[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Cách Mỹ ngăn Nga kiếm bộn tiền từ dầu mỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các quốc gia đang cố gắng hỗ trợ Ukraine dường như đã nhắm sai mục tiêu. Họ tập trung vào việc giảm sản lượng dầu xuất khẩu thay vì tập trung vào việc giảm thu nhập từ việc xuất khẩu dầu của Nga.

Kể từ khi cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine bắt đầu, giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng đột biến, gây ra lạm phát ở nhiều quốc gia.

Dù chịu nhiều lệnh cấm vận khắc nghiệt chưa từng có của Mỹ và phương Tây, Nga vẫn đang kiếm bộn tiền từ việc giá dầu tăng cao.

Ban xã luận của tờ New York Times mới đây đã đăng tải bài viết để hiến kế cho Mỹ và các đồng minh một biện pháp ngăn chặn nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Bài dịch sau của VietTimes giới thiệu tới độc giả nội dung bài viết này.

Mỹ và các đồng minh phần lớn dựa vào các đòn cấm vận kinh tế để trừng phạt Nga sau khi quốc gia này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nhưng việc hạn chế xuất khẩu dầu của Nga - một nội dung quan trọng trong các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh - lại chủ yếu gây ra nỗi đau cho nền kinh tế ở những nước khác.

Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng không phải ngoại lệ. Họ đang gây tổn hại cho chính nền kinh tế của quốc gia mình mà vẫn không thể làm giảm thu nhập từ dầu của Nga.

Các quốc gia đang cố gắng hỗ trợ Ukraine đã nhắm sai mục tiêu. Họ tập trung vào việc giảm lượng dầu xuất khẩu thay vì tập trung vào việc giảm thu nhập từ việc xuất khẩu dầu của Nga.

Nga đang xuất khẩu ít dầu mỏ hơn, nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, có trụ sở tại Phần Lan.

Các đòn trừng phạt này đã làm tăng giá cả. Tháng 5/2022, Nga thu về 883 triệu EUR/ngày từ xuất khẩu dầu, tăng từ mức 633 triệu EUR/ngày trong tháng 5/2021.

Tình hình này sắp tới sẽ còn biến chuyển tồi tệ hơn. Các đòn trừng phạt mới mà EU và Anh nhất trí áp đặt với Nga vào thời điểm cuối năm nay chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn nữa.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng giá mỗi thùng dầu có thể vượt mức 200 USD, tức trên mức cao đột biến trong những tuần đầu của cuộc chiến, thời điểm mà giá dầu ở mức khoảng 124 USD. Điều đó có thể dễ dàng đẩy các nền kinh tế phương Tây rơi vào suy thoái.

Cách Mỹ ngăn Nga kiếm bộn tiền từ dầu mỏ

Chính quyền Tổng thống Biden có một kế hoạch để đảo ngược nghịch lý này. Cụ thể, họ sẽ tìm cách thiết lập một thỏa thuận giữa những khách hàng mua dầu của Nga để thiết lập mức giá trần đối với dầu xuất khẩu từ quốc gia này.

Mức trần sẽ thấp hơn đáng kể so với giá thị trường hiện tại, từ đó làm giảm vai trò của các khách hàng phương Tây trong việc đóng góp cho chiến dịch quân sự của Nga.

Nhưng mức giá này vẫn giúp Nga có được lợi nhuận, bởi vậy mà Moscow vẫn có động lực để xuất khẩu dầu sang các nước thành viên của tổ chức.

Một số bên quan trọng tham gia vào kế hoạch này, trong đó có Mỹ, đã cấm nhập dầu của Nga, nhưng các bên khác mà Mỹ hy vọng sẽ gia nhập, như Ấn Độ, vẫn tiếp tục nhập lượng lớn dầu của Nga.

Đây là một ý tưởng táo bạo và chưa được thử nghiệm. Nó dường như cũng là lựa chọn sẵn có tốt nhất. Nếu có hiệu quả, nó sẽ làm giảm lợi nhuận xuất khẩu dầu của Nga mà không gây tổn hại tới nền kinh tế của các quốc gia đang muốn hỗ trợ Ukraine.

Xây dựng một tổ chức như vậy là không dễ. Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với các nước thành viên còn lại của nhóm G7. Giới chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đang làm việc với các đối tác để đưa ra chi tiết về kế hoạch.

Tổ chức khách hàng này sẽ được củng cố nếu như những khách lớn mua dầu của Nga, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, có thể tham gia. Điều rất khó có thể xảy ra. Nhưng giới chức Mỹ cho rằng tổ chức này có thể gia tăng sức ép với Nga bằng cách cho phép các nước không tham gia mua dầu với giá ưu đãi hơn.

Việc duy trì một tổ chức như vậy cũng khó. Bởi các bên tham gia có thể hưởng lợi bằng cách lợi dụng mức giá trần, việc kiểm soát hoạt động sửa đổi giá là cực kỳ khó. Nhưng vẫn có thể có một cơ chế thực thi khéo léo hơn.

Một phần trong gói trừng phạt mới mà EU và Anh áp dụng chính là lệnh cấm bảo hiểm các tàu chuyên chở dầu Nga.

Các hãng vận chuyển cần có bảo hiểm để đi qua các con kênh hoặc đi vào cảng. Các công ty của châu Âu hiện đang thống trị thị trường này. Trong tháng 4 và tháng 5, có tới 68% dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển trên các con tàu chở hàng ký hợp đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp châu Âu.

Biện pháp này có thể được sửa đổi để cấm các tàu vận tải chở dầu được mua với giá trên mức trần.

Chính phủ Nga đã tìm cách chặn kế hoạch này. “Theo như tôi hiểu, chúng tôi sẽ không cung cấp dầu cho các nước áp dụng mức giá trần đó, và dầu của chúng tôi, các sản phẩm dầu sẽ được chuyển hướng sang các nước sẵn sàng hợp tác với chúng tôi,” Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, nói trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.

Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng, nếu một tổ chức được thành lập, lựa chọn thực sự của Nga sẽ nằm giữa chấp nhận các điều kiện của tổ chức hoặc phải giảm sản lượng dầu mỏ hiện tại.

Mỹ vẫn khó ngăn Nga kiếm bộn từ dầu mỏ?
Mỹ vẫn khó ngăn Nga kiếm bộn từ dầu mỏ?

Có lẽ sự phản đối lớn nhất đối với kế hoạch áp mức giá trần với dầu của Nga chính là, nó giúp tẩy rửa "vết nhơ" cho dầu xuất khẩu của Nga. Giới lãnh đạo Ukraine cho rằng, cách tốt nhất để giúp đỡ họ chính là ngừng chi tiền mua năng lượng của Nga, trong khi tổ chức mà Mỹ muốn thiết lập lại bình thường hóa các thương vụ này.

Phương Tây cho rằng, thế giới chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu như không bị phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Điều này được rút ra từ bài học của riêng họ, trong đó bao gồm sự cấp thiết phải chuyển dịch sang các nguồn năng lượng bền vững và sự cần thiết phải gắn chặt hơn chính sách thương mại với các ưu tiên khác của quốc gia.

Cách duy nhất để giảm sức mạnh kinh tế của Nga với tư cách nước xuất khẩu năng lượng chính là giảm nhu cầu năng lượng.

Nhưng sự chuyển dịch đó cần thời gian. Một tổ chức khách hàng chỉ là biện pháp tạm thời. Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Nga, các nước châu Âu đang phải chấp nhận kế hoạch mới là giảm sử dụng năng lượng và tăng cường các nguồn năng lượng bền vững, như điện gió và điện mặt trời.

Cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ khiến Mỹ phải đưa ra các khoản đầu tư tương tự, họ cũng là một nước xuất khẩu năng lượng nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Trong khi đó, Ukraine cần có sự hỗ trợ dài hạn của các đồng minh, có khả năng là trong một cuộc chiến dài hơi. Sẽ là phản tác dụng nếu như phải hứng chịu những tổn thất không cần thiết./.

Nguồn: New York Times