"Gã khổng lồ" bán lẻ Anh bất ngờ phá sản: 400 cửa hàng bị thâu tóm, 12.000 người có thể mất việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Wilko là một phần trong cuộc sống của nhiều người Anh, đáp ứng mọi mong muốn của họ, cũng là cửa hàng “phải mua, phải đến” của sinh viên đến Anh du học; nhưng dưới áp lực của lạm phát và nền kinh tế, nó có thể biến mất.

Tình trạng bi đát của Wilko được truyền thông Anh đăng tải rộng rãi (Ảnh: DailyMail)
Tình trạng bi đát của Wilko được truyền thông Anh đăng tải rộng rãi (Ảnh: DailyMail)

Sự sụp đổ của thương hiệu lâu đời

Wilko, chuỗi cửa hàng bán lẻ lâu đời của Anh được thành lập vào năm 1930, mới đây đã tuyên bố phá sản vì những khoản nợ khổng lồ. Kể từ năm ngoái, tình hình lạm phát ở Anh ngày càng xấu đi. Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh đã nhiều lần tăng lãi suất và nền kinh tế tiếp tục chịu áp lực.

Dưới tác động của lãi suất cao, nhiều nền tảng thương mại điện tử và nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ đã tuyên bố phá sản.

Theo dữ liệu từ Insolvency Service (Cục Dịch vụ phá sản) của Anh, do suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của lãi suất cao, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Anh và xứ Wales lên tới 2.163 trong tháng 6/2023, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước và nhiều hơn trước đại dịch. Các vụ phá sản trong tháng 5 thậm chí còn cao hơn, khi chúng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Wilko chỉ là một giọt nước trong cơn sóng thần lạm phát này, tương lai của 400 cửa hàng và 12.000 nhân viên sẽ đi về đâu?

Tấm biển "Big Sale" đã được treo ở cửa các cửa hàng Wilko trên đường phố London, Anh. Dù hàng hóa bày bán đều là nhu yếu phẩm hàng ngày và giảm giá mạnh nhưng rất ít khách ghé qua.

Vilko sap pha san.jpg
Biển "Big Sale" được treo tại các cửa hàng của Wilko (Ảnh: Toutiao).

Doanh thu ế ẩm và những khoản nợ khổng lồ khiến Wilko, gã khổng lồ bán lẻ có tuổi đời gần một thế kỷ, không thể tự cứu mình và tuyên bố phá sản như một phương án cuối cùng.

Ngày 10/8 theo giờ địa phương, Wilko đã tuyên bố phá sản. 400 cửa hàng của hãng trên khắp nước Anh sẽ do Pricewaterhouse Coopers (PwC) tạm thời quản lý để tìm người mua lại. Nếu cuối cùng không thể được mua lại, 12.000 nhân viên của công ty sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Wilko luôn rất nổi tiếng và được ưa thích ở Anh với chất lượng cao, giá rẻ và chiết khấu cao, có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày và giá rất rẻ. Và vào mùa tựu trường, Wilko thường có những đợt giảm giá điên cuồng, là lựa chọn tốt cho sinh viên các nước vừa tới du học Anh bổ sung thêm đồ.

Hiện nay, tất cả các cửa hàng của Wilko đều tung ra đợt giảm giá lớn trước khi đóng cửa và Wilko đã ngừng dịch vụ bán hàng trực tuyến. Trên mạng xã hội, nhiều người ở Vương quốc Anh dành tình cảm không nguôi cho Wilko, cho rằng đó là cửa hàng "phải mua" và "phải ghé", và việc đóng cửa đã trở thành "giọt nước mắt của thời đại".

PwC, cơ cấu tạm thời phụ trách quản lý các cửa hàng Wilko, cho biết nhiều nhà bán lẻ ở Anh hiện đang đối mặt với thách thức, lạm phát cao và lãi suất liên tục tăng tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ.

Ha gia cung khong co khach.png
Dù đại hạ giá cũng không có khách vào các cửa hiệu Wilko mua hàng (Ảnh: Toutiao).

Môi trường sống ngày càng khó khăn

Wilko được thành lập tại Leicester vào năm 1930. Ban đầu đây là một cửa hàng ngũ kim, đến nay quy mô đã mở rộng lên con số 400 và trở thành một trong những chuỗi cửa hàng bán nhu yếu phẩm hàng ngày như đồ gia dụng, sản phẩm tẩy rửa và mỹ phẩm lớn nhất ở Anh. Khẩu hiệu của nó là “Where there’s a Wilko, there’s a way” (Ở đâu có Wilko, ở đó có cách). Rẻ, đẹp, mẫu mã đa dạng... là ấn tượng sâu sắc nhất mà mọi người có về Wilco.

Người Anh thậm chí còn có một từ vựng đặc biệt để mô tả Wilco, được gọi là "Wilko Wonderland", có nghĩa là "Wilko tiên cảnh".

Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của thương mại điện tử và các xu hướng tiêu dùng mới, sự ra đời của các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, sự bùng nổ của các khu phức hợp thương mại, Wilko dần mất đi sức cạnh tranh và cuộc sống ngày càng khó khăn.

Trong những năm gần đây, Wilko phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt, cùng với sự phát triển không ngừng của các công ty thương mại điện tử như Amazon, sự cạnh tranh này đã khiến Wilko mất đi điểm bán hàng độc đáo.

Ngoài ra, việc tăng giá ở Vương quốc Anh và các nước trong hơn một năm rưỡi qua đã buộc mọi người phải cắt giảm chi tiêu, nhưng cũng làm giảm doanh số bán hàng khi mọi người tìm mua sắm những hàng hóa rẻ nhất.

Là một cửa hàng truyền thống phụ thuộc vào lượng khách tới mua, Wilko cho biết lượng khách của họ đã giảm 40% kể từ đợt phong tỏa chống dịch tháng 3/2020. Trong bối cảnh đó, Wilko rơi vào tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm.

Khoản lỗ trước thuế của công ty đã tăng lên 36,7 triệu bảng (36,7 triệu USD) cho năm kết thúc vào ngày 29/1/2022, so với mức 4,3 triệu bảng (5,4 triệu USD) của năm trước, theo các hồ sơ mới nhất của công ty được nộp cho Cơ quan đăng ký công ty. Bất chấp những rắc rối gần đây, Wilko đã trả cho các chủ sở hữu 2,25 triệu bảng tiền cổ tức trong năm tính đến cuối tháng 1 năm ngoái, và 750.000 bảng nữa vào tháng 2/2022.

Giống như hầu hết các công ty, Wilko đang phải đối mặt với tác động chu kỳ sau dịch bệnh, với doanh số bán hàng tiếp tục giảm, nợ nần chồng chất và không có khả năng trả các khoản vay và tiền lương.

Wilko cũng đã cố gắng tự cứu mình thông qua các đợt bán hàng lớn và các phương pháp khác, nhưng hiệu quả không tốt. Thay đổi luôn có nguy cơ khiến một số khách hàng trung thành xa lánh, nhưng trong thời kỳ kinh tế như hiện nay, một thương hiệu như Wilko cần ưu tiên sự sống còn.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Sự phá sản của Wilco là một hồi chuông cảnh tỉnh, phơi bày những thách thức to lớn mà ngành bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt.

Tình hình kinh tế của Vương quốc Anh trong 2 năm qua rất kém do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh COVID-19, Brexit, lạm phát, lãi suất tăng và khủng hoảng năng lượng.

Kể từ tháng 4/2022, tình hình lạm phát ở Anh tiếp tục xấu đi và đã ở mức trên 10%. Giá lương thực tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã lập mức cao kỷ lục trong 45 năm và xu hướng tăng vẫn đang tiếp tục.

Sau khi lạm phát cao hơn dự kiến ​​trong 4 tháng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã xuất hiện một đợt giảm bất ngờ hiếm hoi trong tháng 6. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết lạm phát đã bắt đầu giảm trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 7,9%. Mặc dù tình hình đang được cải thiện nhưng lạm phát hiện nay vẫn còn quá cao.

Wilko là mô hình thu nhỏ của các doanh nghiệp Anh bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát: Hiện tại, chi phí sinh hoạt của người dân Anh tiếp tục tăng, sức tiêu thụ giảm, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục giảm và lãi suất liên tục tăng đã làm tăng thêm chi phí tài chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, giá năng lượng cao cũng làm tăng chi phí của các ngành bán lẻ vật chất cần duy trì chiếu sáng trong thời gian dài. Rõ ràng đây không phải là một sự cố cá biệt mà là phần nổi của tảng băng chìm trong tình trạng khó khăn của ngành bán lẻ ở Vương quốc Anh.

Lạm phát cao trở thành gánh nặng với toàn bộ dân chúng, đặc biệt gây tổn hại cho những người sống trong cảnh nghèo đói.

Theo Toutiao