Ngày 30/7, một trong các đối tác kiểm tra dữ liệu (fact-checking) của Facebook khuyên công ty này tăng cường chia sẻ dữ liệu với các đối tác để có thể ngăn chặn hiệu quả hơn nạn tin giả.
Full Fact, có trụ sở tại Anh, đã tham gia chương trình kiểm tra dữ liệu của Facebook và thu về khoảng 171.800 USD từ công việc kiểm tra dữ liệu cho Facebook trong giai đoạn từ tháng 1-6/2019.
Tổ chức này kêu gọi Facebook chia sẻ thêm dữ liệu để các đối tác nắm được rõ hơn về cách thức các nội dung bị gắn cảnh báo được chia sẻ trong thời gian qua và để đánh giá tốc độ lan truyền các thông tin giả mạo cũng như hiệu quả của việc kiểm tra dữ liệu trong ngăn chặn tin giả.
Full Fact cũng nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp ứng dụng công nghệ máy tính tự học (machine learning) để xác định các nội dung giả mạo mà Facebook áp dụng.
Facebook triển khai chương trình fact-checking từ tháng 12/2016 và hiện có khoảng 54 đối tác fact-checking với 42 ngôn ngữ khác nhau.
Theo chương trình này, các đối tác sẽ xếp hạng các nội dung theo những thứ hạng khác nhau và Facebook sẽ quyết định giảm quy mô lan truyền với những nội dung bị xếp hạng thấp.
Facebook cũng bổ sung các bài viết của những đối tác đánh giá vào mục "Related Articles" (bài viết liên quan) và lưu ý người dùng nếu họ muốn chia sẻ hoặc đã từng chia sẻ một nội dung sai sự thực.
Dù vẫn cho rằng chương trình của Facebook thực sự có giá trị, nhưng cũng giống như một số đối tác khác, Full Fact nhận định Facebook chưa chia sẻ đủ dữ liệu để làm nguyên liệu trong quá trình đánh giá.
Full Fact cũng kêu gọi Facebook mở rộng chương trình này với mạng chia sẻ hình ảnh Instagram để các đối tác có thể kiểm tra nội dung trực tiếp trên nền tảng này.
Hồi tháng 5, Facebook tuyên bố sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để phát hiện những nội dung đã bị cấm lan truyền trên Facebook và gỡ khỏi thanh công cụ Instagram Explore cũng như các kết quả tìm kiếm theo hashtag./.