Theo Forbes, FBI đã sử dụng công cụ hack iPhone từ thị trường chợ đen để mở khóa chiếc iPhone 11 Pro Max bị nghi thuộc về Baris Ali Koch, em trai của Izmir Ali Koch.
Izmir đã bị kết án hồi tháng 7/2019 vì đánh một người đàn ông mà anh cho là người Do Thái bên ngoài một nhà hàng ở thị trấn Symmes.
Tòa án sau đó cho phép Izmir tự đầu hàng vào ngày 16/8/2019 nhưng người đàn ông 34 tuổi này đã không xuất hiện để bắt đầu thụ án 2 năm rưỡi.
Em trai của Izmir hiện bị buộc tội đã đưa hộ chiếu cá nhân và khai man với cơ quan điều tra để giúp người anh trai trốn khỏi đất nước. Baris đã đồng ý với một thỏa thuận bào chữa và đang chờ bị tòa tuyên án.
Luật sư của Koch, Ameer Mabjish cũng xác nhận với Forbes thiết bị trước đó đã được cài đặt mật khẩu đầy đủ và không biết làm thế nào mà các nhà điều tra có thể phá được mật mã.
Theo một số tài liệu từ nguồn tin của Forbes có được, hiện nay chiếc điện thoại trên giấy tờ vẫn đang ở trạng thái bị khóa. Điều này đã làm dấy lên nghi vấn FBI có lẽ đã sử dụng một thiết bị nào đó không minh bạch để lấy quyền truy cập dữ liệu từ chiếc iPhone thế hệ mới nhất.
GrayKey là sản phẩm của Grayshift, một công ty khởi nghiệp ít người biết đến tại Mỹ. Do tính chất nhạy cảm, thiết bị này chỉ được bán cho cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ.
GrayKey thường mất khoảng hai tiếng tới hơn ba ngày để phá passcode iPhone. Tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc độ dài mật khẩu. Khi giải mã xong, passcode sẽ hiển thị ngay trên màn hình, đồng thời dữ liệu iPhone sẽ được tải về máy chủ GrayKey khi máy mở khóa.
Với việc đã mở khóa được chiếc iPhone 11 Pro Max, động cơ thật sự của FBI khi yêu cầu Apple giúp họ mở khóa 2 chiếc iPhone của nghi phạm trong vụ xả súng tại căn cứ của Hải quân Florida đang bị đặt dấu hỏi khá lớn.
Forbes cũng tiết lộ thêm, 2 chiếc iPhone được sử dụng bởi nghi phạm trong vụ xả súng tại căn cứ của Hải quân Florida là iPhone 5 và iPhone 7. Như đã đề cập, FBI hoàn toàn có thể dễ dàng mở khóa các thiết bị này bằng giải pháp của bên thứ 3.
Trên thực tế, FBI hoàn toàn có thể có thể sử dụng giải pháp mà cơ quan này từng sử dụng để mở khóa chiếc iPhone 5C của thủ phạm trong vụ xả súng ở San Bernardino vào năm 2015.
9to5Mac đưa ra nhận định, rất có thể việc gần đây FBI, Tổng thống Trump cùng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr kêu gọi Apple mở khóa những chiếc iPhone chỉ nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.
Ngoài ra, chi phí cũng là một vấn đề đáng để lưu ý. Nếu Apple chấp thuận yêu cầu xây dựng các “cửa sau” vào sản phẩm của hãng, FBI sẽ không còn phải trả tiền cho các công ty mở khóa bên thứ 3 như Grayshift và Cellebrite.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu