Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, kinh tế - xã hội năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, có 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp không đạt. Tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, trong khi mục tiêu đề ra là 5-6%.
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 giảm đáng kể, khi GDP cả năm ước tăng trên 5%. "Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023, cao nhất là khoảng 6%. Để đạt được mục tiêu này, GDP quý 4/2023 cần tăng 10,6%, cao gấp đôi so với mức 5,33% trong quý 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo từng là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, nhưng hiện suy giảm. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Thanh cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2024 – 2025. Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5%-7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Theo cơ quan thẩm tra, một số chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân... sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-4.730 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng này; đánh giá kỹ việc lập dự toán NSNN, cân nhắc dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.
Ngoài ra, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực nội sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu