Nhắc đến Tư Cang- Nguyễn Văn Tàu nhiều người biết ông là Anh hùng LLVT, lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng không phải ai cũng biết ông từng là một trong những điệp viên “khét tiếng” và đồng thời là Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự mang mật danh H63 lừng danh một thời, tổ chức mà những nhà tình báo tài ba như Hai Trung- Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Mười Nho… trực thuộc. Ông cũng là chứng nhân của Cánh Mạng Tháng Tám (năm 1945) ở Nam Bộ.
“Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm …”
Trong một chiều thu tháng Tám, khi mà từng con hẻm của Thành phố mang tên Bác rợp trời hoa, cờ đỏ sao vàng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, 2-9, chúng tôi tìm đến nhà riêng Đại tá Nguyễn Văn Tàu. Ở tuổi cận 90, đi lại đã khó khăn, nhưng giọng nói thì vẫn hào sảng, đặc biệt là vẫn một trí nhớ tuyệt vời. Nhìn dáng vẻ bên ngoài ông hiền khô, không ai có thể nghĩ rằng ông từng là một trong những điệp viên “khét tiếng” một thời. Ông khước từ tất cả những câu hỏi về cá nhân ông, về công việc, về các đồng chí của mình. Ông bảo ông muốn nhắc lại những thời khắc huy hoàng của những ngày Cách mạng Tháng Tám hào hùng ở Nam Bộ là để các thế hệ con cháu khắc cốt ghi tâm các thế hệ cha ông đã sống, chiến đấu, hy sinh ra sao, và đặc biệt là, để có độc lập- tự do họ đã phải trả một giá đắt biết chừng nào.
17 tuổi, đang theo học năm thứ 4 Trường Trung học Petrus Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. HCM) thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Cách mạng như một dòng thác cuốn theo tất cả những người dân, đặc biệt là giới trẻ, vào dòng chảy của mình. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Tàu xuống đường nhập vào dòng người như thác cuốn tuần hành trên các con đường Sài Gòn- Chợ Lớn.
Trường học, bệnh viện, công sở tràn ngập lính Nhật. Trường của ông phải dời về Mỹ Tho, gia đình chuyển về Vũng Tàu. Phần vì nhà xa, phần vì không có tiền để tiếp tục theo học, nhưng cái chính là khí thế cách mạng đã cuốn hút chàng trai ở tuổi 17 đầy nhiệt huyết, Nguyễn Văn Tàu xin thôi học và gia nhập Đội quân Thanh niên tiền phong (TNTP). Thế rồi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Thành phố Sài Gòn- Gia định ngập trong tiếng bom rơi và pháo phòng không.
Phong trào cách mạng ở Sài Gòn và các vùng lân cận bắt đầu lớn mạnh. Với vai trờ là đội viên cốt cán của Đội TNTP, Nguyễn Văn Tàu hăng hái xung phong xuống đến tận làng, xã để vận động bà con, cô chú tham gia cách mạng. Nhấp một ngụm trà, tư tự hồi lâu (dường như đang hồi tưởng lại những ngày tháng hào hùng ấy), ông Tư Cang nói: “Thời ấy làm gì có súng ống. Anh em chúng tôi vận động bà con theo lời kêu gọi của Bác “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” để đứng lên cứu nước. Khí thế cách mạng dâng cao hùn hụt”.
“Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay…”
“Lãnh tụ” của Phong trào TNTP ở Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ ấy là nhà giáo Mã Văn Thái. “Ông Thái là người có học thức cao (đậu đến bằng Thành chung của Pháp), có tài ăn nói lại võ nghệ cao cường. Vì vậy ông trở thành “Lãnh tụ” của Phong trào TNTP của Bà Rịa- Vũng Tàu. Ông là hình mẫu lý tưởng để thế hệ thanh niên chúng tôi khi ấy phấn đấu noi theo. Vì vậy ông xuất hiện ở đâu là ở đấy phong trào cách mạng được nhen nhóm và phát triển mạnh mẽ. Ông được bà con tin yêu, đùm bọc”- ông Tư Cang nhớ lại.
Phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật ngày một phát triển mạnh mẽ, tập hợp xung quanh Đội TNTP là những “chiến sĩ” đều xuất thân từ nông dân nghèo sống cuộc đời “côi cút”; chất phác, hiền lành, cần cù chịu khó trong làm ăn, quanh quẩn trong xóm tre làng, làm bạn với con trâu, đường cày, rất xa lạ với chiến trận:
“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó”
(Nguyễn Đình Chiểu-NĐC).
Vũ khí của họ chỉ là “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “Dao đeo dùng một ngọn dao phay” (NĐC). Ấy vậy mà khi tiếng trống trận nổi lên, chỉ trừ ông già bà lão và trẻ con, tất cả mọi người dân đều tập hợp xung quanh Đội TNTP xung trận và “Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”, “Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh” (NĐC).
Trong câu chuyện của mình mỗi khi nói về “lãnh tụ” TNTP Ma Văn Thái, ông Tư Cang tỏ ra rất tự hào. Ông bảo, có lần ông được vinh dự giao nhiệm vụ cầm súng đứng một bên bảo vệ thủ lĩnh- thầy giáo Thái diễn thuyết. Nói về cây súng này thì rất đặc biệt. Nó vốn do một tên hương quản sở hữu, nhưng đã bị chính đội TNTP tước lại ngay lúc Nhật đảo chính Pháp nắm chính quyền vào ngày 9/3/1945.
Chính quyền trong tỉnh đã về tay nhân dân
Sau những ngày Tổng khởi nghĩa nổ ra tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc và miền Trung, đến sáng 25/8/1945, một không khí rất hồi hộp bao chùm các tỉnh Nam bộ. Ông Tư Cang nhớ lại: “Từ tờ mờ sáng, đông đảo trai tráng, người dân, đàn bà, trẻ con đều kéo đến sân nhà hội. Tất cả những đinh tráng trong làng đều cầm những cây tầm vong vót nhọn, những ngọn giáo hiên ngang, tất cả đều hừng hực khí thế. Từ giữa đám đông người, Thủ lĩnh Mã Văn Thái tuyên bố dõng dạc: "Tất cả theo tôi ra thị xã giành chính quyền!”.
Sau tiếng hô vang ấy, không ai bảo ai, đoàn người dầm dập tiến về thị xã Bà rịa. Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho biết, vào thời điểm đó dù từ làng Long Phước ra thị xã Bà Rịa chừng 7 cây số, nhưng dường như dòng người cứ phăng phăng mà tiến lên. Vừa đi, mọi người cùng hô vang những khẩu hiệu cách mạng. “Lúc ấy tôi thấm thía lắm, đúng là độc lập và tự do thật quá đỗi thiêng liêng” - Đại tá nói.
Khi đoàn người tiến đến thị xã thì người dân tại các làng khác cũng tề tựu đông đủ. Một không khí cách mạng hào tráng, với những băng rôn, với những khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm”, "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Có cả khẩu hiệu được viết bằng tiếng Anh "Independence or death”, nghĩa là "Độc lập hay là chết”.
Giữa quảng trường lớn của thị xã, ông Tàu và những người nông dân tham gia khởi nghĩa xúc động nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới trên nền trời. Bỗng, tất cả đều hát vang bài "Tiến quân ca”. Mọi người hát không có nhạc nhưng lời ca làm tất cả nóng ran: "Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng tiến lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền”. Cứ như vậy, sau "Tiến quân ca”, từng dòng người hô vang khẩu hiệu như từng đợt sóng trào tạo thành áp lực mạnh mẽ.
Đồng thời lúc ấy, một tổ công tác đặc biệt của các đội TNTP họp lại bầu ra, vào làm việc với viên chánh chủ tỉnh đại diện chính quyền thân Nhật. Sau đó, một anh đại diện leo lên ban công nói to cho mọi người đều nghe: “Chánh chủ tỉnh đã bàn giao chính quyền cho TNTP. Từ giờ này, chính quyền trong tỉnh đã về tay nhân dân”. Tiếng reo hò vang dậy, tất cả người dân vui mừng không thể tả xiết.
Ông Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang, SN 1928), là Đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên cụm trưởng cụm tình báo quân sự H63 hoạt động trong Chiến tranh Việt Nam mà Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn là điệp viên chính.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đổi tên là Trần Văn Quang và làm trung đội trưởng trinh sát kiêm chính trị viên đại đội đặc công, Sư đoàn 338.
Năm 1961, ông quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Đầu năm 1961, cụm tình báo quân sự A18 (tiền thân của cụm H.63) ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh). Tất cả để phục vụ điệp viên nổi tiếng Hai Trung. Đằng sau những tin tức, tài liệu chuyển về của Hai Trung, là cả hệ thống phục vụ, cả trong nội đô và ngoài căn cứ. Tháng 5/1962, Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H.63. Và ông là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, đơn vị tấn cống cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Năm 2005, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.