FLC đi làm BT giao thông... |
Cụ thể ngày 17/01/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500 theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).
Quyết định nêu rõ nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Trao đổi với VietTimes khi ấy, ông Đặng Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông, đầu tư của FLC xác nhận việc tập đoàn này đã trúng dự án BT nêu trên.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, FLC vẫn chưa công bố hay truyền thông rộng rãi về dự án, bởi hợp đồng chính thức vẫn chưa được ký kết. Theo đó, FLC và Bình Định vẫn đang trong quá trình đàm phán, thương thảo để hoàn tất một số điều khoản cuối cùng, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Điều chỉnh hình thức đầu tư từ BT thành sử dụng vốn ngân sách
Đó là chi tiết đáng chú ý nhất trong Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500, vừa được ký ban hành.
Quyết định này sẽ điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 17/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500, theo hình thức BT.
Trích Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
|
Theo Quyết định số 2159 trước đây, hình thức đầu tư của dự án là: “Đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng: Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)”.
Còn giờ đây, theo Quyết định số 2078, hình thức đầu tư trên sẽ được điều chỉnh thành: “Theo Luật Đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”.
Điều khoản “Nguồn vốn đầu tư của dự án” được điều chỉnh thành “Cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”. Trong đó, nguồn vốn là tiền sử dụng đất, cho thuê đất các dự án Khu đô thị (nguồn thu quyền sử dụng đất các đơn vị ở thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội và các nguồn vốn hợp pháp khác); Việc giao chỉ tiêu kế hoạch vốn cho dự án được bố trí trong giai đoạn 2018 – 2022 (sử dụng từ nguồn vốn Tiền sử dụng đất, cho thuê đất các dự án Khu đô thị) khi cân đối được nguồn.
Trước đó, nguồn vốn đầu tư của dự án được chia làm 2 hạng mục: Đối với công các giải phóng mặt bằng và tái định cư là vốn ngân sách Nhà nước bố trí; Đối với giá trị còn lại của dự án sử dụng quỹ đất đối ứng khu Đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.
Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh thành từ năm 2018 – 2020 (trước đó là từ năm 2017 đến năm 2019).
Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định đang từ tư cách Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền “đổi vai” sang làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh Bình Định đang từ tư cách Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh thành cấp quyết định đầu tư.
Tên dự án, dĩ nhiên, phải bỏ đuôi “theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)”.
Tại sao phải điều chỉnh?
Như đã đề cập, trong trao đổi với VietTimes vào thượng tuần tháng 3/2018, Phó Tổng Giám đốc FLC Đặng Tất Thắng cho biết, tập đoàn này và Bình Định vẫn đang trong quá trình đàm phán, thương thảo để hoàn tất một số điều khoản cuối cùng, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Để phục vụ cho việc đàm phán này, trước đó, ngày 05/02/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-UBND, thành lập nhóm công tác liên ngành – do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thành Hải làm Trưởng nhóm – để tham gia đàm phán hợp đồng dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500, theo hình thức BT và hỗ trợ UBND tỉnh Bình ĐỊnh thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Một đoạn đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội. (Ảnh: Internet)
|
Vậy phải chăng việc đàm phán giữa FLC và Bình Định đã thất bại nên Bình Định mới quyết định điều chỉnh hình thức đầu tư dự án từ BT thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Trao đổi với VietTimes qua điện thoại tối 3/7, ông Đặng Tất Thắng xác nhận việc FLC sẽ không còn tham gia dự án BT Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500.
Tuy vậy, vị Phó Tổng Giám đốc FLC cho hay, nguyên nhân không phải xuất phát từ việc tập đoàn và Bình Định không tìm được tiếng nói chung trong đàm phán. Mà do “tỉnh thay đổi chủ trương đầu tư” – ông Thắng nói ngắn gọn.
Được biết, so với Quyết định phê duyệt báo cáo khả thi cách đây gần một năm, thì đến Quyết định điều chỉnh lần này, tổng vốn đầu tư của dự án vẫn được giữ nguyên là 1.055 tỷ đồng (làm tròn).
Và cơ cấu vẫn như cũ: Chi phí xây dựng 733 tỷ đồng; Chi phí đền bù GPMB 128 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án 11 tỷ đồng; Chi phí ĐTXD 24 tỷ đồng; Chi phí khác 45 tỷ đồng, Chi phí dự phòng 114 tỷ đồng./.