Gần nửa số doanh nghiệp Việt “loay hoay” tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý

VietTimes -- Năm 2017 nhu cầu tuyển dụng lao động tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, tốc độ của nguồn cung nhân lực không đi cùng với tốc độ tuyển dụng. Trong đó, phân khúc tuyển dụng cấp trung và cao của các ngàng bán lẻ, CNTT, hàng tiêu dùng nhanh  thuộc nhóm "nóng" nhất.
Tương lai nguồn cung nhân lực của Việt Nam thuộc vào thế hệ sinh từ 1980 đến 1990. Tuy nhiên, lứa tuổi này cũng có đặc điểm mà các doanh nghiệp rất băn khoăn đó là độ gắn bó với công việc không cao. Ảnh minh họa: ILO
Tương lai nguồn cung nhân lực của Việt Nam thuộc vào thế hệ sinh từ 1980 đến 1990. Tuy nhiên, lứa tuổi này cũng có đặc điểm mà các doanh nghiệp rất băn khoăn đó là độ gắn bó với công việc không cao. Ảnh minh họa: ILO

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search trao đổi tại Hội thảo "Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP" do VCCI tổ chức gần đây. 

Dẫn số liệu từ thống kê của trang tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks, bà Phương Mai cho biết, trong những năm vừa qua nhu cầu tuyển dụng tăng đều: “Năm 2017 nhu cầu tuyển dụng lao động tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đối với nguồn cung nhân lực của chúng ta thì tốc độ tăng không đi cùng với tốc độ tuyển dụng vì nguồn cung nhân lực chỉ tăng 14% từ năm 2017 so với 2016; với phân khúc mà vị trí tuyển dụng là cấp trung và cấp cao qua các năm ngành có sự thu hút nhân lực cao nhất là các ngành trong các khối công nghiệp và sản xuất, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công ty dịch vụ doanh nghiệp, ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngành bán lẻ, ngành công nghệ thông tin".

Tuy nhiên, bà Mai nhận định, tương lai nguồn cung nhân lực của Việt Nam thuộc vào thế hệ sinh từ 1980 đến 1990. Tuy nhiên, lứa tuổi này cũng có đặc điểm mà các doanh nghiệp rất băn khoăn đó là độ gắn bó với công việc không cao.

Có một khảo sát khác của Navigos Search cho thấy các doanh nghiệp đang bước chân vào cuộc chiến về mặt nhân tài. Theo thống kê của ILO, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm ứng viên cho vị trí quản lý. “Với khảo sát của Navigos Search thì chúng tôi thấy rằng có đến 41% doanh nghiệp Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý”, bà Mai nói. Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho biết có 31% các doanh nghiệp khảo sát cho biết họ thấy khó khăn trong vấn đề về ngôn ngữ.
Gần nửa số doanh nghiệp Việt “loay hoay” tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search

Bà Mai cũng chỉ ra rằng thách thức của doanh nghiệp khi họ tuyển dụng những vị trí cấp trung cấp cao là nguồn cung nhân lực Việt Nam cho vị trí này vừa thiếu vừa yếu, chúng ta chưa có nguồn lực thật sự giúp cho các doanh nghiệp biến thế mạnh của mình thành thế mạnh cạnh tranh trên thị trường lao động.

“Dưới áp lực của cách mạng 4.0, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong khoảng 3 năm vừa qua, xu hướng công ty khởi nghiệp nhiều, đặc biệt khởi nghiệp công nghệ. Vì vậy đã một lần nữa thu hút các ứng viên ở vị trí cấp quản lý bước ra khởi nghiệp cho công ty riêng của mình, cũng như họ chèo kéo các vị trí quản lý ở các doanh nghiệp khác để về doanh nghiệp của mình", bà Mai cho biết.

Một vấn đề nữa vô cùng đau đầu theo đại diện Navigos Search là hiện tượng nhảy việc. Theo bà Mai, có thể do cơ hội đến từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian qua tăng nhanh nên cơ hội nhiều mà nguồn cung không nhiều khiến ứng viên chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác khá nhiều. Điều này, dẫn đến 2 hệ quả: Hệ quả đầu tiên là làm thế nào đưa ra chiến lược giữ chân và phát triển nhân tài ở doanh nghiệp. Hệ quả tiếp theo là doanh nghiệp không tìm được ứng viên đủ tài đức trong việc chèo lái doanh nghiệp của họ.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, bà Mai cho rằng hiện tại chúng ta có 4 nhóm đối tác cần bắt tay với nhau chặt chẽ để giải bài toán nâng cao chất lượng doanh nghiệp Việt Nam là: cơ quan quản lý nhà nước; các nhà đào tạo, trường đào tạo; doanh nghiệp; các cơ quan truyền thông và đơn vị tư vấn.

Theo quan điểm của chuyên gia tuyển dụng, ở góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo chính nguồn lực tại công ty mình. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể nghĩ đến chính sách đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa ra công cụ giúp hoạt động hiệu quả hơn.