Đoạn hội thoại đặc biệt ở Diễn đàn VDPF

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) cuối tuần trước, một cuộc đối thoại đặc biệt về tương lai đất nước giữa Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra.
Việc thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả là điều cốt tử với tương lai Việt Nam. Trong ảnh: Mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi ở TPHCM. Ảnh: Minh Khuê
Việc thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả là điều cốt tử với tương lai Việt Nam. Trong ảnh: Mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi ở TPHCM. Ảnh: Minh Khuê

Trong phần khai mạc diễn đàn, bà Kwakwa, sau khi nêu hàng loạt băn khoăn về các vấn đề phát triển của Việt Nam, đặt câu hỏi: “Câu hỏi cuối cùng là Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong năm năm tới?”.

Hơn bốn tiếng sau đó, sau hàng loạt thảo luận giữa đại diện các bộ, ngành và các nhà tài trợ về các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam, Thủ tướng đã trả lời trực diện câu hỏi này. Ông nói: “Việt Nam lấy vốn đâu để phát triển nhanh và bền vững? Đó chính là thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả. [Điều đó] sẽ huy động được nguồn lực cả trong nước với 92 triệu người dân; 4,5 triệu người định cư ở nước ngoài; và bạn bè quốc tế. Nếu không hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường thì không huy động được nguồn lực... Nhân dân là quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển. Vì thế, chúng tôi tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực của nền kinh tế”.

Đoạn hội thoại trên - dù chỉ diễn ra rất ngắn ngủi, nằm trong vô số vấn đề được thảo luận tại diễn đàn - lại rất cốt tử với tương lai của Việt Nam. Bà Kwakwa có lý do để đặt ra câu này. Hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỷ lệ thu trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong năm năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Một báo cáo của WB công bố trước diễn đàn đã cảnh báo về tình trạng “nóng bỏng” của tài khóa: “Trong chín tháng đầu năm áp lực tài khóa vẫn rất nóng. Giá dầu giảm và thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm đã dẫn đến giảm thu ngân sách. Đồng thời, chi lại tăng nhanh hơn thu do phải tăng chi thường xuyên. Nếu tiếp tục tình trạng mất cân đối tài khóa như hiện nay thì nợ công sẽ gia tăng nhanh chóng và tổng nợ công sẽ chạm ngưỡng giới hạn 65% GDP trong trung hạn”. Báo cáo này cho rằng, mức độ thâm hụt lớn đã “gây quan ngại” về bền vững tài khóa trung hạn và nợ công.

Những cảnh báo của WB là đáng lưu tâm trong bối cảnh có những cơ quan Đảng vừa công khai tình trạng không còn tiền chi tiêu, hay có bệnh viện công không còn tiền trả lương bác sĩ. Đây rõ ràng là trách nhiệm không của riêng Chính phủ.

Câu trả lời của Thủ tướng như trên thực ra chỉ là một phần trong phần trình bày của ông tại diễn đàn, nơi lần đầu tiên bàn về chủ đề “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại”. Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn, ông khẳng định: “Những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 30 năm qua đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế. Bản chất là mở rộng dân chủ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ông nói: “Việt Nam tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về kinh tế thị trường”, và khẳng định sẽ tạo lập thể chế thị trường cho các thị trường đất đai, vốn, lao động, công nghệ.

Trả lời câu hỏi Việt Nam sẽ lấy vốn ở đâu để phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đó chính là thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả”.

Về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn gây tranh luận, chính Thủ tướng cũng đã đề cập tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 18-11-2015, ông khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế”. Đồng thời, ông cho rằng, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...

Nhưng ở góc nhìn của quốc tế, bà Kwakwa cho rằng tiến trình này cần được đẩy nhanh. Bà thúc giục Việt Nam tạo khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường  của Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa nhằm đảm bảo rằng nguồn lực được phân bổ cho đúng mục đích sử dụng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất. Cần tạo điều kiện hình thành và vận hành trôi chảy một thị trường đất đai. Nếu làm được điều đó thì đây sẽ là một thành tích đáng kể, mang lại ích lợi to lớn về kinh tế và xã hội cho người dân, có thể đưa vào tổng kết khi kết thúc thực hiện kế hoạch. 

Vấn đề không kém quan trọng nữa là phân tách rạch ròi giữa hoạt động quản lý và hoạt động thương mại của nhà nước, bằng cách thay đổi vai trò của Nhà nước từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Chính phủ cũng cần phải rút khỏi các lĩnh vực mà Chính phủ không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc.

Tất cả những hành động như vậy sẽ giúp hình thành một khu vực kinh tế tư nhân năng động mà Nhà nước coi là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.

Diễn đàn VDPF bàn gì?

Diễn đàn VDPF là diễn đàn đối thoại kín. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, diễn đàn đã đề cập đến các vấn đề sau:

- Luật hiệp hội - cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ;

- Thoái vốn hoàn toàn khỏi nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Chính phủ đã công bố một con số là 10 doanh nghiệp. Nếu thực hiện thêm 10, thậm chí 20 doanh nghiệp nữa, sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực này;

- Có một đề xuất thành lập một cơ quan trung ương về cải cách với nhiệm vụ phối hợp chương trình cải cách, xây dựng và theo dõi thực hiện chương trình cải cách - nhằm đảm bảo rằng công tác được điều phối và nhất quán tại cấp trung ương và giữa trung ương với địa phương;

- Một đề xuất nên rà soát tổng thể tất cả các điều kiện kinh doanh nhằm đánh giá gánh nặng tuân thủ mà doanh nghiệp phải gánh chịu và tìm ra giải pháp phù hợp;

Về nguồn vốn, có đề xuất Chính phủ nên rà soát cẩn thận mục tiêu đi vay trong năm năm tới để xác định xem mức độ phù hợp của vốn ODA và các đối tác có thể huy động và hỗ trợ một cách phù hợp nhất;
Hai bên cũng đã bàn về tầm quan trọng của việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong quá trình phát triển của Việt Nam và lưu ý rằng rủi ro vẫn còn tồn tại;

Vấn đề trung tâm của mọi cuộc thảo luận, và là một trong những vấn đề cơ bản mà bà Victoria Kwakwa ghi nhận ở diễn đàn này, đó là việc Chính phủ muốn đẩy nhanh tăng năng suất lao động nhằm duy trì tăng trưởng nhanh, (để) đi theo quỹ đạo của Hàn Quốc và thực hiện mục tiêu của chính mình.

Theo TBKTSG