Quan chức Mỹ: thời kỳ gắn kết với Trung Quốc đã chấm dứt, cạnh tranh hiện là chủ đạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề châu Á tại Nhà Trắng đưa ra một thông điệp nặng nề, nói rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay "cạnh tranh sẽ là mô hình chủ đạo".
Ông Kurt Campbell, Điều phối viên vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: AP)
Ông Kurt Campbell, Điều phối viên vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: AP)

Theo hãng tin Bloomberg, quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng Mỹ ngày 26/5 đã công khai tuyên bố rằng Mỹ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Kỷ nguyên gắn kết Mỹ - Trung hơn nửa thế kỷ qua đã chấm dứt

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm nay, thế giới bên ngoài đã quan tâm theo dõi sát những điểm tương đồng và khác biệt giữa chính sách Trung Quốc của ông và thời kỳ Tổng thống Donald Trump. Ông Kurt Campbell, Điều phối viên vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council, NSC), ngày 26/5 đã nói tại một sự kiện tổ chức tại Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein), Đại học Stanford rằng "thời kỳ được mô tả rộng rãi là “engagement” (gắn kết) với Trung Quốc đã kết thúc"; đồng thời nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là liên kết các đồng minh tiến hành cạnh tranh ổn định.

Trong thời kỳ cuối cùng của chính quyền Trump, quan hệ Mỹ - Trung đã lâm vào bế tắc toàn diện: nhiều quan chức cấp cao của Mỹ liên tiếp đưa ra các "bản án" tố cáo các tội lỗi khác nhau của Trung Quốc. Hai nước đã đóng cửa lãnh sự quán của nhau, xung đột ngoại giao luôn sắp bùng phát; Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt thực thể và quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông và những nơi khác, dẫn tới các biện pháp đáp trả của chính quyền Bắc Kinh.

Ông Kurt Cambell (phải) cùng Tổng thống Joe Biden và các quan chức cao cấp Nhà Trắng hội đàm với Thủ tướng Nhật hôm 16/4 (Ảnh: AP).

Ông Kurt Cambell (phải) cùng Tổng thống Joe Biden và các quan chức cao cấp Nhà Trắng hội đàm với Thủ tướng Nhật hôm 16/4 (Ảnh: AP).

Sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm, mặc dù Nhà Trắng ít có những chính sách gây bất ngờ về Trung Quốc, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington không nới lỏng áp lực lên Bắc Kinh. Tại cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên sau khi chính quyền mới lên nắm quyền, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông và những nơi khác, cũng như cưỡng ép kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ đe dọa trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc quốc tế..; Mỹ sẽ đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết.

Ông Campbell tuyên bố rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện sẽ vận hành theo "một loạt các tham số chiến lược mới", đồng thời nói "mô hình chủ đạo sẽ là cạnh tranh".

Ông cũng đề cập đến xung đột biên giới Trung - Ấn, tranh chấp thương mại Trung – Australia và "ngoại giao Chiến lang", v.v., nói rằng chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm phần lớn cho sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Ông nói hành vi của Bắc Kinh là biểu tượng của quá trình chuyển đổi sang "cường quyền hoặc sức mạnh rắn", điều này "cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc đóng một vai trò tự tin hơn".

Ông Campbell cho rằng trong vài năm tới, các đồng minh sẽ là lực lượng nòng cốt để Mỹ chống lại Trung Quốc. Mỹ đã tăng cường hợp tác với các thành viên khác của Đối thoại An ninh bộ Tứ (Quad) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Các nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà ông Joe Biden gặp tại Nhà Trắng là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông nói rằng cách tốt nhất để tiếp xúc với một nước Trung Quốc tự tin hơn là tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè. "Chính sách với Trung Quốc tốt nhất, thực tế là một chính sách châu Á tốt".

Tuy nhiên, Campbell chỉ ra rằng Mỹ cần xua tan sự lo ngại của các nước về sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và đưa ra một "triển vọng kinh tế tích cực" cho khu vực.

Campbell nói: "Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự chuyển trọng tâm chiến lược, lợi ích kinh tế và sức mạnh quân sự của mình sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhiều hơn".

Cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska hôm 18/3 không đạt bất cứ kết quả gì (Ảnh: AP).

Cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska hôm 18/3 không đạt bất cứ kết quả gì (Ảnh: AP).

Mỹ không thể một mình đối phó với những thách thức của Trung Quốc

Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Kurt Campbell, nhấn mạnh rằng, chỉ có đoàn kết với các đồng minh toàn cầu của mình, Mỹ mới có thể đối phó một cách hiệu quả với các thách thức của Trung Quốc.

"Chúng ta cho rằng cách tốt nhất để đối phó với một Trung Quốc cứng rắn hơn là liên kết với các đồng minh và đối tác. Chúng ta biết rằng không quốc gia nào sẵn sàng đưa ra một lựa chọn then chốt nhất định. Tất cả đều muốn duy trì mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, nhưng họ cho rằng cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này là duy trì liên lạc ổn định vững chắc với Washington và đây là những gì chúng ta hy vọng sẽ cung cấp cho mục tiêu này".

Nói về những thách thức có tính toàn cầu do Trung Quốc gây ra, hai nước vẫn đang phải đối đầu nhau trong việc truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19. Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư 26/5 rằng, ông đã yêu cầu các quan chức tình báo Mỹ "tăng gấp bội" nỗ lực của họ để điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, bao gồm khả năng virus có thể đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, và kêu gọi Trung Quốc hợp tác với quốc tế điều tra về nguồn gốc của dịch. Phía Trung Quốc hôm thứ Ba nói tại cuộc họp thường niên của Đại hội Y tế thế giới (WHA) - cơ quan ra quyết định hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới họ cho rằng cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc do thế giới bên ngoài thực hiện ở Trung Quốc đã hoàn thành và bây giờ nên chuyển sự chú ý sang các nước khác.

Tổng thống Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bộ Tứ QUAD ngày 12/3/2021 (Ảnh: AP).

Tổng thống Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bộ Tứ QUAD ngày 12/3/2021 (Ảnh: AP).

Khi tham dự một sự kiện do The Wall Street Journal tổ chức vào đầu tháng này, ông Campbell nói rằng chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden kết hợp các yếu tố khác của các cựu Tổng thống Barak Obama và Donald Trump: Một mặt, họ có thể hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khác hai bên Mỹ - Trung cùng quan tâm; mặt khác, Mỹ cũng hy vọng đoàn kết với các đồng minh của mình để cùng chống lại các hành vi không đúng của Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh vào hôm thứ Tư 26/5 rằng, kỷ nguyên gắn kết kéo dài gần nửa thế kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc đã vĩnh viễn chấm dứt và cạnh tranh sẽ là chủ đề chính của kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước.

"Cục diện chủ đạo của quan hệ Mỹ - Trung sẽ là cạnh tranh. Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo rằng đây là một cuộc cạnh tranh hòa bình và ổn định, thể hiện những gì tốt nhất của Mỹ. Một số yếu tố của Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy chúng ta tăng tốc đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, và chúng ta cũng muốn làm như vậy lúc này".

Ba điểm cốt lõi trong chính sách Trung Quốc của ông Joe Biden

Bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tại cuộc họp trên đây hôm thứ Tư nói rằng chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden có ba điểm cốt lõi: Thứ nhất, Mỹ sẽ tăng cường đầu tư trong nước để đảm bảo rằng Mỹ có thể tiếp tục dẫn trước Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới công nghệ; Thứ hai, Mỹ sẽ đoàn kết các đồng minh và đối tác của mình để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu và cùng chống lại các hành vi xấu xa của Trung Quốc; Thứ ba, Mỹ sẽ phản kích Trung Quốc khi cần thiết, hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề phù hợp với lợi ích của Mỹ để đảm bảo rằng hai nước không đi tới xung đột.

Bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói về 3 điểm cốt lõi trong chính sách Trung Quốc của ông Joe Biden (Ảnh: AP).

Bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói về 3 điểm cốt lõi trong chính sách Trung Quốc của ông Joe Biden (Ảnh: AP).

Bà Rosenberg nói rằng Mỹ sẽ đảm bảo rằng các kênh liên lạc giữa hai nước luôn thông suốt và sẽ đối thoại với Trung Quốc với mục tiêu giải quyết các vấn đề chứ không phải đối thoại vì mục tiêu đối thoại. Bà cũng nhắc lại rằng hàng loạt chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc quyết không phải nhằm "bao vây kiềm chế" Trung Quốc.

"Chúng ta không có ý định xây dựng một 'liên minh chống Trung Quốc', nhưng, như Tổng thống Biden đã nói, chúng ta muốn chứng minh rằng các nền dân chủ mang lại lợi ích cho nhân loại và khi đoàn kết để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới, chúng ta có thể mang lại cho người Mỹ và tất cả nhân loại một sự giúp đỡ lớn lao".

Vào cuối cuộc họp nói trên, ông Campbell nói thêm, chính quyền Biden cho rằng nhiều yếu tố thách thức của Trung Quốc được chính quyền trước miêu tả trong vài năm qua là chính xác, nhưng các chính sách với Trung Quốc của ông Trump chủ yếu là song phương, không phải đa phương, điều này đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ bị cô lập. Họ không cho rằng làm như thế là phù hợp.

Trước đó, ngày 21/5, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi nói về quan hệ Trung - Mỹ trong một cuộc họp báo thường kỳ, cho rằng hợp tác Trung - Mỹ sẽ thúc đẩy đáng kể phúc lợi của nhân dân hai nước và cũng sẽ có lợi cho việc cùng nhau ứng phó với các thách thức có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm và phục hồi kinh tế sau đại dịch; đối đầu Trung-Mỹ sẽ chỉ mang lại thảm họa cho hai quốc gia và thế giới.

Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Trung Quốc cam kết phát triển mối quan hệ không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi với Mỹ, đồng thời kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển.