Tỷ phú giàu nhất Châu Á Gautam Adani đặt cược vào năng lượng xanh (Ảnh: The New York Times) |
Được mệnh danh là tỷ phú giàu nhất Châu Á, Gautam Adani, 60 tuổi, đang tìm cách thay đổi hình ảnh từ một doanh nhân trong lĩnh vực than đến 'chiến binh khí hậu' của Ấn Độ.
Sau 40 năm kinh doanh, từ một thanh niên 15 tuổi bỏ học, rời nhà đến quận Heera của Mumbai, Gautam Adani đã có số tài sản lên tới hàng tỉ USD. Nhưng ông vẫn không ngừng làm việc.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, Adani đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng 1,440% lên gần 120 tỉ USD, đưa ông trở thành người giàu nhất châu Á và là một trong 4 người giàu nhất trên thế giới.
Một phần lớn tài sản đó đến từ việc khai thác, vận chuyển và đốt than. Nguyên nhân là do nhu cầu nhiên liệu hóa thạch để cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ.
Đặt cược vào năng lượng xanh
Năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ đưa Ấn Độ đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng vào năm 2070, chậm hơn nhiều thập kỷ so các nước khác.
Đất nước tỷ dân đã thực hiện một số bước để hướng tới mục tiêu đó.
Ấn Độ, với nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào, hiện đứng thứ tư về sản xuất năng lượng mặt trời, đã tăng công suất hơn 100 lần từ năm 2011 đến năm 2021. Ông Modi đã cam kết Ấn Độ, quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn thứ ba thế giới, sẽ sử dụng được khoảng 50%. Năng lượng đến từ các nguồn tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và hydro xanh.
Tuy nhiên, với việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ có thể sẽ vẫn đốt nhiều than hơn nữa trong những thập kỷ tới. Điều này đã đặt ra câu hỏi về vai trò của quốc gia, vốn được dự đoán là nước tiêu thụ năng lượng nhanh nhất thế giới trong những thập kỷ tới, sẽ đóng vai trò như thế nào trong các nỗ lực cấp bách toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải và ngăn chặn thảm họa khí hậu.
“Ấn Độ phải chuyển từ đang phát triển sang phát triển, và năng lượng cũng giống như lương thực”, Gautam Adani nhấn mạnh. Ông cũng chia sẻ, đội ngũ của mình “đang cung cấp những gì đất nước và người dân cần: điện giá rẻ, uy tín".
Tỷ phú Gautam Adani - Ảnh: The New York Times |
Hành động thực tế
Mối liên hệ giữa 'đế chế' của Adani và đất nước Ấn Độ được thể hiện ở thành phố ven biển Mundra ở bang Gujarat. Có cả một nhà máy sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời và một nhà máy nhiệt điện than bên cạnh cảng Mundra.
Trước kia nơi đây từng là mảnh đất cằn cỗi, cánh đồng muối cháy nắng và dọc theo những con đường và trong các nhà máy là những biển bảng kêu gọi mọi người tiết kiệm điện.
Sự thay đổi là biểu tượng rõ ràng nhất cho thấy ông Adani nắm được sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ.
Công ty có kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng các cơ sở lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió gần cảng, nhưng phần lớn điện năng tại Đặc khu kinh tế Adani ở Mundra đến từ than đá.
Một băng tải đưa than nhập khẩu trực tiếp từ bến tàu đến hai nhà máy, bao gồm việc lắp đặt nhiệt điện lớn nhất của Ấn Độ. Năng lượng được tạo ra từ đây kéo dài đến bang Haryana cách hàng trăm dặm về phía bắc.
Tập đoàn Adani đã bắt đầu tự sản xuất các mảnh của các tấm pin mặt trời, với kế hoạch xây dựng phần còn lại của nguyên liệu trong chuỗi cung ứng trong vài năm tới. Hiện đã là nhà phân phối năng lượng gió trên các đường dây truyền tải rộng lớn của mình, công ty cũng đang xây dựng các tuabin của riêng mình.
Tập đoàn đồng thời có kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất pin và đổ tiền mặt vào hydro xanh, một thành phần quan trọng trong chiến lược năng lượng tái tạo của tỷ phú Adani.
Vị doanh nhân này lớn lên ở vùng đất kinh tế sầm uất Ahmedabad, Gujarat. Sau khi rời nhà để buôn bán kim cương Mumbai, ông quay lại quản lý nhà máy nhựa nhỏ của anh trai mình. Khi nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu tự do hóa vào đầu những năm 1990, cả hai đã chuyển sang nhập khẩu.
Chia sẻ với The New York Times, ông cho biết bản thân đã học được giá trị của việc kiểm soát chuỗi cung ứng khi nhà máy sản xuất nhựa của gia đình đối mặt với tình trạng thiếu polyme trầm trọng.
Theo Adani, vào cuối những năm 1990, ông đã áp dụng kiến thức đó khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế và đối mặt với tình trạng thâm hụt năng lượng trầm trọng. Gần đây nhất là vào đầu những năm 2000, khoảng từ 300 triệu đến 400 triệu người Ấn Độ không được sử dụng điện.
Ông Adani hiện là chủ tịch của một tập đoàn khổng lồ trị giá 200 tỉ USD với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau bao gồm xi măng, máy bay không người lái quân sự và truyền thông.
Ông cũng vừa thâu tóm kênh tin tức độc lập cuối cùng của Ấn Độ. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của vị tỷ phú người Ấn là đế chế năng lượng, bao gồm hàng chục cảng trên bờ biển phía đông và phía tây của Ấn Độ, cùng với một tuyến đường sắt tư nhân được sử dụng để vận chuyển than và hàng hóa khác./.
Nguồn tham khảo: The New York Times