Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sáng nay (5/12), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sau giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 5 năm tới, với mức trung bình 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người, theo đó đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tăng khoảng 1.000 USD so với hiện nay.
Chủ trì Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2015, GDP Việt Nam ước đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người là 2.228 USD. Tuy nhiên, nếu tính theo ngang giá sức mua là trên 5.600 USD. Tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm và vượt kế hoạch đề ra.
Để đạt các mục tiêu giai đoạn tới, đại diện Chính phủ cho hay Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực mới cho phát triển. Ba đột phá được Chính phủ đặt ra cho giai đoạn tới là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó phải tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, xây dựng thể chế, luật pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần giải quyết thách thức về năng suất lao động. Những năm gần đây, Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng năng suất giảm dần là vấn đề đáng quan ngại, hiện chỉ đạt gần 4%, trong khi Trung Quốc là trên 7% và Hàn Quốc là hơn 5% tại thời điểm các quốc gia này có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
“Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo được tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như Hàn Quốc hay Đài Loan”, bà nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho hay cải cách thể chế đóng vai trò then chốt, bởi muốn tăng năng suất lao động thì phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
Đồng quan điểm, ông David Devine - Đại sứ Canada cho biết hiệu suất lao động giảm sút từ những năm 90, do các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả và sự yếu kém của khu vực tư nhân trong nước. Nền tảng thể chế phát triển chưa đúng mức, cho thấy sự cấp thiết phải cải cách thể chế.
Ngoài ra, sự cấp thiết phải cải tổ được thể hiện rõ nhất sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. “Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ kích thích cải cách thể chế để tăng cường và chuẩn hóa các quy tắc cũng như tính minh bạch, hỗ trợ tạo nên thể chế hiện đại tại Việt Nam", đại sứ phát biểu.
Ông Jonathan Dunn - Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam đã đạt những tiến bộ trong ổn định nền kinh tế vĩ mô, song thậm hụt ngân sách cao và nợ công tăng, cải cách cơ cấu còn khiêm tốn đang là những hạn chế trong nền kinh tế. Thời gian tới, vị này đề xuất Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định chính sách vĩ mô và thúc đẩy tái cơ cấu, trong đó khu vực tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc tăng cường cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
“Tiến hành cải cách nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng”, vị này cho biết.
Theo VnE