Dự án khởi nghiệp cộng đồng qua Facebook đầu tiên ở Việt Nam

Mới sau một ngày kêu gọi trên Facebook, dự án khởi nghiệp cộng đồng nhằm giúp hơn 10.000 người chạy xe ôm trên địa bàn TPHCM đã quyên đủ vốn ban đầu.
Công việc của những người lớn tuổi từ trước đến nay vốn coi nghề xe ôm là sinh kế chính đang bị đe dọa bởi công nghệ. Ảnh: Chính Phong.
Công việc của những người lớn tuổi từ trước đến nay vốn coi nghề xe ôm là sinh kế chính đang bị đe dọa bởi công nghệ. Ảnh: Chính Phong.

 Khởi nghiệp cộng đồng (crowd startup) là một dạng lai giữa Khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội, hoạt động với mục đích phi lợi nhuận nhằm giải quyết một vấn đề xã hội nào đó.

Vấn đề xã hội mà dự án này giải quyết là bảo đảm thu nhập cho các bác xe ôm cùng gia đình khi cơn bão công nghệ đang ập đến. “Rõ ràng từ trước đến nay, họ là những người yếu thế trong xã hội, phải dùng phương tiện đi lại để làm công cụ kiếm sống, nay họ còn yếu thế hơn với sự ra đời của Uber Bike hay Grab Bike”, chuyên gia khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh, người khởi xướng dự án cho biết.

Uber và Grab ra dịch vụ xe ôm qua ứng dụng di động đã tạo điều kiện cho những thanh niên thất nghiệp, sinh viên hay người lao động theo ca kiếm thêm thu nhập nhưng nó cũng lấy mất một phần công việc của những người từ trước đến nay vốn coi nghề xe ôm là sinh kế chính.

Trợ giúp người yếu thế

“Tôi không nói Uber Bike hay Grab Bike là xấu. Họ cũng tạo thêm công việc cho xã hội, nhưng họ cũng có mặt hay và mặt chưa hay. Trước sau gì thì họ cũng là những công ty kinh doanh coi mục tiêu lợi nhuận làm đầu. Theo tôi, dịch vụ của họ phần nào làm tổn thương những người vốn dễ tổn thương trong xã hội”, ông Vũ Tuấn Anh nói và đặt câu hỏi: "Tại sao những người làm công nghệ ở Việt Nam không thể tạo ra một nền tảng tương tự, với mục đích giúp những người lái xe ôm là chính?”.

Dự án khởi nghiệp cộng đồng giúp người lái xe ôm (còn chưa được đặt tên) này có mô hình không khác Uber Bike hay Grab Bike là mấy. Nhưng thay vì chia sẻ theo tỷ lệ số tiền thu được trên mỗi chuyến chở khách, những người thực hiện dự án dự tính lấy phí của mỗi người lái xe ôm đăng ký tham gia khoảng 30.000-60.000 đồng mỗi tháng, nhằm duy trì hạ tầng và trang trải kinh phí hoạt động của mô hình.

Ngoài chở khách từ điểm A đến điểm B như Uber và Grab, dự án còn nhắm tới hai phân khúc khác là chuyên chở hàng hóa và đưa đón học sinh. Chở hàng thì đã có rất nhiều công ty trên thị trường, nhưng chủ yếu họ ký hợp đồng dịch vụ gói lớn với các trang thương mại điện tử và các công ty thường có lượng đơn hàng cần vận chuyển lớn. Những doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh cá thể chưa tiếp cận được dịch vụ trên, thì tới đây họ sẽ được phục vụ khi dự án này ra đời.

Với dịch vụ đưa đón học sinh, không bậc phụ huynh nào giao con cái cho người lạ, chỉ thuê những người lái xe ôm quen biết gần nhà. Nhu cầu này đang nhiều lên, dự án sẽ đáp ứng được nhu cầu đó. “Chúng tôi sẽ đến từng phường, nhờ chính quyền lập danh sách những người lái xe ôm với địa chỉ, nhân thân rõ ràng để giao cho họ các công việc đưa đón học sinh, chuyển hàng, chuyển tiền”, ông Vũ Tuấn Anh cho biết.    

Tài sản chung của xã hội

Vốn hạt giống của dự án khởi nghiệp cộng đồng qua Facebook đầu tiên ở Việt Nam là 100 triệu đồng, sau một ngày kêu gọi trên Facebook, đã được góp đủ. Mỗi suất vốn cho người sáng lập dự án (founder) là 5 triệu đồng, tương ứng với mỗi suất vốn này là một phiếu “đại cử tri”. Ai góp vốn nhiều sẽ có nhiều phiếu đại cử tri. Các hướng đi của dự án sẽ được quyết định trên đầu phiếu đại cử tri. Mỗi quyết định cần có 60% phiếu đại cử tri tán thành.

Bên cạnh đó, dự án còn nhận vốn đồng sáng lập (co-founder) từ 1-2 triệu đồng, nhận tất cả các hình thức tài trợ và hỗ trợ như cống hiến thời gian phát triển app, quản lý dự án, tiếp thị, truyền thông, kết nối chính quyền, cung cấp hạ tầng đường truyền, cho mượn mặt bằng, đóng góp ý kiến. “Chúng tôi cần tất cả mọi người có thể tham gia với bất kỳ hình thức nào, vì đây là khởi nghiệp cộng đồng. Tôi biết trong mỗi người đều có những thiện ý, đều có những nguồn lực dư thừa, không sử dụng cũng lãng phí. Nhưng họ không có nhiều thời gian và tiền bạc để tự mình thực hiện những thiện ý đó, vậy thì sao không hợp sức”, ông Vũ Tuấn Anh kêu gọi.

Hình thức khởi nghiệp cộng đồng này khác với hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) như các trang Kickstarter hay Indiegogo, tức là cộng đồng góp vốn cho một ý tưởng, một công nghệ, giúp chúng có thể thành sản phẩm. Sau đó, cộng đồng sẽ nhận lại những sản phẩm thực tế khi nó ra đời, thường với giá thấp hơn giá thị trường sau này 30-50%.

Hai nguyên tắc cơ bản của dự án khởi nghiệp cộng đồng là: không mang lợi nhuận cho nhóm đầu tư vốn hạt giống ban đầu, và dự án là tài sản chung cho toàn xã hội. “Xây dựng xong nền tảng công nghệ cho dự án ở TPHCM, nếu tại Hà Nội hay các tỉnh thành khác cần, chúng tôi sẽ chuyển giao miễn phí, miễn là họ cũng sử dụng vào mục đích xã hội, phi lợi nhuận”, ông Vũ Tuấn Anh cho biết. Giai đoạn đầu của dự án sẽ thực hiện ở Quận 1, giai đoạn hai mở rộng sang Quận 3, 5 và 10, giai đoạn ba sẽ mở sang các quận nội đô khác và giai đoạn bốn là nhân rộng ra cả thành phố.

Theo TBKTST