EU vẫn đang do dự trong cách ứng xử với Trung Quốc, và chưa có sự đồng thuận trong vấn đề này (Ảnh: AsiaTimes) |
Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bùng phát. Thay vì trải thảm đỏ mời Trung Quốc tới Đức để nhóm họp cùng 26 nước thành viên EU và giới chức chóp bu của Brussels, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải tham dự một cuộc hội thảo bằng hình thức trực tuyến với Thủ tướng Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
“Rõ ràng việc tổ chức cuộc họp trực tuyến chỉ với 3 nhà lãnh đạo là một sự an ủi với Trung Quốc. Chúng ta thậm chí còn không biết có một tuyên bố cuối cùng hay không” – Steven Blockmans, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, nhận định.
Hầu hết các nhà quan sát quan hệ EU – Trung Quốc đều nhất trí với luận điểm rằng, 2020 là một năm thảm họa trong quan hệ hai phía. Lý do không chỉ bởi cách ứng phó ban đầu với đại dịch COVID-19 của Trung Quốc, mà do các chính trị gia kỳ cựu nhất của châu Âu buộc phải “suy nghĩ thận trọng về kiểu nhân tố địa-chính trị mà Trung Quốc sắp trở thành”; CNN dẫn một nguồn tin EU cho hay.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc đã lợi dụng thực tế rằng nhiều khu vực trên thế giới đang bận đối phó với đại dịch để thúc đẩy một số mục tiêu của họ ở nhiều nơi, như ở Hong Kong với luật an ninh quốc gia mới, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và hành động khiêu khích quốc tế” – CNN dẫn nguồn tin EU cho hay.
Chính quyền Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã làm dấy lên sự phẫn nộ ở nhiều nước khi áp dụng luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong trong đó cấm ly khai, phá hoại, khủng bố và câu kết với các thế lực nước ngoài. Họ cũng chịu chỉ trích vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, vấn đề Tân Cương.
Giới chức Trung Quốc từ lâu vẫn bảo vệ hành động của mình ở Tân Cương, cho rằng điều đó là cần thiết để dập tắt chủ nghĩa cực đoan, phù hợp với luật pháp Trung Quốc và quốc tế.
Quan ngại về Trung Quốc lớn dần
Luật an ninh mới mà Trung Quốc áp dụng ở Hong Kong là một trong những vấn đề mà EU quan ngại (Ảnh: CNN)
|
Tuy nhiên, sự quan ngại về hành vi của Trung Quốc, việc nước này có thể trở thành đối tác mà EU tin cậy được hay không ngày càng lớn dần trong giới chức ở Brussels.
“2020 là năm đã khiến các nước thành viên (EU) nhìn nhận ra rằng Trung Quốc ngày càng khó chịu” – CNN dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu làm việc trong lĩnh vực quan hệ với Trung Quốc, nói – “Quan điểm của chúng tôi là, Trung Quốc đang bớt hứng thú trong việc phát triển một mối quan hệ đối tác thực sự bình đẳng với châu Âu, trong khi lại cố gắng thay thế nền dân chủ của phương Tây bằng hệ thống chính trị của họ, gặm nhấm nền kinh tế của chúng tôi từ bên trong”.
Quan hệ Trung Quốc – EU đã xuống điểm thấp nhất trong tháng trước, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện chuyến công du châu Âu để gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao. Nhưng thay vì được đón tiếp bằng sự nồng hậu, phái đoàn Trung Quốc lại hứng chỉ trích.
“Đối với tôi thì đó là một thảm họa ngoại giao. Đáng chú ý nhất là tại Đức, nơi mà ông ấy bị chỉ trích vì đe dọa một chính trị gia CH Séc không được đến thăm Đài Loan, và thậm chí không gặp được bà Merkel” – ông Blockmans cho hay – “Trong suốt chuyến công du, các vấn đề như Hong Kong, người Duy Ngô Nhĩ, cách ứng phó dịch COVID-19 của Trung Quốc liên tục xuất hiện. Đó là điều mà không ai muốn xảy ra trong một chuyến công du”.
Sự thất vọng vê chuyến công du đó cũng được cảm nhận rõ ràng tại Bắc Kinh. Vào thời điểm ông Vương Nghị đang công du, tờ báo nhà nước China Daily tranh luận rằng Trung Quốc và EU “cần phải cùng nhau ngăn chặn (Mike) Pompeo gây tổn hại sự ổn định toàn cầu”, nhắc tới Ngoại trưởng Mỹ, một trong những người có tư tưởng diều hâu với Trung Quốc nhất trong chính quyền Washington.
Trung Quốc và châu Âu “cần nhau”?
Do đại dịch COVID-19, EU và Trung Quốc đã bỏ lỡ mất một sự kiện quan trọng hồi đầu năm nay (Ảnh: CNN)
|
Bắc Kinh xem EU như một đối trọng mà họ cần trong bối cảnh Mỹ ngày càng quyết liệt. Đây cũng là quan điểm được chia sẻ bởi một số chuyên gia châu Âu, và họ lo rằng EU có thể xích lại Trung Quốc quá gần. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Global Times tuần này, nhà phân tích Xin Hua cho rằng “Trung Quốc và châu Âu cần nhau”.
“Cả Trung Quốc và châu Âu đều cần sự hỗ trợ qua lại để giữ vững tiến trình quản lý toàn cầu và hội nhập khu vực” – Xin Hua viết – “Cộng đồng quốc tế đã bị sốc liên tục khi chứng kiến sự quản lý toàn cầu và hội nhập khu vực bị xé nát từng chút một. Điều này là do các thế lực hủy hoại chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy cực đoan ở phương Tây”.
Đương nhiên, EU đã nhận ra những điểm không tốt của Trung Quốc. Năm 2019, Brussels đưa ra một tài liệu về chiến lược của Trung Quốc, trong đó mô tả nước này vừa là một “đối tác chiến lược” vừa là một “đối thủ hệ thống”. Điều này là một sự thú nhận rằng, nếu EU muốn có một mối quan hệ sâu với Trung Quốc, họ sẽ phải đi trên dây do những thực tế đầy mâu thuẫn.
Điều khiến cho 2020 trở thành một năm đầy thách thức trong quan hệ Trung Quốc – EU chính là, hành vi của Trung Quốc ngày càng thể hiện họ là một “đối thủ hệ thống”, cùng lúc làm tăng niềm tin của EU rằng một đối tác chiến lược với Bắc Kinh là điều hết sức cần thiết.
Cân bằng giữa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Chính quyền Trump ngày càng tỏ rõ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Washington Post)
|
Lợi ích của Brussels ở Trung Quốc không đơn thuần là kinh tế. Rõ ràng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quyền tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc là điều rất lôi cuốn đối với rất nhiều nền kinh tế đang suy giảm ở châu Âu. Nhưng quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cũng giúp tăng cường động lực của châu Âu để trở thành một nhân tố địa-chính trị trong ngoại giao và vấn đề biến đổi khí hậu.
Giới chức EU có lý khi chỉ ra rằng họ khó có thể hợp tác chặt với Trung Quốc nếu như không có đủ lợi ích. Nhưng tách rời lẫn nhau cũng không phải cách, bởi điều đó sẽ không đem lại bất cứ sự thay đổi nào trên toàn cầu.
Tuy nhiên các nhà phê bình lo ngại rằng sự chia rẽ về chính trị, tham vọng địa-chính trị và sự dễ đổ vỡ của nền kinh tế ở EU sẽ khiến giới chức khối này do dự khi đưa ra quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
“Ủy ban châu Âu thực sự muốn tham gia giải quyết các vấn đề và đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, như họ đã làm với Hong Kong mới đây. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, họ hiếm khi đưa ra hành động kiên quyết” – Benedict Rogers, Chủ tịch Hong Kong Watch, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London, Anh, nói.
Ong Rogers tin rằng “sự do dự của EU là do một số quốc gia thành viên không nhất trí được về cách ứng xử với Trung Quốc và phần vì sức mạnh kinh tế to lớn của nước này” – ngoài ra là bản chất của EU vốn không muốn tạo them địch thủ.
Nhà ngoại giao EU cũng thêm rằng: “Ở thời điểm hiện tại, có rất ít sự động thuận về kiểu quan hệ mà chúng tôi muốn với Trung Quốc, bởi vậy ưu tiên của chúng tôi là cần phải xây dựng cầu nối giữa các nước thành viên để có thể chung tay hành động”.
Mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua vốn đã phức tạp. EU nhận ra rằng trong bối cảnh Mỹ ngày càng thù địch hơn với Bắc Kinh, có một khoảng trống để một siêu cường có thể phát triển chiến lược tăng tầm ảnh hưởng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến nay chiến lược đó vẫn chưa rõ ràng. Nếu EU không thể tìm được một cách cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, họ sẽ sớm rơi vào vị trí khó khăn khi nhận được lời kêu gọi sát cánh cùng đồng minh lâu năm là Mỹ trong các vấn đề toàn cầu; và chịu rủi ro bị chèn ép giữa hai siêu cường.