Đô đốc Mỹ nhận định về khả năng chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Tạp chí Nhật Nikkei Asian Review ngày 30/5 đã đăng bài nhan đề "Nếu Mỹ gây chiến tranh với Trung Quốc, ai sẽ thắng?" của Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis, cựu Tư lệnh liên minh NATO.
Đô đốc Hải quân Mỹ về hưu James George Stavridis (Ảnh: NATO).
Đô đốc Hải quân Mỹ về hưu James George Stavridis (Ảnh: NATO).

Đô đốc James Stavridis cho rằng cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ rất phức tạp, cần phải xem xét đầy đủ về các lĩnh vực như ngân sách quốc phòng, số lượng tàu chiến và máy bay, địa lý, hệ thống liên minh và công nghệ, đặc biệt là khả năng của lực lượng dưới nước (tàu ngầm), an ninh mạng và không gian.

Ngân sách quốc phòng của Mỹ khá minh bạch, ít nhất là về tổng số tiền. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm tài chính 2020 là khoảng 714 tỉ USD và có thể tăng lên 733 tỉ USD vào năm 2021. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch, nhưng tổng số tiền chi chắc chắn ít hơn Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc có giá thành chi phí nhân sự không cao, các hoạt động quân sự của họ chủ yếu tập trung ở Đông Á, trong khi quân đội Mỹ có dấu chân trên khắp thế giới và rất đắt đỏ. Nhìn chung, phía Mỹ có lợi thế về tài nguyên, nhưng không quá áp đảo như người ta tưởng khi nhìn vào bề ngoài.

Xét về số lượng tàu chiến, tổng số tàu chiến của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, hiện họ có khoảng 300 đến 350 chiếc. Các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc hầu như đều hạ thủy tàu chiến mới mỗi tuần, đặc biệt là tàu tuần tra mang tên lửa và tàu hộ vệ với hàm lượng công nghệ tương đối thấp. Tuy nhiên, tàu chiến Mỹ lại có trọng tải lớn hơn nhiều, có hệ thống tấn công và phòng thủ tốt hơn, đồng thời được vận hành bởi các thủy thủ đoàn có nhiều kinh nghiệm hơn.

Hai biên đội tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông tháng 2/2021 (Ảnh: US Navy).

Hai biên đội tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông tháng 2/2021 (Ảnh: US Navy).

Ngoài ra, Mỹ có một mạng lưới chỉ huy và khả năng kiểm soát rất phức tạp, kết hợp nền tảng hàng không tầm xa với các tàu chiến mặt nước và tất nhiên cả tàu ngầm. Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc gần khu vực Đông Á, họ cũng có ưu thế hơn một chút về số lượng phương tiện trên biển và trên không, trong khi Mỹ có khí tài quân sự chất lượng cao hơn hẳn.

Về mặt địa lý, Trung Quốc có lợi thế rất lớn trong các cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều đáng chú ý là Trung Quốc có thể hỗ trợ hậu cần cho các tàu chiến của mình về nhiên liệu và đạn dược, cung cấp các cơ sở bảo trì trang thiết bị chiến đấu ở gần và dễ dàng huy động các thủy thủ đoàn ra vào tàu chiến của họ. Đối với Mỹ, ngay cả khi xem xét sử dụng các căn cứ của Mỹ ở gần đó, chuỗi cung ứng và nhân lực ở xa vẫn sẽ gây rắc rối cho quân đội của họ.

Ngoài ra, hàng loạt đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp xây dựng trên Biển Đông sẽ giúp Bắc Kinh cân bằng các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam ở một mức độ nhất định. Nhân tiện, Hải quân Mỹ không gọi khoảng 10 đảo bãi của Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông là “đảo nhân tạo” mà coi chúng là những “tàu sân bay không thể chìm”.

Các sĩ quan chỉ huy trên tàu hải quân Mỹ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trên biển gần Philippines hôm 4/4/2021 (Ảnh: US Navy).

Các sĩ quan chỉ huy trên tàu hải quân Mỹ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trên biển gần Philippines hôm 4/4/2021 (Ảnh: US Navy).

Trên thực tế, nhiều ý tưởng trong chiến thuật và tác chiến chiến lược của Mỹ đang nghiên cứu cách chế áp các cơ sở này; một trong những ý tưởng là triển khai lực lượng đặc biệt của Thủy quân lục chiến Mỹ để tiêu diệt khả năng tấn công của các hòn đảo này ngay trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Mặc dù Mỹ đang cố gắng bù đắp những khiếm khuyết về hậu cần của mình bằng cách tiếp xúc với các đồng minh, nhưng vị trí địa lý gần rõ ràng là một yếu tố có lợi của Trung Quốc.

Từ lâu nay, Mỹ đã tin rằng lợi thế so sánh lớn nhất của mình đối với Trung Quốc là mạng lưới các đồng minh, đối tác và bạn bè trên khắp thế giới. Ở châu Á, điều này đồng nghĩa với sự hỗ trợ của lực lượng hải quân hùng hậu từ Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác. Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ thông qua khái niệm “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (Quad). Tuy nhiên, trước sự tấn công của Trung Quốc, Mỹ có thể dựa vào các đối tác này đến mức nào là một vấn đề ngày càng lớn.

Nhìn chung, các đồng minh của Mỹ càng lớn hơn, giàu có hơn và có lực lượng quân sự mạnh hơn là một lợi thế cho Washington - nhưng khoảng cách đang dần được thu hẹp.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, chiến thắng của cuộc chiến tranh Trung - Mỹ phần lớn phụ thuộc vào ai có công nghệ tốt nhất. Hiện Mỹ vẫn là nước đi đầu trong các lĩnh vực then chốt như giảm tiếng ồn của tàu ngầm, số lượng vệ tinh quân sự trong không gian, các công cụ mạng tấn công và phòng thủ, các phương tiện không người lái. Nhưng Trung Quốc cũng đang nhanh chóng tiếp cận, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tên lửa hành trình siêu thanh, mạng internet và lĩnh vực điện toán lượng tử mới nổi. Tương tự, đối với Mỹ, họ có một chút lợi thế, nhưng khoảng cách cũng đang được thu hẹp.

Tàu khu trục USS Wlllburg của Mỹ tiếp cận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép hôm 20/5/2021 (Ảnh: Đông Phương).

Tàu khu trục USS Wlllburg của Mỹ tiếp cận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép hôm 20/5/2021 (Ảnh: Đông Phương).

Ông James George Stavridis, người gốc Hy Lạp, sinh năm 1955 là Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là Giám đốc Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông cũng lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ của trường vào những năm 1980 và là một trong số ít tướng lĩnh trong quân đội Mỹ có học vị Tiến sĩ, ngoài ra ông còn từng là Chủ tịch Ủy ban Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ. Trước khi nghỉ hưu, ông Stavridis là Tư lệnh của Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và Tư lệnh Bộ Tư lệnh tối cao Các lực lượng đồng minh châu Âu. Ông cũng là đô đốc Hải quân đầu tiên được giữ chức vụ này. Trước đó ông là Tư lệnh của Bộ Tư lệnh phía nam của Mỹ. Ông đảm nhiệm hai chức vụ này vào ngày 30/6 và ngày 2/7 năm 2009. Vào ngày 10/10/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Leon Panetta tuyên bố đề cử Đại tướng Thủy quân lục chiến John Allen, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Afghanistan và Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, thay thế ông Stavridis. Sau đó, tháng 5/2013, ông Stavridis từ chức và nghỉ hưu về làm công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Đô đốc Stavridis thường công bố những suy nghĩ, ý kiến phân tích của mình trên nhiều ấn phẩm khác nhau, chẳng hạn như tạp chí Châu Mỹ và tạp chí của Học viện Hải quân Mỹ.

(Theo Dwnews)