FTSE Russell muốn các nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt sớm được triển khai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đại diện FTSE Russell cho biết sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp thường xuyên liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa FTSE Russell và UBCKNN (Nguồn: SSC)
Toàn cảnh buổi làm việc giữa FTSE Russell và UBCKNN (Nguồn: SSC)

Quan điểm này được đại diện FTSE Russell nêu tại buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về cập nhật các thông tin chính sách/thị trường, định hướng giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, hôm 16/10.

Theo UBCKNN, đoàn công tác của FTSE Russell sang Việt Nam từ ngày 16 - 18/10/2023 và có một số buổi làm việc với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Ông Tim Batho – Trưởng Bộ phận Chiến lược, Chính sách chỉ số, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương FTSE Russell - cho rằng, những nỗ lực gần đây của UBCKNN, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, và ông cũng rất mong đợi các nỗ lực của cơ quan quản lý sẽ sớm được đưa vào triển khai.

Đại diện FTSE Russell mong muốn tiếp tục hỗ trợ xây dựng TTCK Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt là sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp thường xuyên trong vấn đề nâng hạng thị trường.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương chia sẻ quan điểm chỉ đạo, chủ trương chính sách của Chính phủ với vấn đề nâng hạng TTCK.

Bà Phương cũng cập nhật tình hình phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như các nỗ lực của UBCKNN, Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc của TTCK Việt Nam để nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.

Trước đó, theo kết quả xếp hạng thị trường được FTSE Russell công bố hôm 28/9, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).

Theo tổ chức xếp hạng này, quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam chậm hơn dự báo, một phần do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về chu kỳ Thanh toán (DvP), được đánh giá là "còn hạn chế" do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch - quy định hiện tại yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh. Tuy nhiên, theo thông lệ, yêu cầu này là không bắt buộc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như có cơ chế tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư ngoại giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tuần trước, tại Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết”, ông Đặng Hồng Quang - Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội VinaCapital, cho biết Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các TTCK mới nổi.

Vị này dẫn chứng, trong 10 năm qua, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đã tăng gấp 5,6 lần lên mức 246 tỉ USD vào cuối tháng 9/2023. “Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như "cá lớn trong ao nhỏ"”, ông Quang nói.

Theo đại diện VinaCapital, nếu được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỉ USD./.