Chia sẻ về cơ hội gặp gỡ Thủ tướng lần này, ông Thuận Phạm nói: “Các thành viên trong gia đình Uber chúng tôi đã trải qua một hành trình tuyệt vời và đầy ý nghĩa khi được phục vụ những đối tác và người dùng yêu mến Uber tại Việt Nam. Tôi mong chờ được gặp Ngài Thủ tướng để chia sẻ với Ngài về những thành công mà chúng ta đã cùng nhau đạt được trong hành trình này, gửi lời cảm ơn chân thành đến Ngài và Chính phủ Việt Nam, và mong nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía Ngài và Chính phủ trong thời gian tới, để tiếp tục mang công nghệ đến với người người, nhà nhà, thúc đẩy xã hội phát triển hơn nữa”.
Theo Giám đốc công nghệ của Uber, "Là một kỹ sư công nghệ, khi chứng kiến chính phủ các quốc gia, các thành phố cùng ủng hộ và thúc đẩy phát triển những công nghệ có tác động xã hội tích cực như công nghệ chia sẻ chuyến đi, đã tiếp thêm động lực rất nhiều để tôi và đại gia đình Uber theo đuổi sứ mệnh của mình”.
Ông Thuận Phạm cho rằng, “Việt Nam chia sẻ tầm nhìn dài hạn để phát triển những thành phố năng động, hiện đại và tiện nghi. Với những chính sách tiên tiến và công nghệ sẵn có chúng ta không nhất thiết phải chờ đợi thêm năm hay 10 năm nữa để kiến tạo nên những thành phố của tương lai. Qua sự hợp tác và thúc đẩy công nghệ phát triển, các giải pháp di động thay thế có thể giúp tầm nhìn trở thành thành phố thông minh thành hiện thực, ngay từ bây giờ”.
Được biết, ông Thuận Phạm sẽ cùng các đại biểu đến từ 10 doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia buổi tọa đàm cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng đến Hoa Kỳ theo lời mời của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Buổi tọa đàm sẽ chính thức diễn ra vào thứ Tư, ngày 31/5 tới đây (tối thứ Ba, ngày 30/05 theo giờ tại Washington DC).
Ra đời từ năm 2009, Uber là phần mềm hoạt động trên điện thoại thông minh (smartphone) dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Theo đó, người có nhu cầu đi xe đăng ký hành trình trên ứng dụng, hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó và phản hồi cho khách biết về lộ phí, đặc điểm, thông tin tài xế và chiếc xe sắp có mặt.
Ứng dụng Uber cho phép người dân kết nối trực tiếp với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ - một hình thức rất được ưa chuộng và hiện có mặt tại hơn 100 thành phố của 36 quốc gia nhưng bị coi là "dịch vụ đen". Dịch vụ này đã vấp phải các vấn đề pháp lý tại San Francisco, New York (Mỹ) hay Frankfurt (Đức). Tại Seoul (Hàn Quốc), giới chức cho rằng dịch vụ này nên tuân theo các quy định như taxi bình thường hoặc các công ty cho thuê xe.
Ở Việt Nam, Uber xuất hiện tại TP. HCM từ tháng 6/2014 và đến tháng 11/2014 đã có mặt tại Hà Nội. Ngay lập tức, Uber đã tạo ra cuộc cách mạng về vận tải hành khách khi kéo giảm giá cước, khiến các hãng taxi truyền thống đau đầu.
Tháng 11/2015, Uber từng bị Bộ Giao thông Vận tải trả lại đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber, với lý do công ty này không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải lại một lần nữa trả đề án thí điểm Uber, do việc ủy quyền của Công ty Uber BV (Hà Lan) cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ chưa phù hợp.
Tuy nhiên, ngày 10/4/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức thông qua và đưa vào hiệu lực Đề án Thí điểm của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam), thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ trong việc áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.