Dòng vốn tỉ đô quay trở lại thị trường mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dòng vốn đổ vào chứng khoán và công cụ nợ ở thị trường mới nổi bất ngờ ghi nhận mức tăng đột biến trong những tuần giao dịch đầu năm 2023.

Các nhà đầu tư đang dồn tiền mua cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi với tốc độ gần đạt mức kỷ lục khi lạm phát giảm dần và việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế giúp đảo ngược xu hướng giảm giá trong năm ngoái, theo Financial Times.

Dữ liệu tổng hợp 21 quốc gia của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy, các thị trường mới nổi đã hút ròng 1,1 tỉ USD/ngày trong tuần vừa qua. Đây là mức cao thứ 2 chỉ sau đợt rót vốn đột biến sau khi các lệnh phong tỏa do Covid-19 được gỡ bỏ vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Dòng tiền mạnh mẽ này cho thấy sự thay đổi lớn trong tâm lý của giới đầu tư trong năm nay, sau giai đoạn ảm đạm của các thị trường đang phát triển trong phần lớn năm 2022. Lạm phát toàn cầu giảm đã giúp cho nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng các ngân hàng trung ương ở các thị trường đã phát triển – bao gồm Fed – sẽ sớm ngừng nâng lãi suất, từ đó bớt gây ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường mới nổi.

Jahangir Aziz, chuyên gia phân tích của JPMorgan, nhận định rằng có rất nhiều yếu tố để giúp cho dòng tiền phục hồi cao hơn ở thời điểm hiện tại, khi những yếu tố bất ổn gây tác động tới các thị trường mới nổi đang được gỡ bỏ.

Nguy cơ về một cuộc suy thoái đã giảm. Dữ liệu công bố trong hôm thứ Năm vừa qua cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2022 cao hơn so với kỳ vọng, ở mức 2,9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

Việc Trung Quốc quyết định gỡ bỏ chính sách zero-COVID cũng gây tác động lớn. Dòng tiền đổ vào nước này chiếm khoảng 800 triệu USD trên tổng số 1,1 tỉ USD/ngày, theo dữ liệu của IIF, trong khi các nước đang phát triển khác được hưởng lợi từ hiệu ứng bắt nguồn từ động thái của Bắc Kinh.

Tài sản ở các thị trường mới nổi càng được hỗ trợ nhờ kỳ vọng của giới đầu tư rằng các nước đang phát triển sẽ vượt mặt các nền kinh tế phát triển, xét về tăng trưởng, trong năm nay. JPMorgan dự báo rằng GDP ở các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng cao hơn các nền kinh tế phát triển là 1,4 điểm phần trăm trong năm 2023, từ con số 0 trong nửa sau năm 2022.

Cổ phiếu thuộc chỉ số thị trường mới nổi MSCI đã tăng gần 25% kể từ mức thấp vào tháng 10 năm ngoái. Từ mức thấp mới đây tăng lên trên 20% được xem là thị trường bò.

Bất chấp một khởi đầu đầy thuận lợi trong năm 2023, một số nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng tốc độ dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi khó có thể được duy trì.

Paul Greer, quản lý danh mục đầu tư trái phiếu ở thị trường mới nổi của Fidelity International, cho rằng sức tăng đồng loạt của các tài sản ở thị trường mới nổi có thể sẽ xảy ra tiếp theo.

“Quý đầu tiên và quý thứ hai của năm 2023 sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc, không có gì phải nghi ngờ,” ông nói.

Greer cho rằng, đợt tăng đồng loạt này một phần là do các nhà đầu tư trở lại với các tài sản ở thị trường mới nổi, sau khi tránh xa khỏi chúng trong phần lớn thập kỷ qua, đặc biệt là trong 3 quý đầu của năm 2022.

Nhiều nền kinh tế đang phát triển trước đó đã gặp khó khăn trong việc tăng tốc độ tăng trưởng do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, và chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do lạm phát tăng trên phạm vi toàn cầu cũng như đồng USD mạnh trong năm 2022.

Greer thêm rằng, bất chấp đà phục hồi gần đây, các nhà đầu tư khó có thể lạc quan về đà tăng trưởng ở các thị trường mới nổi trong tương lai. Mức nợ công tăng dần, sức ép tài khóa lớn hơn ở khắp các nước đang phát triển và tác động tiêu cực tăng dần từ vấn đề dân số sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng, ông nói.

“Không nên quá kỳ vọng vào các thị trường mới nổi giống như giai đoạn tiền COVID-19,” Greer nhận định./.

Theo Financial Times