Hôm 11/6, bộ phận di động của DxOMark đã vén màn bí mật về công đoạn thử nghiệm máy ảnh trước trên smartphone. Video đăng tải lên YouTube giới thiệu về “cô người mẫu” mang tên Sienna đã đóng góp tích cực vào thành công của nhóm. Đó là bức tượng bán thân 3D mô phỏng hình dạng của một cô gái.
DxOMark là chuyên trang xếp hạng chất lượng máy ảnh và camera thiết bị di động thuộc sở hữu của DxOMark Image Labs, có trụ sở tại Boulogne-Billancourt, Pháp. Từ lâu, điểm DxOMark được đông đảo tín đồ công nghệ tin tưởng. Dù hoạt động từ 2008, nhưng chỉ năm nay trang mới bắt đầu đánh giá camera selfie.
Theo nghiên cứu của Google, thế giới có 93 triệu bức ảnh selfie chụp bằng smartphone mỗi ngày. Điều này khiến các ông lớn như Apple, Samsung tập trung cải thiện máy ảnh trước. Cũng vì thế, DxOMark đã sử dụng người nộm Sienna trong các bài đánh giá.
Bài kiểm tra nghiêm ngặt
Tại sao không thử nghiệm với khuôn mặt thật? Tất nhiên là có, DxOMark sử dụng người thật trong nhiều bài kiểm tra của mình. Công ty chụp hơn 1.500 bức ảnh và hai giờ quay video trong nhà, ngoài trời và trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Sienna có thể được sử dụng trong môi trường được kiểm soát để tạo tính ổn định, từ đó công bằng trong cách đánh giá từng camera. Lúc này, các chỉ số như màu sắc, kết cấu da, mức độ nhiễu trong điều kiện ánh sáng yếu cần được đối chiếu dựa trên điều kiện như nhau giữa các thiết bị. Tuy nhiên, nếu dùng người thật thì không thể được.
Một trong những ưu điểm của Sienna là “cô nàng” không bao giờ chớp mắt, cũng chẳng động đậy. Khuôn mặt, màu da đều giống nhau trong bất kỳ thời điểm nào, đồng thời có thể “ngồi yên” hàng giờ đồng hồ.
Để tạo ra Sienna, DxOMark sử dụng máy quét 3D để quét khuôn mặt của một thành viên trong nhóm, sau đó tạo tượng bán thân với các đường nét y như thật.
Sienna sẽ được trang điểm và thực hiện các bài kiểm tra chụp selfie để đánh giá kết cấu và độ nhiễu, bổ sung thêm cho các thử nghiệm thực tế của DxOMark.
Theo Zing
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu