Giá vàng Ta – Tây sát nhau chưa từng thấy!

VietTimes – Tính ra, giá vàng trong nước hiện chỉ còn cao hơn thế giới khoảng 60 nghìn đồng mỗi lượng. Chỉ ít tháng trước doãng chênh giá vàng nội – ngoại vẫn còn lên tới hàng triệu đồng.
Giá vàng Ta – Tây sát nhau chưa từng thấy!

Chốt phiên giao dịch đầu tuần (Thứ Hai ngày 29/02), giá vàng giao tháng Hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile đảo chiều bật mạnh $14 (+1,2%) lên đóng cửa ở $1.234,40/oz. Tính chung trong cả tháng 02/2016, giá vàng giao sau đã leo 10,5% - đánh dấu mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng 01/2012 (+11,1%), theo dữ liệu của FactSet.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay đã tiến 1,28% lên $1.2337,81/oz và khép lại tháng 02/2016 với mức nhảy vọt xấp xỉ 10%, cũng là tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 01/2016.

Tương tự, giá bạc giao tháng Ba đã tăng 20,4 xu (tương ứng 1,4%) lên 14,918 USD/oz, nâng tổng mức tăng trong tháng lên 4,6%.

Sau giờ đóng cửa sàn giao dịch tập trung, giá vàng giao ngay tiếp tục nới rộng đà tăng trên phương thức giao dịch điện tử.

Cụ thể, tính đến thời điểm 9h39’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đã leo lên $1.245,71/oz.

Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.245,50/oz.

Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á.

Theo nhận định của Giám đốc bộ phận nghiên cứu của GoldCore, ông Mark O’Byrne, động lực lớn nhất đẩy giá vàng đi lên đến từ “tâm lý quan ngại trước các rủi ro gia tăng từ những bất ổn trên thị trường cũng như nền kinh tế toàn cầu”.

Được xem như tài sản thu hút nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán và nền kinh tế gặp bất ổn, vàng đã chứng kiến lượng mua vào mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, phần lớn là do mối lo lắng về bức tranh kinh tế toàn cầu cùng với sự xuất hiện của chính sách lãi suất âm ở Nhật Bản và một số khu vực tại châu Âu.

Vàng càng trở nên hấp dẫn hơn khi phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều lao dốc, dẫn đầu là chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc với mức giảm 2.9%. Cũng trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng bớt 0.5% nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tính tới thời điểm này, vàng đã tăng hơn 16% và trở thành một trong những tài sản có thành quả tốt nhất trong năm nay. Trong khi đó, tính tới thời điểm đóng cửa hôm thứ Sáu, chỉ số S&P 500 đã rớt 4,7% trong năm 2016.

Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.

Bám sát diễn biến tại thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Ba ngày 01/03), giá vàng SJC trong nước cũng đảo chiều bật mạnh.

Cụ thể, đến thời điểm 9h29’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 33,37 - 33,67 triệu đồng/lượng (MV-BR), tăng 80 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.

Tương tự, tại Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chính tăng 80 nghìn đồng lên đứng ở 33,52 – 33,62 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua-bán ở Doji vẫn là 100 nghìn đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 33,54 – 33,61 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 33,04 – 33,49 triệu đồng/lượng (MV-BR).

Tính ra, giá vàng trong nước hiện chỉ còn cao hơn thế giới khoảng 60 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công). Có lẽ từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng ra đời, giá vàng trong nước và quốc tế mới gần nhau đến vậy. Chỉ ít tháng trước doãng chênh giá vàng nội – ngoại vẫn còn lên tới hàng triệu đồng mỗi lượng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua (29/02), trả lời báo chí về những giải pháp điều hành cụ thể của NHNN đối với thị trường vàng tới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau những đợt “sóng” gần 3 năm qua thị trường vàng trong nước đã “êm” trở lại.

Kết quả này có được là nhờ những quyết tâm điều hành của cơ quan quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ tháng 4/2012.

Tuy nhiên, dù thị trường vàng đã "êm" sóng trở lại, nhưng vẫn nằm trong "tầm ngắm" quản lý của cơ quan điều hành - người phát ngôn NHNN nhấn mạnh.

N.G