Ông Kim Jong Un muốn đi theo con đường của Việt Nam

Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện bài bình luận, trong đó một trong những nhà đàm phán cho biết rằng, trong cuộc nói chuyện với Moon Jae In, nhà lãnh Bắc Triều Tiên mấy lần nhắc đến Việt Nam và nói rằng, theo ông, Triều Tiên có thể đi theo con đường phát triển của Việt Nam.
Ông Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc gặp lịch sử ở Bàn Môn Điếm
Ông Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc gặp lịch sử ở Bàn Môn Điếm

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của lãnh đạo hai miền Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm khi họ cùng tuyên bố khởi đầu kỷ nguyên hòa bình mới trên bán đảo Triều Tiên đã tái đánh thức lại niềm hy vọng vào việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Hai ông Kim Jong Un và Moon Jae In hứa sẽ làm việc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, để cắt giảm kho vũ khí và làm giảm căng thẳng trong khu vực, để đoàn tụ các gia đình ly tán bởi chiến tranh, để xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt nối hai miền Triều Tiên, để đảm bảo sự tham gia chung của vận động viên cả hai nước tại các cuộc thi đấu quốc tế. Theo kế hoạch, ngay trong năm nay, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ ký kết hiệp ước hòa bình. Tất cả điều này là những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu quan trọng nhất: thống nhất hai miền Triều Tiên.

Tất cả những người dù có chút hiểu biết về vấn đề này đều nhận thức được rằng, đây là một quá trình lâu dài, đau đớn, với những khó khăn và trở ngại lớn. Hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt quá lâu, sự chênh lệch về phát triển kinh tế, về hệ tư tưởng và mức sống là quá lớn. Nhưng, ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hiểu được nhu cầu cải cách thị trường và bắt đầu thực hiện hoạt động này. Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện bài bình luận, trong đó một trong những nhà đàm phán cho biết rằng, trong cuộc nói chuyện với Moon Jae In, nhà lãnh đạo Triều Tiên mấy lần nhắc đến Việt Nam và nói rằng, theo ông, Triều Tiên có thể đi theo con đường phát triển của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới kinh tế từ năm 1986 bằng cách áp dụng mô hình kinh tế thị trường mở và thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn duy trì bản sắc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, Việt Nam còn được cho là tự do hơn Trung Quốc và duy trì mối quan hệ thân thiện với Mỹ. Hà Nội thực hiện chính sách ngoại giao đa chiều rất khéo léo.

Lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng Triều Tiên sẽ đạt được những tiến bộ nhanh chóng về kinh tế và coi hình mẫu như của Việt Nam là "vô cùng hợp lý". Theo nguồn tin này, ông Kim Jong-un tin rằng cải thiện quan hệ với Mỹ có tính chất quyết định đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, lãnh đạo Triều Tiên sẽ có thể bàn về mô hình mở cửa của Việt Nam trong cuộc đối thoại với tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong hai thập kỷ qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng, và đang là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Việt Nam có những kết quả nổi bật từ hội nhập kinh tế quốc tế, và có uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế. Trong khi đó, Đảng Cộng sản giữ vai trò chỉ đạo các quá trình này, và nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý nền kinh tế.

Chuyên gia hàng đầu về kinh tế Việt Nam, Giáo sư Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga nhận định:

"Theo tôi, có thể rút ra một số bài học từ những kinh nghiệm của Việt Nam, giáo sư Mazyrin nói, Hai miền có thể được thống nhất nếu có sự hiểu biết sâu sắc, lòng quyết tâm và ý chí chính trị. Không nên chờ đợi những thay đổi căn bản ở một quốc gia, không nên chờ đợi thời điểm  khi  một quốc gia chinh phục quốc gia khác. Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu nói về chính trị, thì ở giai đoạn đầu tiên những kinh nghiệm của Trung Quốc với Hồng Kông và Macao là hữu ích cho Triều Tiên: một quốc gia, hai chế độ.

Về mặt kinh tế, các thành phần quan trọng nhất trong sự thành công của Việt Nam là sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và việc hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện này, sức mạnh của quốc gia thống nhất sẽ tăng cường gấp bội, và đây là động lực chính của sự thống nhất. Nhưng cần lưu ý rằng, Việt Nam đã có thể thực hiện những cải cách thị trường bởi vì không ai gây sức ép và không ai can thiệp vào công việc của nội bộ của nước này. Và hai miền Triều Tiên cũng có thể đạt tới sự thống nhất nếu không ai gây cản trở, nếu họ không lắng nghe những nhà lãnh đạo bên kia bờ đại dương không thể nào đoán trước được hành động. Phần lớn sự thành công phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Triều Tiên chấp nhận hệ thống kinh tế của Hàn Quốc, cũng như vào cách giải quyết vấn đề ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau".

Hai nước đã thực hiện những bước đầu tiên trên con đường thống nhất hai miền Triều Tiên. Thời gian sẽ trả lời câu hỏi con đường này sẽ dẫn đến đâu.

Theo SP