Dung lượng bộ nhớ giúp Apple moi tiền người dùng như thế nào?

Với iPad Pro, MacBook Air mới, người dùng đều phải trả gấp đôi giá của phiên bản tiêu chuẩn để sở hữu bản dung lượng cao nhất.

Apple luôn nổi tiếng với các sản phẩm đắt tiền như iPhone, iPad. Với các tùy chọn cơ bản, những thiết bị này chưa đến mức quá đắt để mua. Thực tế, Apple thường "móc túi" người dùng bằng các phiên bản dung lượng cao hơn.

Ví dụ như chiếc iPad Pro mới ra gần đây. Phiên bản 11 inch với dung lượng 64 GB giá từ 799 USD, nhưng nếu muốn mở rộng bộ nhớ lên 1 terabyte (1.024 GB), người dùng phải chi thêm 750 USD nữa. Lúc này giá đã gần bằng 2 chiếc iPad Pro bản tiêu chuẩn.

Phiên bản cao cấp nhất 64 GB trên chiếc iPad đầu tiên chỉ là dung lượng tối thiểu trên iPad 2018. Ảnh: Appleinsider.

"Chiến thuật” này của Apple không chỉ áp dụng với mỗi iPad. Lấy ví dụ iPhone XS, người dùng phải trả thêm 350 USD nữa, bằng 1/3 giá máy ban đầu để nâng cấp lên bộ nhớ từ 64 lên 512 GB.

Với MacBook Air 2018, phiên bản cao cấp nhất đắt gấp đôi bản thường 1.200 USD. Còn với Mac Mini, người dùng cũng phải trả thêm 1.600 USD, gấp đôi giá ban đầu 800 USD cho bản dung lượng cao nhất.

Trong những năm qua, dung lượng bộ nhớ trên các sản phẩm Apple ngày càng tăng. Dung lượng tối đa của iPad đầu tiên chỉ là 64 GB. Với iPad Pro 2018, 64 GB lại chỉ là phiên bản tối thiểu. Cũng phải nhìn nhận, vào năm 2010, 200 USD chỉ đủ mua thêm 48 GB, còn hiện chỉ cần 150 USD người dùng đã có 192 GB dung lượng.

Phiên bản Macbook Air cao cấp nhất đắt gấp đôi bản thường. Ảnh: BI.

Tuy nhiên, Apple tính phí đắt hơn rất nhiều lần so với các thiết bị lưu trữ bên ngoài. Trong khi Táo khuyết lấy của người dùng 750 USD cho 1.000 GB dữ liệu trên chiếc iPad Pro, ở các trang như Amazon hay Best Buy có đủ các loại ổ cứng dung lượng 2.000 GB giá thấp nhất chỉ từ 80 USD.

Đương nhiên công nghệ lưu trữ của Apple có nhiều điểm vượt trội hơn so với bộ nhớ ổ cứng như tốc độ xử lý nhanh, an toàn, hoặc ổ cứng cũng dễ bị mất dữ liệu, hư hỏng do kết nối không đúng cách.

Có không ít người dùng chấp nhận rủi ro và bất tiện để tiết kiệm vài trăm USD cho cùng một mức dung lượng bộ nhớ. Chỉ cần bạn cẩn thận và kiên nhẫn lưu dữ liệu ở nơi khác, phương án này có thể tiết kiệm cho người dùng một khoản tiền rất lớn.

Nếu không muốn mất quá nhiều tiền để mua các phiên bản cao cấp, bạn có thể sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoài như ổ cứng, flash drive nối qua cổng USB. Trên các kênh bán hàng như Amazon có thể tìm thấy rất nhiều thiết bị như vậy do Seagate, Toshiba hay Sandisk cung cấp.

Tuy nhiên cách làm này chỉ áp dụng cho máy tính Mac. Các thiết bị chạy iOS như iPhone hay iPad phụ thuộc nhiều hơn vào bộ nhớ trong. Ngay cả máy tính bảng iPad Pro mới cũng không kết nối được với ổ cứng bên ngoài, dù đã thay thế cổng sạc Lightning bằng cổng USB.

Nếu muốn dùng bộ nhớ ngoài cho cả máy tính Mac và thiết bị chạy iOS, cách tốt nhất là sử dụng bộ nhớ iCloud với mức giá khá phải chăng. iCloud của Apple và các dịch vụ như Box, Dropbox hay Google Drive đều có giá thành khá rẻ, thậm chí miễn phí, phục vụ cho cả nhu cầu sử dụng lớn. iCloud được tích hợp với iOS nên khá dễ để đồng bộ hóa, cộng thêm ưu điểm giá thành rẻ: 50 GB với 0,99 USD/tháng.

Nên biết được nhu cầu sử dụng để mua phiên bản thiết bị phù hợp. Ảnh: BI.

Nhìn chung, cách tốt nhất là ước lượng bộ nhớ cần dùng trước khi mua sản phẩm. Để xem dung lượng đang dùng, bạn có thể kiểm tra tại mục “System Preferences” trên iOS hoặc “About this Mac” trên MacBook.

Ngoài ra, bạn có thể mua thêm một ổ cứng với bộ nhớ thật lớn để phòng trong các trường hợp cần dùng. Cũng nên thử phương án sử dụng bộ nhớ iCloud vì chi phí rẻ và dễ dàng truy cập với nhiều thiết bị khác nhau kể cả các thiết bị không thuộc Apple.

Theo Zing

http://news.zing.vn/dung-luong-bo-nho-giup-apple-moi-tien-nguoi-dung-nhu-the-nao-post893799.html