Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ngày thứ Sáu (28/5) đệ trình Quốc hội dự toán ngân sách quốc phòng 753 tỉ USD cho năm tài chính 2022, tăng 1,7% so với ngân sách quốc phòng năm tài chính 2021. Dự toán ngân sách năm 2022 có kế hoạch tăng thêm khoản tài trợ cho Pacific Deterrence Initiative (Chương trình Răn đe Thái Bình Dương), chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Dự toán ngân sách sẽ tăng cường đầu tư cho các hoạt động chuẩn bị chiến tranh của quân đội, tăng cường hỗ trợ cho khả năng tác chiến trong không gian và phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân, đồng thời nghiên cứu phát triển thêm vũ khí siêu thanh và các hệ thống vũ khí thông thường thế hệ mới khác để chống lại các mối đe dọa do Nga và Trung Quốc gây ra.
Bản tin của Reuters về sự kiện |
Reuters cho biết, mục tiêu của "Chương trình răn đe Thái Bình Dương" là Trung Quốc, tập trung vào cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong khu vực Mỹ thông qua việc tăng cường tài trợ cho các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa. Vì lý do này, Bộ Quốc phòng sẽ tìm cách loại bỏ một số thiết bị cũ, sửa chữa tốn kém, bao gồm 4 tàu tác chiến ven bờ, một số máy bay cường kích A-10 và một số máy bay tiếp dầu trên không KC-10 và KC-135.
Dự toán ngân sách quốc phòng yêu cầu mua thêm 85 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trong khi chỉ mua 79 chiếc vào năm 2021 và 78 chiếc trong năm 2020, ngoài ra yêu cầu đóng mới thêm 8 tàu chiến. Ngân sách sẽ tiếp tục đầu tư vào lực lượng hạt nhân chiến lược “ba trong một” của Mỹ, nâng cao mức độ hiện đại hóa của lực lượng này và cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng như hiệu quả của các phương tiện phóng như tàu ngầm hạt nhân.
Trong năm tài chính 2022, quân đội Mỹ sẽ mua thêm 85 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 (Ảnh: AP/Deutsche Welle) |
Ngân sách cũng yêu cầu bổ sung 38 tỉ USD cho các chương trình liên quan đến quốc phòng của Cục Điều tra Liên bang FBI, Bộ Năng lượng và các cơ quan khác.
Bàn về động thái này của Mỹ, trang tin Ease Net (163.com) của Trung Quốc nhận xét, để “răn đe” Trung Quốc, Mỹ liên tục có những động thái nhỏ lẻ, thậm chí “hình thành bè phái”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước đó đã tuyên bố rằng mục tiêu của Mỹ và các đồng minh là đảm bảo rằng họ có khả năng và kế hoạch hành động để tạo thành sự răn đe đáng tin cậy đối với Trung Quốc. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc “luôn là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế. Sự phát triển của Trung Quốc là sự lớn mạnh của các lực lượng hòa bình trên thế giới, là cơ hội cho thế giới, chứ không phải là thách thức. Trung Quốc luôn kiên định duy trì hệ thống quốc tế với cốt lõi là Liên hợp quốc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, thay vì trật tự quốc tế do các quốc gia riêng lẻ xác định để duy trì quyền bá chủ của mình”.
Triệu Lập Kiên cho rằng Hoa Kỳ nên điều chỉnh lại tâm thái của mình, đối xử với Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ một cách khách quan và lý trí, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đi cùng hướng với Trung Quốc, tập trung vào hợp tác, quản lý sự khác biệt và thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.