“Chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục trong thời gian dài. Không phải là chuyện có thể giải quyết được trong 2 tháng hay 2 năm; cần chuẩn bị tư tưởng cho việc đánh 20 năm” – Tỷ phú Mã Vân (Jack Ma), ông chủ Tập đoàn Alibaba hôm 19/9 đã tuyên bố như trên tại Hội nghị các nhà đầu tư họp tại Hàng Châu, theo trang tin Đa Chiều. Theo Reuters, một ngày trước đó, ông nói trước diễn đàn này: "Cuộc tranh chấp Mỹ - Trung không chỉ là va chạm mậu dịch, mà cũng là tranh giành bá quyền".
Hôm 18/9, ông Trump đã gia tăng độ nóng của cuộc Chiến tranh thương mại giữa hai nước khi quyết định tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập của Trung Quốc và còn đe dọa nếu Trung Quốc trả đũa, ông sẽ tăng thuế đối với tất cả các hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ còn lại. Lập trường của ông Trump khiến Trung Quốc lâm vào thế khốn đốn, chán nản và tức giận, buộc phải đáp trả bằng cách tăng thuế mức 5% và 10% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Ông chủ Tập đoàn Alibaba Mã Vân cho rằng cuộc Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hiện nay có thể kéo dài 20 năm
|
Theo “The New York Times” ngày 20/9, sự bế tắc về ngoại giao đã khiến nhiều người trong giới kinh doanh cho rằng nước Mỹ trong mấy năm tới sẽ sa chân vào một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài lê thê, hao tổn kinh tế. Họ muốn biết rốt cục Mỹ sẽ được lợi gì – nếu có, trong cuộc chiến này.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd – một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, nhận định: “Năm 2018 thể hiện một cuộc chiến tranh với hình thức khác đã bắt đầu: chiến tranh mậu dịch, chiến tranh đầu tư và cuộc chiến tranh công nghệ giữa hai nước lớn; nhưng điểm kết thúc thì không xác định được”.
Sự đối đầu mới giữa hai bên Trung – Mỹ có vẻ không có không gian nhượng bộ, ít nhất là trong giai đoạn quá độ hiện nay lập trường hai bên đều rất kiên định. Trung Quốc có ý đồ giữ thế mạnh hơn cho dù nền kinh tế họ ở vào trạng thái yếu hơn; ông Trump thì hiển nhiên cho rằng đây là thời cơ để ép Trung Quốc phải chấp nhận thuận theo ý người Mỹ.
Sự tăng trưởng về đầu tư, sản xuất của các nhà máy và chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay đều đang chậm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ cũng giảm theo. Với sự gia tăng liên tiếp những ảnh hưởng từ việc tăng thuế của Mỹ, dự báo tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng xấu thêm.
Tuy mấy ngày trước, Mỹ đã đưa ra lời mời Trung Quốc cử đại biểu tới Washington để đàm phán về mậu dịch, nhưng một số quan chức Mỹ cho rằng, họ nghi ngờ khả năng Trung Quốc cử quan chức cấp cao sang Mỹ đàm phán trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới, vào dịp đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ gặp gỡ Tổng thống Donald Trump khi tới Buenos Aires tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế.
Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đang ở thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
|
Bản thân ông Trump tỏ ra ông có thể đơn thương độc mã thúc đẩy một hiệp nghị giúp ích cho các xí nghiệp và người tiêu dùng hai bên bờ Thái Bình Dương. “Hy vọng tình thế hiện nay cuối cùng sẽ do tôi và chủ tịch Tập giải quyết ổn thỏa. Tôi luôn kính trọng và có thiện cảm với ông ấy” – ông Trump nói khi tuyên bố quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng liệu hai bên có lý do để nhượng bộ không thì hiện còn chưa rõ. Trợ thủ của ông Trump nói: “Tổng thống cho rằng Mỹ đang chiếm thế thượng phong vì lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, cho nên lượng hàng hóa có thể đánh thuế vượt xa số lượng Trung Quốc dùng để đối kháng. Tuy việc tăng thuế không được những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, nông dân và những hãng chế tạo hoan nghênh, nhưng phương thức mậu dịch của ông vẫn được đa số giới chính trị tán thưởng".
Phía Trung Quốc có nguyên nhân chính trị của họ để tránh việc đầu hàng. Các nhà phân tích cho rằng, nếu nhượng bộ Donald Trump sẽ bị coi là biểu hiện mềm yếu, thất thế của ông Tập Cận Bình. Họ cũng không nhận thấy biểu hiện cho thấy Trung Quốc chịu từ bỏ chiến lược “Made in China 2025” - một dự án công nghiệp được cho là tranh đoạt ngành chế tạo người máy, trí tuệ nhân tạo và địa vị bá chủ trong lĩnh vực công nghệ cao vốn là lĩnh vực của Mỹ và châu Âu. Ông Trump đã xác định phải chặn đứng chính sách đó của Trung Quốc.
Tuy các quan chức Trung Quốc tỏ vẻ sẵn sàng từ bỏ tên gọi “Made in China 2025”, nhưng họ rõ ràng rất thận trọng trong việc chấp nhận những hạn chế đối với những đặc trưng trong chính sách nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn ngân hàng quốc doanh phóng tay cho những ngành nghề thời thượng vay những khoản tiền lớn với lãi suất thấp.
Trong nội bộ Nhà Trắng hiện đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người mong muốn đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc và những người quyết tâm tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải có những thay đổi mang tính cấp tiến về hành vi mậu dịch. Hiện nay phái cứng rắn đang được ông Trump ủng hộ.
Mỹ tiến hành Chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm thay đổi tình trạng chênh lệch quá lớn trong cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước bất lợi cho phía Mỹ
|
Ông Daniel M. Price, người từng là cố vấn thương mại của cựu Tổng thống George W. Bush cho rằng chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã làm rất tốt trong việc phân loại những hành vi không chính đáng của Trung Quốc như lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ, ký các hợp đồng mang tính cướp đoạt. Nhưng họ không thể tổ chức ra một liên minh đối kháng Trung Quốc; mà thông qua việc đánh thuế thép, nhôm và đe dọa đánh thuế ngoài hạn ngạch xe hơi nhập khẩu, đã gây nên các tranh chấp riêng rẽ về mậu dịch với EU, Nhật, Canada và Mexico.
Ông Daniel M. Price cho rằng hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc chỉ là vấn đề song phương, là sai lầm. Nếu anh áp mức thuế tăng đối với thép, nhôm của các đồng minh và đe dọa đánh thuế xe hơi của họ thì sẽ rất khó khuyến khích họ (tham gia cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc).
Đối với Trung Quốc, một nhân tố phức tạp là muốn biết rõ rốt cục ai có ảnh hưởng nhất đến ông Trump. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người luôn lãnh đạo đàm phán của Mỹ mời Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Trung Quốc tới đây sang Washington gặp gỡ, cho dù chuyến đi tới Mỹ lần trước của Lưu Hạc không mang lại kết quả tốt và Tổng thống Donald Trump cũng đã từ chối một hiệp nghị có thể làm giảm bớt mức nhập siêu của Mỹ.
Ông Mnuchin cho rằng, nếu Trung Quốc chịu đồng ý giải quyết vấn đề có tính kết cấu, Mỹ phải có thái độ cởi mở trong đàm phán về các vấn đề bao gồm chênh lệch giữa xuất nhập khẩu và các công ty Mỹ đối diện với sức ép phải trao các công nghệ quan trọng để đổi lấy việc triển khai nghiệp vụ ở Trung Quốc và vấn đề lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Một số quan chức cấp cao khác như Peter Navarro, người phụ trách Văn phòng mậu dịch và chính sách ngành chế tạo từng nói với các đồng sự: hiện nay việc mời người Trung Quốc sang bị coi là biểu hiện mềm yếu. Là nhà kinh tế được biết tới qua cuốn Death by China, ông Navarro là một trong số những người chủ trương gây sức ép mạnh hơn với Trung Quốc để buộc họ phải thay đổi hành vi.
Ông Peter Navarro chủ trương gây sức ép mạnh hơn với Trung Quốc để buộc họ phải thay đổi hành vi
|
Hồi tháng 6 vừa qua, văn phòng của ông công bố một báo cáo vắn tắt có tên “Sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc đã đe dọa công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và thế giới như thế nào”. Hồi tháng 5, giữa Navarro và Mnuchin đã xảy ra xung đột công khai trong thời gian đi thăm Bắc Kinh. Sau đó Mnuchin tách khỏi Navarro và các quan chức Mỹ khác để tiến hành gặp gỡ riêng với Lưu Hạc.
Hiện nay vẫn chưa rõ ông Lưu Hạc có tới Washington vào tuần tới hay không, nhưng một quan chức Trung Quốc đã tiết lộ: dù Lưu Hạc có đi thì ông cho rằng hiệp nghị đạt được với Mỹ lần trước đã bị phá hoại khiến trong chuyến đi lần này ông cũng chẳng muốn đạt được bất cứ hiệp nghị nào nữa.
Ông Kevin Rudd, người hiện đang giữ chức Viện trưởng Hiệp hội nghiên cứu chính sách châu Á (Asia Society Policy Institute) nói: “Người Trung Quốc từ thời trung học đã được dạy bài học: trước khi nội bộ chính phủ đối phương đồng thuận thì ta không nên tiến hành mọi cuộc tiếp xúc có tính thực chất”. Ông nói, sau khi giao đấu kịch liệt mấy tháng liền với Donald Trump, các quan chức Trung Quốc nhận thấy rằng, họ cần phải thay đổi chính sách mậu dịch và phương thức tiến vào thị trường. Nhưng ông cho rằng, cũng như Donald Trump, không có khả năng ông Tập Cận Bình chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ. Ông Rudd nói, Trung Quốc cũng có vấn đề chính trị, trong nền chính trị Trung Quốc, khái niệm “lui bước” và “thể diện” cũng rất cần tính đến, giống như nền chính trị Mỹ vậy.
Những hành động bức người của ông Trump đã gặp phải sự phê phán mạnh mẽ của một số nhân vật trong nước Mỹ. Ông Fred Smith, chủ tịch hãng chuyển phát nhanh FedEx, người vốn nhiệt thành ủng hộ chính sách giảm thuế trong nước của ông Trump nói: “Chính sách mậu dịch của ông Trump là thứ chủ nghĩa coi trọng thương mại khiến hết thảy mọi người lo lắng”.
Ông Trump không mảy may tỏ ra biểu hiện cho thấy muốn thay đổi đường hướng. Tuy giữa các thành viên trong đội ngũ kinh tế của ông có sự bất đồng, nhưng trong nội bộ chính phủ việc áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Một số người chỉ ra rằng, có chứng cứ cho thấy áp lực về mậu dịch đã làm giảm bớt những hành vi liều lĩnh của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nơi họ thường xuyên xảy ra va chạm với Nhật Bản.
Ông Donald Trump cho rằng, sự căng thẳng về quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung đã khiến Trung Quốc không phối hợp đủ mức trong việc gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề kho vũ khí hạt nhân. Cách nói đó cũng làm cho một số cố vấn của ông cảm thấy không hiểu, nhưng ông vẫn tiếp tục gia tăng việc đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Kevin Rudd nhận định không có khả năng ông Tập Cận Bình chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ
|
Hãng Bloomberg hôm 18/9 đã dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói, chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc ông Trump tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng dự tính ông Trump sẽ bắt đầu gây sức ép về quân sự, khoa học kỹ thuật và tiền tệ. Vị quan chức giấu tên này nói, sau khi áp thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, Trump sẽ kiềm chế và chế áp một cách có hệ thống. Đó sẽ là một thời kỳ chiến tranh lạnh mới.
Hiện nay, giữa Mỹ và Trung Quốc, quan hệ hai bên hầu như đã xấu đi một cách toàn diện, từ mậu dịch đến an ninh mạng, từ các điểm nóng về địa chính trị như Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan đến các vấn đề khác như nhân quyền ở Trung Quốc.
Đó chính là lý do khiến người ta tin rằng, cuộc chiến căng thẳng giữa hai bên sẽ dần vượt khỏi lĩnh vực mậu dịch và không thể chấm dứt trong tương lai gần.