Tại Hội nghị thượng đỉnh của 7 cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6/2018 ở Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đề nghị nên mời Nga quay trở lại diễn đàn này. Ông Donald Trump nói:“Tôi không biết các vị thích hay không thích điều này, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải quản trị thế giới. Chúng ta có G-7 mà trước đây là G-8 vì Nga đã bị chúng ta khai trừ. Giờ đây phải để Nga quay trở lại bởi họ cần ngồi với chúng ta bên bàn đàm phán”. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ của tân Thủ tướng Italia Giuseppe Conte [1].
Nhưng Matxcơva đã từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy đằng sau lời mời này của ông Donald Trump và sự từ chối của Nga ẩn giấu điều gì?
Nhóm G-7 được thành lập vào những năm 1970 bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Canada, Pháp và Nhật Bản. Còn G-20 ra đời trong thập kỷ 1990, bao gồm các nước thành viên G-7 và thêm các nước Australia, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nam Phi và Liên minh châu Âu.
G-7 được mở rộng thành G-8 sau khi Nga gia nhập vào năm 1998. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong năm 2014, các nước thành viên G-7 từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh G-8 tổ chức tại thành phố Sochi của Nga trong năm đó. Các nước G-7 tuyên bố họ sẽ chỉ cùng ngồi với Nga trong G-8 sau khi Matxcơva “trả lại Crimea cho Ukraine”. Với điều kiện này thì Nga sẽ vĩnh viễn không quay trở lại với G-7.
Sự từ chối của Nga trước đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trước lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga quay trở lại G-7, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga V.Putin trả lời rằng hiện tại Matxcơva đang rất hài lòng khi tham gia các diễn đàn quốc tế khác nên nhận thấy không cần thiết phải quay trở lại G-7.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Panorama của Italia, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, giờ đây G-7 đã không còn đủ khả năng đơn độc giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, trong khi Nga đang tham gia Diễn đàn các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi G-20, trong đó có cả G-7, là cơ chế quản lý toàn cầu công bằng trên cơ sở áp dụng nguyên tắc bình đẳng trong việc thảo luận các vấn đề cuaur thế giới. Theo ông Sergei Lavrov, G-20 hướng tới tìm kiếm cân bằng lợi ích chứ không ra lệnh và đưa ra yêu sách.
Tuy nhiên, sự từ chối của Nga còn xuất phát từ một động thái khác. Đó là, mọi quyết định của G-7 phải được thông qua trên cơ sở đồng thuận giữa các nước thành viên. Trong khi đó, lời đề nghị mời Nga quay trở lại G-7 đang chia rẽ các nước thành viên, thậm chí trong nội bộ các nước thành viên. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng tướng Italia Giuseppe Conte có cùng quan điểm mời Nga quay trở lại G-7 thì một số thành viên còn lại của câu lạc bộ này lại phản đối.
Phát biểu trong Chương trình "Giờ chính phủ" tại Quốc hội Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố rằng vào thời điểm này chưa có điều kiện cho phép Nga quay trở lại G-7. Theo bà Merkel, “Nga vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong khi các thành viên còn lại của G-7 luôn luôn tuân thủ các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Việc Nga sáp nhập Crimea là sự vi phạm như vậy”.
Trong khi đó, nghị sỹ Quốc hội Đức, bà Sarah Wagenkneht, kêu gọi chính phủ Đức đề cho Nga tái gia nhập G-7 để “làm đối trọng với Mỹ”. Theo bà Sarah Wagenkneht, Washington đang theo đuổi chính sách đi ngược lại lợi ích và mong muốn của các thành viên còn lại của G-7. Có cùng quan điểm với bà Wagenknecht, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Đức, ông Christian Lindner, cũng kêu gọi các nước G-7 đồng ý cho Nga tham gia trở lại diễn đàn này, hoặc tổ chức hội Hội thượng đỉnh dưới hình thức G7+ 1 (Nga).
Nhận định của các chuyên gia
Nhận định về lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga quay trở lại G-7, giáo sư Andrei Manoilo, tiến sỹ khoa học chính trị thuộc Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên M.Lomonosov cho biết: “Tôi thật sự không tin lời ông Donald Trump, bằng chứng là hôm nay ông ấy nói sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, ngày mai tuyên bố hủy cuộc gặp, ngày kia lại tuyên bố sẵn sàng gặp. Quả thật, tôi rất muốn nhưng thật đáng tiếc là khó tin lời ông ấy nói”.
Tiến sỹ khoa học lịch sử Yuri Rogulev, Giám đốc Quỹ mang tên Roozevelt thuộc Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên M.Lomonosov chia sẻ quan điểm:“Tôi nghĩ Nga không chấp nhận lời mời này sau khi bị khai trừ. Hiện nay Nga nhận thấy tham gia G-20 sẽ có lợi hơn nhiều bởi ở đó có nhiều thành viên tham gia hơn, có tính đại diện nhiều hơn đối với thế giới và công bằng hơn. Đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất phát từ toan tính rằng diễn đàn G-8 có Nga tham gia thì ông ta có nhiều cơ hội hơn đề gặp Tổng thống Nga V.Putin trong bối cảnh mọi cuộc tiếp xúc của ông với nhà lãnh đạo Nga đều đang bị phong tỏa”.
Mikhail Sinhelnikov-Orishak, chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhận định:“Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump mời Nga trở lại G-7 chẳng khác gì lời nói gió bay bởi ông ấy thay đổi quan điểm như chong chóng. Hơn nữa, Donald Trump quên rằng Quốc hội Mỹ đã tước đoạt quyền hành pháp của ông trong mọi tuyên bố về Nga khi chính ông đã buộc phải ký phê duyệt Đạo luật HR-3364, trong đó xác định như đinh đóng cột rằng Nga là “quốc gia xâm lược”. Vậy thì vì sao Donald Trump lại đưa ra tuyên bố như vậy? Trên thực tế, với tuyên bố này, ông Donald Trump muốn răn đe nước chủ nhà đăng cai Hội nghị G-7 năm nay và cả các thành viên còn lại của G-7 ở châu Âu rằng Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại bất chấp sự phản đối của họ”.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc diễn đàn “Nước Nga trong nền chính trị thế giới”, tập thể phương Tây đang bị chia rẽ và Mỹ muốn dùng Nga như một yếu tố để cân bằng mối quan hệ này. Ngoài ra, tuyên bố của ông Donald Trump tại G-7 còn nhằm chia rẽ quan hệ giữa Nga với Trung Quốc bởi Trung Quốc hiện nay chưa phải là thành viên G-7. Đối thủ kinh tế số 1 của Donald Trump lúc này là Trung Quốc chứ không phải là Nga” [3,4].
G-7 vẫn là “câu lạc bộ” chống Nga
Tại diễn đàn năm nay, theo đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May, các nước G-7 đạt được thỏa thuận thành lập cái gọi là “Nhóm phản ứng nhanh” nhằm đối phó với nhiều thách thức, từ “tấn công mạng” tới “tấn công bằng vũ khí hóa học” (ám chỉ từ Nga).
Bà May cũng thể hiện sự “dị ứng” với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga trở lại với G-7 và nói: “Nâng cao sự hiểu biết của các đối tác trong G-7 về “giới hạn đỏ” mà sau đó phải đưa ra biện pháp đáp trả. Chúng ta phải được tổ chức tốt hơn và cùng hành động để chống lại những kẻ phá rối (ám chỉ Nga) hệ thống quan hệ quốc tế đã đươc thiết lập. Vì vậy, chúng ta hiểu vì sao G-8 phải trở thành G-7. Đó là bởi Nga sáp nhập phi pháp Crimea. Chúng ta nhìn thấy hoạt động gây rối của Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có vụ Sergei Skripal. Vậy nên, nếu Nga muốn trở lại với G-7, Matxcơva sẽ phải thay đổi quan điểm” [5]./.
Tài liệu tham khảo:
[1]Трамп высказался за возвращение России в G8. http://newsland.com/user/4296648002/content/tramp-vyskazalsia-za-vozvrashchenie-rossii-v-g8/6367097?utm_source=sendpulse&utm_medium=push&utm_campaign=6192841
[2] США и Италия заявили о желании вернуть Россию в G8. https://politpuzzle.ru/104675-ssha-i-italiya-zayavili-o-zhelanii-vernut-rossiyu-v-g8/?utm_medium=onesignal&utm_source=push&utm_campaign=send
[3] Россия отказалась вернуться в G8. http://ua1.com.ua/rus/world/rossiya-otkazalas-vernutsya-v-g8-43633.html
[4]Почему Трамп потребовал вернуть Путина в G8 – мнения. https://www.pravda.ru/news/politics/08-06-2018/1385983-g8trump-0/?from=email_subscribe
[5]В G7 решили создать «группу быстрого реагирования» на действия России. http://e-news.su/politics/229867-v-g7-reshili-sozdat-gruppu-bystrogo-reagirovaniya-na-deystviya-rossii.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu