FPT rất đúng đắn khi muốn bán FShop, và Thế giới di động cũng nên làm như vậy!

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco, nhiều khả năng Mekong Capital sẽ thoái toàn bộ 25% cổ phần đang nắm giữ tại Traphaco ngay trong năm nay.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT, nhà kiến thiết chiến lược của Traphaco.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT, nhà kiến thiết chiến lược của Traphaco.

Quỹ này đã đầu tư vào Traphaco từ năm 2008 với tỷ lệ sở hữu 5%, mức giá mua 121.000 đồng/cổ phiếu. Các năm sau đó, quỹ tiếp tục mua gom và nâng tỉ lệ sở hữu lên 25%.

Mặc dù Mekong Capital chưa có thông báo gì về việc này nhưng có thể suy luận, năm 2017 là thời điểm Quỹ Vietnam Azalea do Mekong Capital quản lý và đang đầu tư vào Traphaco đến hạn đóng quỹ. Còn khoản đầu tư tại Traphaco sau gần 8 năm duy trì, đến nay đã thực sự "chín ngọt".

Traphaco đang là doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong ngành Dược

Xuất phát điểm là một công ty Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sau 16 năm, Traphaco hiện nay đã là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam với 1.600 nhân viên và giá trị vốn hoá thị trường lên đến gần 2.500 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến nay, hầu như công ty đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trên 20% và lợi nhuận tăng trưởng trên 30% - mức tăng trưởng lớn nhất so với các doanh nghiệp dược trên sàn niêm yết.

Riêng năm 2014, kết quả kinh doanh bị sụt giảm khi doanh thu hợp nhất chỉ đạt 89% so với kế hoạch. Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm, công ty không tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Theo Traphaco, nguyên nhân chính là do công ty mới thay đổi chính sách bán hàng từ quý 1/2014 và chưa giải quyết hết lượng hàng tồn kho rất lớn từ chính sách cũ. Trong khi đó, các Thông tư, Nghị định mới quy định về đấu thầu thuốc vào bệnh viện chủ yếu tập trung tại thuốc giá rẻ khiến cho doanh thu từ ETC giảm 90 tỷ so với năm 2013.

Tuy nhiên, Traphaco đã lấy lại phong độ vào năm 2015. Doanh thu của công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng – tăng trưởng 20% so với năm trước. Riêng doanh thu OTC tăng 41% so với năm 2014. Hiện tại, TRA là doanh nghiệp dược niêm yết lớn thứ 2 về doanh thu, lợi nhuận.

Bên cạnh việc mở rộng hệ thống phân phối lên 20 chi nhánh, Traphaco đã thực hiện thành công 3 thương vụ M&A để trở thành cổ đông chiến lược và chi phối tại 3 doanh nghiệp dược khác.

Để thành công, không thể không thay đổi

Như đã nói, năm 2014, Traphaco đã chững lại sau nhiều năm tăng trưởng. Sự cạnh tranh gay gắt trong ngành Dược cùng với những quy định mới đã khiến cho chiến lược cũ của Doanh nghiệp không còn phù hợp.

Có thể nói, quyết định chuyển từ bán buôn sang bán lẻ là sự đột phá trong giai đoạn này. TRA tập trung vào vào thị trường OTC, trực tiếp chăm sóc khách hàng lẻ, thu tiền luôn và bán đồng giá tới người tiêu dùng. Bây giờ, 80% doanh thu của TRA đến từ kênh bán lẻ. Tính đến cuối năm 2015, tổng số đại lý của công ty trên toàn quốc tăng thêm 4.000 điểm so với năm 2014.

“Nếu như xây dựng chính sách bán hàng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo thì việc thực hiện chính sách bán hàng thành công thể hiện sự dũng cảm và kiên định của Ban điều hành cùng tập thể lao động” – Báo cáo HĐQT năm 2015 đúc kết lại thành công một cách tự hào.

Thay đổi và đã thành công, nhưng bà Vũ Thị Thuận nói, những thành công này mới chỉ là bắt đầu. Bà cho biết, mục tiêu của Traphaco là tiếp tục duy trì tốc độ phát triển doanh thu ở mức trên 10%/năm trong 5 năm tới. Vị nữ tướng này đang hướng tới việc xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ hơn và mục tiêu cao hơn: không chỉ thuộc top hàng đầu mà là dẫn đầu trong ngành Dược Việt Nam.

Theo đó, Traphaco đang tích cực đầu tư các nhà máy mới và lấn sân sang sản xuất tân dược với dự án Nhà máy dược Việt Nam dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2017.

Tạm biệt Mekong Capital, Traphaco sẽ ra sao?

Chia tay Traphaco, chưa tính cổ tức bằng tiền được chia trong gần 8 năm nắm giữ, với thị giá hiện nay là hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nếu thoái vốn lúc này, Mekong Capital sẽ thu về hơn 600 tỷ đồng. Tức đã gấp gần 3 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Còn về phía Traphaco, theo bà Thuận, việc Mekong Capital thoái vốn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của công ty, mà thậm chí sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khác bởi doanh nghiệp luôn kín room khối ngoại. Con đường của Traphaco đã được Ban lãnh đạo vạch ra, chính sách đã được thực hiện và hiệu quả đã thấy trước mắt, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đi lên.

Nhưng ngành dược trong tương lai đứng trước không ít thách thức. Khi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thời gian bảo hộ bản quyền thuốc gốc sẽ tăng lên gây khó khăn cho việc sản xuất thuốc đại trà (generic) mà các doanh nghiệp nội đang thực hiện.

Việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện cũng sẽ diễn ra công khai và không có sự phân biệt giữa các hãng dược nước ngoài với các hãng trong nước. Các doanh nghiệp dược có lợi thế giá rẻ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là đối thủ đáng gờm.

Dược là một ngành đặc thù chuyên môn cao, để một doanh nghiệp Dược nội địa như Traphaco giữ được phong độ và tiếp tục phát triển trước những thách thức sắp tới, bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự ổn định, thống nhất cao để phát huy được hết sức mạnh. Người lãnh đạo phải là những người thực sự kinh nghiệm, dày dặn chuyên môn và trên hết là tâm huyết gắn bó với công ty.

Theo Trí thức trẻ