổng tài sản của PVSB tính đến ngày 31/12/2015 là 852 tỷ đồng.
Đáng quan tâm, quá nửa trong số đó - 450 tỷ đồng - là các khoản tiền gửi có kỳ hạn (từ 3 tháng trở lên) tại ngân hàng với mục đích hưởng lãi. Chưa kể 10 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng khác.
Mặc dù đã thu về đến 27 tỷ đồng, xét riêng lãi tiền gửi ngân hàng trong năm 2015, nhưng thật kỳ lạ là tổng lợi nhuận cả năm của PVSB chỉ vỏn vẹn có… 1 tỷ đồng.
Ninh Giang