Phòng thí nghiệm CTRL. Ảnh: CNBC |
Thương vụ mua bán này có giá trị từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Phát ngôn viên của Facebook chỉ “gợi ý” con số này thấp hơn 1 tỷ USD. Thương vụ này cũng là một phần trong nỗ lực phát triển các thiết bị kết nối (như thiết bị đeo tay) giúp con người có thể điều khiển các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… mà không cần phải chạm vào màn hình hay bàn phím.
Sau khi sáp nhập, các phòng thí nghiệm của CTRL sẽ là một phần của Facebook Reality Labs, một bộ phận chuyên nghiên cứu mảng thực tế ảo và thực tế tăng cường (AV và AR) của Facebook.
Phòng thí nghiệm CTRL được thành lập vào năm 2015 bởi Thomas Reardon và Patrick Kaifosh. Cả hai đều nhận bằng bằng tiến sĩ chuyên ngành khoa học thần kinh từ Đại học Columbia. Tiến sĩ Reardon đã từng làm việc tại Microsoft 9 năm và sau đó là CEO tại công ty công nghệ Openwave Systems. Các phòng thí nghiệm của CTRL đã huy động được 28 triệu USD trong tháng 2 từ quỹ QV (trước đây là Google Ventures) của Alphabet và 67 triệu đô la từ các nhà đầu tư khác như Quỹ Amazon Alexa, Spark Capital, Matrix Partners và Lux Capital, theo báo cáo của Pitchbook.
Ảnh: CNET
|
Mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới tham vọng làm nên một cuộc cách mạng về phương thức giao tiếp của con người với nhau. Facebook đã bắt đầu nghiên cứu các giao diện máy não kể từ năm 2017 cho phép con người có thể nhập văn bản và gửi chúng chỉ bằng suy nghĩ. Gã khổng lồ công nghệ còn hình dung ra việc sẽ chế tạo ra một thiết bị đeo tay thay vì phải phẫu thuật để cấy hệ thống vào bên trong cơ thể con người.
“Chúng tôi muốn dành nhiều thời gian để công nghệ mà chúng tôi phát triển có thể thay đổi cuộc sống của mọi người theo hướng tốt đẹp hơn”, ông Andrew Bosworth, Phó Chủ tịch mảng Thực tế ảo và thực tế tăng cường cho biết trong một bài đăng trên Facebook. “Có nhiều cách dễ dàng hơn để tương tác với các thiết bị và công nghệ”, ông Bosworth nói thêm.
Trong tương lai, con người có thể điều khiến các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, TV một cách dễ dàng hơn mà không cần phải chạm vào màn hình hay bàn phím. Ảnh: Forbes
|
Các phòng thí nghiệm CTRL có trụ sở tại New York có thể giúp Facebook biến điều đó thành hiện thực. CTRL đã nghiên cứu để tạo ra thiết bị đeo có thể giải mã các tín hiệu mà các tế bào thần kinh của não bộ gửi đến thiết bị đeo tay của con người.
Nếu kế hoạch của Facebook thành công, công nghệ điện toán não máy này có thể giúp chúng ta đăng ảnh hay bài viết lên mạng xã hội mà không cần phải chạm tay vào màn hình hay bàn phím.
Hiện chúng ta vẫn chưa rõ các phòng thí nghiệm CTRL sẽ được tích hợp vào các sản phẩm VR và AR của Facebook trong tương lai như thế nào nhưng các nhân viên đang làm việc tại công ty khởi nghiệp này sẽ vẫn tiếp tục ở lại làm việc dù công ty đổi chủ.
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Facebook phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền của Ủy ban thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), xem xét việc “người khổng lồ” công nghệ mua lại các công ty khác có ngăn chặn sự cạnh tranh hay không.
Theo CNET, Forbes