Hai bệnh viện cùng chuẩn bị sẵn sàng
Trao đổi với VietTimes chiều nay 20/5, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: “Hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân 91 để chờ BV Chợ Rẫy chuẩn bị sẵn sàng. Hai bệnh viện sẽ cùng hội chẩn để chuẩn bị phương án chuyển bệnh nhân an toàn nhất”.
“Bệnh nhân 91 đã 13 ngày liền âm tính với virus SARS-CoV-2 và kết quả CT Scan lần thứ 2 cho thấy phổi của phi công người Anh hồi phục lên tới 20-30%, khác hẳn với kết quả chỉ còn 10% hoạt động ở lần CT Scan đầu tiên” – BS Châu nói.
“Hôm nay 20/5, bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO” - BS Châu thông tin thêm.
Đây là những tín hiệu hết sức đáng mừng cho sức khỏe của bệnh nhân 91. Sự hồi phục lá phổi của phi công người Anh có thể nói là khá thần kỳ. Từ chỗ tưởng chừng rất ít hy vọng, nay bệnh nhân 91 đã có tới 20-30% hồi phục.
Theo kết luận tại cuộc hội chẩn trực tuyến với Bộ Y tế và BV Việt Đức chiều 19/5, dù hồi phục phổi nhưng vẫn cần phải chuyển bệnh nhân 91 sang BV Chợ Rẫy để điều trị tích cực, song song với việc tìm nguồn hiến tặng phổi phù hợp để ghép toàn phần hai lá phổi cho phi công người Anh.
Tuy nhiên, các chuyên gia điều trị đặt nhiều câu hỏi: Nếu phổi của bệnh nhân 91 đã có khả năng hồi phục như vậy, thì có nhất thiết phải sử dụng phương án ghép phổi? Những nguy cơ mà phương án ghép phổi gây ra cho bệnh nhân 91 là gì?
Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi tại BV Việt Đức (Ảnh: BYT)
|
Ít cơ hội, nhiều hiểm họa
Trước thông tin có thể phải sử dụng biện pháp ghép tạng cho phi công người Anh, nhiều người Việt Nam đăng ký xin hiến phổi cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, phương án tối ưu được lựa chọn thường sẽ là từ người cho chết não. Nhưng đối với trường hợp của bệnh nhân 91 là người Anh, trong khi người hiến tặng là người Việt, nên sẽ rất khó khăn để có thể tìm được nguồn tạng có gen thực sự phù hợp.
Kể cả khi tìm được tạng phù hợp, ca phẫu thuật ghép tạng thành công, thì hiểm họa về đào thải sau khi phẫu thuật vẫn là mối nguy phải lường trước. Bệnh nhân ghép tạng buộc phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Các bác sĩ phẫu thuật lưu ý nên biết trước, thuốc này có tác dụng phụ, hoàn toàn có thể dẫn đến những bệnh khác cho người được ghép tạng.
BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tham gia hội chẩn trực tuyến về bệnh nhân 91 (Ảnh: TTKT)
|
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân 91 vẫn đang nguy kịch, chưa tỉnh lại, sự sống phụ thuộc vào can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo, ô xy hóa máu ngoài lồng ngực). Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định ghép phổi cho phi công người Anh?
Về quy trình ghép tạng, được thực hiện theo Luật Hiến ghép mô tạng của Việt Nam. Cụ thể, khi người bệnh muốn ghép tạng thì phải có đơn đề nghị được ghép tạng. Trong trường hợp bệnh nhân 91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến.
Được biết, người thân của bệnh nhân 91 mới chỉ liên lạc với Bộ Y tế chứ chưa liên lạc trực tiếp tới BV và cũng chưa có nhiều khả năng người nhà bệnh nhân 91 sẽ sang Việt Nam để làm thủ tục cho phi công người Anh.
Như vậy, sẽ giải quyết ra sao về các thủ tục pháp lý như ký đơn xin ghép tạng, người giám hộ chăm sóc sau phẫu thuật… để tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân này?