EU có nguy cơ “vỡ trận” vì COVID-19, đà phục hồi giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trong lúc lệnh hạn chế được áp dụng trở lại, các nước trong khối EU đổ lỗi lẫn nhau về phân phối vaccine COVID-19, nhiều người lo ngại châu Âu sẽ “vỡ trận” trước đại dịch.
Nhiều cửa hàng ở Paris, Pháp ngừng hoạt động do làn sóng dịch COVID-19 mới (Ảnh: AP)
Nhiều cửa hàng ở Paris, Pháp ngừng hoạt động do làn sóng dịch COVID-19 mới (Ảnh: AP)

Số ca nhiễm tăng đột biến

Đà tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong thời gian gần đây đã buộc chính phủ các nước ở châu Âu phải áp dụng trở lại lệnh phong tỏa, biện pháp hạn chế…có khả năng lớn sẽ làm trì hoãn quá trình phục hồi kinh tế ở khu vực này; theo các chuyên gia kinh tế.

Theo như kế hoạch ban đầu của EU, các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 quy mô lớn sẽ giúp ngăn chặn đại dịch, cho phép người tiêu dùng vốn bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa trước kia chi tiêu mạnh tay hơn.

Tuy nhiên, điều mà các nhà lãnh đạo không ngờ tới là virus corona chủng mới đang hình thành một làn sóng dịch thứ ba, và có dấu hiệu sẽ khó kiểm soát hơn nhiều so với các làn sóng dịch trước đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối tuần trước cảnh báo rằng EU sẽ phải hành động nhiều hơn và tăng thêm khoản tiền 750 tỉ euro (885 tỉ USD) cho quá trình phục hồi, do làn sóng dịch mới.

EU đã có nỗ lực rất đáng kể để phục hồi sau làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên trong năm ngoái, nhưng ông Macron cho rằng “tiếp sau làn sóng dịch thứ hai và thứ ba…chúng ta rõ ràng cần phải thêm cách thức phản ứng”.

Tháng 9 năm ngoái, trong lúc nền kinh tế châu Âu bắt nhịp trở lại sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên, kỳ vọng phục hồi đã ở mức độ cao khi các chuyên gia kinh tế dự báo rằng giữa năm 2021 sẽ là thời điểm nền kinh tế trở lại nhịp độ bình thường nhờ vào phân phối vaccine.

Chính quyền nhiều nước thành viên EU trong những ngày gần đây cũng liên tục đưa ra cảnh báo về làn sóng dịch mới, có thể khiến cho hệ thống bệnh viện của họ bị quá tải. Đợt bùng phát mới chủ yếu do chủng biến thể B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên ở Anh, gây nên và khiến số ca nhiễm tăng đột biến.

Theo số liệu công bố ngày 28/3, Đức có thêm 90 ca tử vong và 17.176 ca nhiễm mới do biến thể mới virus gây ra. Tại Pháp, các phòng chăm sóc tích cực (ICU) hiện đang điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân COVID-19. Đây là số ca nhập viện cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay. Theo giới chức y tế Pháp, trong hai ngày 26 và 27-3, mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 42.000 ca mắc COVID-19.

Đà phục hồi kinh tế chịu ảnh hưởng

Những diễn biến đáng báo động này gây tác động nhanh chóng tới nền kinh tế của EU, khiến cho triển vọng phục hồi các hoạt động kinh tế bị hạ thấp.

Chỉ cách đây vài tuần, bà Christine Lagarde, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thậm chí còn nói về viễn cảnh “phục hồi các hoạt động trong nửa đầu năm nay”.

Thế nhưng hiện tại, những nền kinh tế đầu tàu của EU – Đức, Pháp và Italy – đã phải áp dụng trở lại những biện pháp hạn chế đi lại, trong khi chương trình vaccine của châu Âu giờ bị biến thành trò chơi đổ lỗi liên quan tới vấn đề nguồn cung ứng.

Hãng ING giờ dự báo đà tăng trưởng của khu vực Eurozone vào khoảng 3,0% trong năm nay, hạ khoảng nửa điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Phần lớn mức tăng trưởng này sẽ xuất hiện trong quý 3 năm nay, tức trễ hơn, theo ING.

Andrew Kenningham, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Âu thuộc Capital Economics, cho hay ông không kỳ vọng EU sẽ phục hồi mức độ hoạt động như giai đoạn tiền đại dịch trước giữa năm 2022.

“Chúng tôi đang phải hạ thấp mức dự báo đà tăng trưởng GDP của EU do sự trỗi dậy của COVID-19, tiến độ tiêm vaccine chậm và sự kéo dài của các lệnh phong tỏa” – ông Kenningham nói – “Viễn cảnh đang trở nên tồi tệ hơn”.