Do đâu Donald Trump “xoay 180 độ” về thượng đỉnh Mỹ-Triều?

VietTimes -- Liệu tính chất “nóng giận dữ dội và thù địch” của phía Triều Tiên nghiêm trọng tới mức khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải hủy cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Và tại sao sau đó, ông chủ Nhà Trắng lại bất ngờ tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể vẫn diễn ra như kế hoạch?
Cả thế giới đang chờ đợi xem liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều liệu có diễn ra hay không cũng như những gì sẽ diễn ra
Cả thế giới đang chờ đợi xem liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều liệu có diễn ra hay không cũng như những gì sẽ diễn ra

Ngày 24/5/2018, trong một bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo ông quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ diễn ra ở Singapore ngày 12/6/2018. Chỉ 1 ngày sau, 25/5, ông lại thay đổi quyết định và cho biết cuộc gặp này có thể vẫn diễn ra theo kế hoạch [1,2]. Một câu hỏi khiến giới phân tích “mất ăn mất ngủ” do phải trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông là: sự thay đổi quan điểm tới chóng mặt này của chủ nhân Nhà Trắng là do đâu?

Lý do chính thức ông Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Sau cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Mỹ ngày 23/5/208 để đối thoại với người đồng cấp ước chủ nhà về các vấn đề chiến lược liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố yêu cầu Triều Tiên phải đơn phương phi hạt nhân hóa, còn kết quả ra sao sẽ được biết rõ trong cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thế nhưng ngay sau đó 1 ngày, ông Trump viết thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thông báo hủy cuộc gặp này.

Lý do khiến Tổng thống Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được ông nêu trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un:“Tôi kỳ vọng gặp ông. Đáng tiếc, từ những tuyên bố gần đây của các ông thể hiện sự nóng giận dữ dội và thù địch, tôi nhận thấy lúc này không phải là thời điểm thích hợp để có thực thi cuộc gặp theo kế hoạch” [1].

Liệu tính chất “nóng giận dữ dội và thù địch” của phía Triều Tiên nghiêm trọng tới mức khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải hủy cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un?

Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết trong cuộc gặp sắp tới ở Singapore, Washington sẽ không nhượng và nếu ông Kim Jong-un không chấp nhận phi hạt nhân hóa theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược thì Triều Tiên sẽ phải chịu “kịch bản Libya”. Ngày 17/5/2018, trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng thư ký NATO đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh:“Kịch bản Libya có thể được áp dụng ở Triều Tiên nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Kim Jong-un”. Cũng trong ngày hôm đó, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ John Bolton cũng tuyên bố rất có thể “kịch bản Libya” sẽ được thực hiện ở Triều Tiên. Sẽ là bất thường và chuyện lạ nếu Triều Tiên không nổi giận trước những tuyên bố mang tính chất tối hậu thư này của các quan chức cấp cao nhất của Mỹ [3,4].

Từ trước tới nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn tuyên bố khẳng định quan điểm sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân chừng nào Bình Nhưỡng không nhận được sự đảm bảo có tính pháp lý là Mỹ và Triều Tiên phải ký Hiệp định hòa bình, chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kéo dài đã hơn nửa thế kỷ qua và Mỹ cam kết bằng văn bản tôn trọng thể chế chính trị ở Bình Nhưỡng.

Thế nhưng bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ lại đang tô vẽ hình ảnh Tổng thống Donald Trump là người đang thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Liệu chính giới ở Washington và cá nhân ông Donald Trump có hiểu được rằng họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích theo cách thức “chiếc gậy và củ cà rốt” quen thuộc, hơn nữa “chiếc gậy” thì quá khổng lồ còn “củ cà rốt” lại bé tí teo, thậm chí là Mỹ “chỉ dơ gậy lên mà không kèm theo củ cà rốt”? Hơn nữa, Triều Tiên thà không có “củ cà rốt” nhưng họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân một khi không nhận được sự bảo đảm về mặt pháp lý cho nền an ninh và chính trị của họ.  

Vì thế mà trước những lời đe dọa mang tính chất tối hậu thư từ phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui buộc phải tuyên bố:“Là một người được giao nhiệm vụ chuyên nghiên cứu quan hệ với Hoa Kỳ, tôi không thể không ngạc nhiên trước những lời nói ngu xuẩn và ngớ ngẩn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Chúng tôi sẽ không bao giờ cầu xin Mỹ để đối thoại và cũng sẽ không bận tâm tới chuyện tìm cách thuyết phục họ, một khi họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi. Nếu Mỹ bỏ qua thiện chí của Triều Tiên và tiếp tục hành động bất hợp pháp và thái quá, tôi sẽ đề nghị lãnh đạo cấp cao của chúng tôi xem xét lại quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Việc Hoa Kỳ chấp nhận gặp chúng tôi tại bàn đàm phán hay thách đấu trong cuộc chiến hạt nhân là hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và hành động của Washington" [5]

Nhìn bề ngoài, những ngôn từ mạnh mẽ và sắc lạnh này của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui có thể là tiền đề dẫn tới quyết định của ông Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với kênh NBC News rằng Tổng thống Donald Trump sợ phía Triều Tiên đoán được ý định của mình nên ông phải ra tuyên bố trước là hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để tránh bị hớ trước thế giới[1].

Trên thực tế, nguyên nhân thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chính là mối lo ngại rằng cuộc gặp này sẽ không đem lại cơ hội để ông có thể tuyên bố với các cử tri Mỹ và toàn thế giới rằng mình là “người chiến thắng”, là “tổng thống vĩ đại nhất” đã làm được điều mà tất cả các đời tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua không làm được!.

Ông Trump theo đuổi mục đích gì trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Trước hết, cần nhận thấy rằng trong thời gian qua, từ Tổng thống Donald Trump đến Phó Tổng thống Mike Pence, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ John Bolton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều không ngớt lời tô vẽ trước toàn thế giới rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một “nhân vật nguy hiểm”, “hung hăng”, “bất trị”, thậm chí Quốc hội Mỹ còn thông qua Đạo luật HR-3364, trong đó xác định Triều Tiên là “quốc gia xâm lược”. Vì thế “sứ mênh cao cả” của Tổng thống Donald Trump là đang nỗ lực giá hóa giải “hiểm họa” này từ Bình Nhưỡng, kể cả phải dùng đến sức mạnh quân sự. Thậm chí, các quan chức Mỹ cho rằng, với những nỗ lực này, ông Donald Trump rất xứng đáng được trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2018!

Trong khi đó, Bình Nhưỡng luôn chứng tỏ họ không run sự trước bất kỳ mối đe dọa nào bởi đối với Triều Tiên chủ quyền quốc gia là giá trị cao nhất và thiêng liêng nhất, còn vũ khí hạt nhân là lá chắn tin cậy để giữ vững chủ quyền và vì thế họ sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Ngoài ra, Bình Nhưỡng tin chắc rằng, trong khi đề xuất “kịch bản Libya” ở Triều Tiên, những nhận vật “diều hâu” nhất ở Washington biết rất rõ ngay cả khi Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thì kịch bản này cũng không thể xẩy ra được bởi lẽ tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm của hàng ngàn khẩu pháo tầm xa của Triều Tiên. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là Muammar Gaddafi, bởi ông có cả ý chí chính trị lẫn tư duy độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào, dù đó là Trung Quốc hay là Nga. Vậy nên, đe dọa áp dụng “kịch bản Libya” ở Triều Tiên chẳng khác gì “quả đấm vào đệm bông”, chẳng thể nào đe dọa và làm lung lay ý chí của Bình Nhưỡng.    

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cần một chiến thắng trên “mặt trận” Triều Tiên. Đề có thể tuyên bố mình là “người  chiến thắng”, ông phải tin chắc rằng tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải đưa ra cam kết “phi hạt nhân hóa”, dù chưa phải là ngay và luôn, có thể là 5 năm hay 10 năm sau nữa. Đổi lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chỉ cần hứa hẹn sẽ ký kết hiệp ước hòa bình, giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc và cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào nền kinh tế Triều Tiên. Việc còn lại là của bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ và phương Tây sẽ đồng loạt ca ngợi “công lao vĩ đại” của Tổng thống Donald Trump là người đã thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy bỏ vũ khí hạt nhân!

Quan sát động thái của Triều Tiên có thể thấy sẽ không có gì tương tự diễn ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12/6/2018. Vậy thì do đâu ông Donald Trump vẫn còn hy vọng khi chấp nhận thay đổi quyết định và vẫn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un? Câu trả lời xuất phát từ nhiều yếu tố.

Một là, ông Donald Trump cũng như bộ tham mưu của ông thiếu hiểu biết về Triều Tiên. Việc họ định áp dụng “kịch bản Libya” ở Triều Tiên đã chứng tỏ điều đó. Libya và Triều Tiên khác nhau căn bản, trước hết ở hai điểm then chốt. Thứ nhất, trong khi vũ khí hạt nhân của Libya đang ở trong giai đoạn mày mò nghiên cứu, thì Triều Tiên đã hoàn tất công nghệ chế tạo, thử nghiệm và đưa vào trang bị tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có thể phóng tới các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Thứ hai, trong khi xã hội Libya bao gồm nhiều sắc tộc, phe phái mâu thuẫn và xung đột, sẵn sàng nổi loạn để tranh giành quyền lực, thì xã hội Triều Tiên là một khối cố kết thống nhất, vững mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim Jong-un đứng đầu. Với hai đặc điểm này, kịch bản nổi loạn để lật đổ chính thể ở Triều Tiên sẽ không bao giờ xẩy ra. Còn nếu Mỹ muốn phát động chiến tranh ở Triều Tiên thì đó sẽ là hành động tự sát, bởi Trung Quốc và Nga sẽ không bao giờ để cho “đám cháy hạt nhân” bùng phát ngay cạnh nhà mình. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova từng tuyên bố,“kịch bản Libya” của Mỹ không chỉ dành cho Triều Tiên mà còn là dành cho các nước trong khu vực (dĩ nhiên, trong đó có Nga và Trung Quốc”. Tuy nhiên, do tính cách khác người, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tin rằng có thể gây sức ép đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này thoạt nghe có vẻ kỳ lạ nhưng với một người có như ông Donald Trump thì không thể loại trừ.  

Hai là, khía cạnh nội bộ Mỹ rất quan trọng đối với ông Donald Trump. Chơi “con bài Triều Tiên”, Tổng thống Donald Trump muốn chứng tỏ trước các cử tri Mỹ rằng ông là một vị tổng thống quyết đoán, mạnh mẽ, sẵn sàng đối thoại. Ông Donald Trump còn muốn chứng tỏ là một người có bản lĩnh, là “một thiên tài ổn định” mà nhờ đó ông chiến thắng ứng cử viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 chứ không phải do Nga can thiệp để giúp ông thắng cử [5].

Ba là, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump sử dụng “con bài Triều Tiên” để gây sức ép đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, “ván cờ Triều Tiên đã tới nước chót”, đã đến lúc ông cần phải kết thúc.  Tất nhiên, phải kết thúc sao cho đẹp và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore là cơ hội để làm điều đó. Tuy nhiên, nước cờ này ẩn chứa rủi ro quá lớn. Nếu không nhận được bất cứ sự nhượng bộ nào từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì ông Donald Trump không chỉ phải rời khỏi bàn đàm phán ngay lập tức như ông tuyên bố, mà sẽ bị mất uy tín quá lớn mà một người luôn tự cho mình là một “tổng thống Mỹ vĩ đại” sẽ không thể chịu đựng nổi. Nhưng Donald Trump là một doanh nhân rất thành đạt và hiện ông đang đưa triết lý kinh doanh vào lĩnh vực chính trị. Mà một trong những triết lý kinh doanh then chốt là muốn thắng to thì phải dám chịu rủi ro lớn!

Vì thế mà đến “phút 89”, ông Donald Trump quyết định quay trở lại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trong thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bày tỏ hy vọng “sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu ông ấy đổi ý về việc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.  

Lúc này, Tổng thống Donald Trump vẫn hy vọng Bình Nhưỡng sẽ có một sự nhượng bộ nào đó khi ông được chứng kiển thái độ của Bình Nhưỡng không hề "nổi giận khủng khiếp hơn nữa" sau khi nhận được thư hủy cuộc gặp trong lời tuyên vố của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Kim Kye Gwan: “Chúng tôi tuyên bố lại với Hoa Kỳ rằng chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với họ bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào để giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẵn sàng dành thời gian và cơ hội cho Hoa Kỳ".

Như vậy là, Triều Tiên đã không bỏ lỡ “cơ hội lịch sử” như Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ sự luyến tiếc trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vậy thì vì cớ gì mà ông Donald Trump lại không tận dụng cơ hội này để chứng tỏ mình là một “tổng thống vĩ đại hàng đầu” trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Abraham Lincoln?

Tài liệu tham khảo:

[1]Trump Pulls Out of North Korea Summit Meeting With Kim Jong-un

[2]Trump suggests June 12 meeting with North Korea may be back on.https://abcnews.go.com/Politics/trump-suggests-june-12-meeting-north-korea-back/story?id=55435072

[3] North Korea slams Pence’s ‘stupid’ remarks, renews threat to quit summit. https://www.timesofisrael.com/north-korea-slams-pences-stupid-remarks-renews-threat-to-quit-summit/

[4]Донни отменил встречу с Кимом. Наготове ливийский сценарий? http://newsland.com/community/politic/content/donni-otmenil-vstrechu-s-kimom-nagotove-liviiskii-stsenarii/6351487

[5] Почему Трамп испугался встречаться с Ким Чен Ыномhttps://vz.ru/politics/2018/5/25/924399.html