Đình chỉ công tác Phó giám đốc phụ trách BQL Thủy điện sông Bung 2

VietTimes – Ngày 15/9, Tổng công ty phát điện 2 đã đình chỉ công tác đối với ông Vương Thành Chung – Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án thủy điện sông Bung 2 và 2 cán bộ liên quan khác.
Đập thủy điện sông Bung 2 bị vỡ do ảnh hưởng mưa bão! - (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Đập thủy điện sông Bung 2 bị vỡ do ảnh hưởng mưa bão! - (Ảnh: Hồ Xuân Mai)

Được biết, quyết định này dựa trên chỉ đạo của ông Dương Quang Thành – Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Thành cũng chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư tiếp tục tìm mọi biện pháp để tìm kiếm 2 công nhân mất tích, phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng; chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các bên liên quan khẩn trương khắc phục sự cố.

Hiện tại, nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện sông Bung 2 là do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9-13/9, khiến lũ về hồ chứa với lưu lượng lớn vào khoảng 560m3/s, chảy mạnh làm bục cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra chỉ sau khi nghiệm thu 19 ngày, như vậy - theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay - rất có thể là do chất lượng công trình. Ngoài ra, lúc xảy ra sự cố, mực nước trong hồ chứa vẫn còn thấp hơn mức bình thường 33 mét.

Trong khi đó, Thủy điện Sông Bung 2 là thủy điện được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và có tổng mức đầu tư lên tới 3.600 tỷ đồng, sau này được nâng lên thành 5.200 tỷ đồng đồng thời kéo dài thời hạn thêm 1 năm.

Một điểm khác cần lưu ý, đó là việc van hầm dẫn nước của Thủy điện sông Bung 2 bị đóng bất thường. Trong quá trình thi công công trình thủy điện, chủ đầu tư bao giờ cũng phải xây dựng hầm dẫn dòng nhằm đưa nước tránh khu vực xây dựng đập để triển khai thi công. Trước mỗi hầm dẫn dòng bao giờ cũng có cửa van. Khi dự án thủy điện sắp vận hành và tích nước, chủ đầu tư sẽ phải hoành triệt đường hầm này.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc hoành triệt chỉ được tiến hành trong mùa khô. Còn trong mùa lũ, cửa van của hầm dẫn dòng phải luôn mở để cho nước lũ chảy qua. Nhưng trong sự cố vừa qua, do cửa van đóng, nước lũ tạo ra sức ép làm vỡ cửa van gây ra sự cố.

DO sự cố này, ông Thành cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện nằm trên hệ thống bậc thang sông Vu Gia - Thu Bồn khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của các công trình thủy điện, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.

Về giải pháp thi công sau mưa lũ, ông Dương Quang Thành yêu cầu chủ đầu tư sau khi lưu lượng nước tự nhiên giảm phải tổ chức kiểm tra ngay hiện trường, hồ sơ thiết kế, đánh giá nguyên nhân cụ thể của sự cố để đề xuất các giải pháp kỹ thuật xử lý, thẩm định phê duyệt.

Đặc biệt sau khi kết thúc mùa mưa lũ 2016, các đơn vị phải tổ chức triển khai thi công để đóng cửa van số 2 mới.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký trong báo cáo số 1643/BC-EVN ngày 25-4-2016 cho rằng: Ban quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực; năng lực quản lý dự án của Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô lớn như Sông Bung 2.