Ngày 31/8, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có lệnh bắt, khám xét với ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Ông Quỳnh được cho là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc PetroVietnam mất 800 tỷ đồng đầu tư vào OceanBank.
Trước khi bị bắt, ông Quỳnh có gần 30 năm làm trong ngành dầu khí và đã trải qua nhiều vị trí, chức vụ quan trọng. Từ một nhân viên kế toán bình thường, ông Quỳnh nhanh chóng giữ chức kế toán trưởng tại một số đơn vị thành viên của PetroVietnam trước khi nắm trọng trách này tại tập đoàn.
Sinh năm 1958 tại Nam Định, ông Quỳnh tốt nghiệp chuyên ngành kế toán công nghiệp (Đại học Tài chính kế toán Hà Nội). Vị trí đầu tiên sau khi ra trường, nguyên Kế toán trưởng PetroVietnam về đầu quân cho Đoàn dầu khí Cửu Long. Làm việc ở đây 2 năm, ông Quỳnh chuyển sang làm cán bộ phòng kế toán Công ty Địa vật lý. Năm 1989, ông Quỳnh giữ chức kế toán trưởng Công ty PetroVietnam I và sau đó là Công ty giám sát và phân chia sản phẩm dầu khí (PVSC) 3 năm sau đó.
Không dừng chân tại PVSC, năm 2000 nguyên kế toán trưởng PetroVietnam chuyển sang Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PV Oil) trong vai trò Phó trưởng ban kiểm toán nội bộ, sau đó là trưởng ban tài chính kiểm toán. Trụ tại PV Oil 8 năm, năm 2008 ông Quỳnh về Tập đoàn dầu khí và giữ chức vụ kế toán trưởng. Đây cũng là thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện phần vốn góp của PetroVietnam tại OceanBank và giữ chức Tổng giám đốc OceanBank (2010 - 2011).
Trong bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra hồi cuối năm 2016, ông Ninh Văn Quỳnh một mực phủ nhận đã nhận khoản tiền "hoa hồng" chi ngoài lãi suất từ Nguyễn Xuân Sơn và OceanBank, dù có thời điểm số tiền PetroVietnam gửi tại nhà băng này lên tới 11.000 tỷ đồng.
Khai tại phiên toà xét xử đại án kinh tế ở OceanBank đầu tháng 3/2017, ông Quỳnh cho hay, việc góp 800 tỷ đồng của PetroVietnam vào OceanBank bắt đầu từ năm 2011, được tiến hành theo 3 đợt và luôn trong "room" 20%. Việc sử dụng vốn của tập đoàn này nhận được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và PetroVietnam cũng ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị liên quan tới việc góp vốn này. Đến năm 2013, PetroVietnam vẫn ghi nhận khoản lãi từ góp vốn vào OceanBank và được chia cổ tức từ ngân hàng.
Ngoài góp vốn, PetroVietnam cũng thường xuyên duy trì khoản gửi tại nhà băng này, có thời điểm cao nhất lên tới 11.000 tỷ đồng, thời hạn gửi cao nhất là 6 tháng, thấp nhất một tháng.
"Khi gửi tiền vào OceanBank phía tập đoàn không chịu bất kỳ áp lực nào và cũng chưa bao giờ nhận tiền chăm sóc khách hàng từ ngân hàng", ông Quỳnh khai.
Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm ngày 31/8, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch PetroVietnam, Tổng giám đốc OceanBank lại bất ngờ khai đã nhiều lần chi cho ông Ninh Văn Quỳnh, tổng cộng 30-40 tỷ đồng. Việc đưa tiền không theo quy luật nào và cứ 2 - 3 tháng một lần. Các khoản tiền chi khác cho lãnh đạo tập đoàn đều chi qua đầu mối là ông Ninh Văn Quỳnh.
"Trước đó bị cáo chi qua anh Quỳnh, sau này cũng vậy. Chi trực tiếp chỉ ngày lễ tết. Tặng quà nhau là thông lệ thôi. Giai đoạn sau thì đưa cho anh Quỳnh, khi lãnh đạo tập đoàn có nhu cầu chi tiêu thì gặp anh Quỳnh. Mỗi năm bị cáo chi 10 tỷ đồng, 5 năm hết chừng 50 tỷ. Bị cáo đều đưa hết cho anh Quỳnh, khi nào cần chi thì lại lấy", Nguyễn Xuân Sơn khai tại tòa. Tuy nhiên, những lời khai của bị cáo Sơn đều bị ông Quỳnh phủ nhận như tại phiên toà diễn ra cách đây 6 tháng.
“Là lãnh đạo PetroVietnam, chúng tôi nhận thức được là không được nhận lãi suất ngoài huy động. Đó là hành vi sai, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, sau vụ án Huyền Như, PetroVietnam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên không được nhận lãi suất ngoài”, ông Quỳnh khẳng định tại toà ngày 31/8.
Trong phiên ngày 1/9, ông Sơn tiếp tục khẳng định đã nhận tiền của Hà Văn Thắm để "chăm sóc khách hàng PetroVietnam". Khoản tiền này đều được chuyển thông qua ông Ninh Văn Quỳnh. Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank là người trực tiếp nhận tiền từ ông Sơn và trao cho ông Quỳnh, tổng cộng khoảng 183 tỷ đồng.
Việc Phó tổng giám đốc PetroVietnam - ông Ninh Văn Quỳnh bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giamvề tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được lãnh đạo tập đoàn này nhìn nhận đã tác động không nhỏ tới cán bộ, người lao động ngành dầu khí.
Trong tâm thư gửi tới người lao động, quyền Chủ tịch PetroVietnam - Nguyễn Trường Sơn thừa nhận, lãnh đạo PetroVietnam cũng mong muốn nhận được "sự cảm thông" từ dư luận trước những khó khăn khách quan, chủ quan mà tập đoàn này đang gặp phải thời gian qua. Ông Sơn cũng kêu gọi toàn thể cán bộ ngành dầu khí "vững vàng ý chí, nêu cao tinh thần trách nhiệm".
“Trước nay, chúng ta đã đoàn kết thì nay càng phải đoàn kết hơn nữa. Chúng ta đã cố gắng thì nay càng cần cố gắng thêm nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới đứng vững và phát triển”, bức thư gửi người lao động của lãnh đạo PetroVietnam viết.