Diễn biến mới nhất vụ án bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ: Bắt tạm giam bị can Nguyễn Trọng Trình

VietTimes -- Trao đổi với VietTimes vào chiều nay (19/3), một lãnh đạo Viện KSND TP Hà Nội khẳng định, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ để trực tiếp điều tra, đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Trọng Trình trong tối 18/3.

Hình ảnh Nguyễn Trọng Trình chở cháu bé đến vườn chuối để xâm hại. Ảnh: Công an cung cấp
Hình ảnh Nguyễn Trọng Trình chở cháu bé đến vườn chuối để xâm hại. Ảnh: Công an cung cấp

Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ. 

Có thể thay đổi tội danh sang tội "Hiếp dâm với người dưới 16 tuổi"

Trước đó, ngày 18/3, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã gửi công văn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khẩn trương xác minh thông tin bị can đã được tại ngoại để báo cáo UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ nạn nhân và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật đối với vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em. Cục Trẻ em không đồng tình với quyết định cho kẻ xâm hại trẻ em được tại ngoại.

Cũng trong ngày 18/3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có văn bản gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, vì nhận thấy nhận thấy đây là một vụ án nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng thân thể của nạn nhân.  

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, các chứng cứ cho thấy nạn nhân đã bị hành hạ dã man. Việc cháu Q. bị gãy răng hàm dưới, rạn xương tay phải, rách màng trinh ở múi giờ 17 - 19 chứng tỏ có sự vật lộn dùng bạo lực và trước đó có sự đe dọa dùng bạo lực mạnh. Nếu kết quả giám định có cơ sở xác định đối tượng thực hiện hành vi giao cấu thì sẽ thay đổi tội danh "Dâm ô với người dưới 16 tuổi" sang tội "Hiếp dâm với người dưới 16 tuổi". 

Khi có kết quả giám định thương tật, nếu đủ điều kiện có thể khởi tố thêm tội “Cố ý gây thương tích” tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đề nghị xem xét trách nhiệm của Công an huyện Chương Mỹ

Ngoài ra, cũng theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, việc thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại) đối với bị can Trình với lý do phạm tội “ít nghiêm trọng” là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, bị can Nguyễn Trọng Trình đã có một tiền án về tội “trộm cắp tài sản” vào năm 2013 chưa được xóa án tích. Đây là điều kiện không thể áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Do đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội xem xét trách nhiệm của Cơ quan điều tra Công an huyện Chương Mỹ và ông Tống Quang Hiếu - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ.

Trước đó, trong buổi làm việc với VietTimes và các cơ quan báo chí cùng các luật sư bảo vệ miễn phí cho cháu Q. vào chiều 18/3, gia đình cháu Q. cho biết đã cùng Công an huyện Chương Mỹ đưa cháu Q. đi giám định thương tật tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an sáng cùng ngày.

Gia đình cháu Q. cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng bắt tạm giam, điều tra bị can Nguyễn Trọng Trình để bị can này không tiếp tục tại ngoại gây nguy hiểm cho xã hội. 

Như VietTimes đã đưa tin, trưa 24/2, chị Nguyễn Thị H. (37 tuổi, mẹ cháu Q.) đi đón con đã phát hiện trên mặt và quần áo của con dính nhiều vết máu và cháu liên tục gào khóc.

Qua kiểm tra, chị H. thấy trên cổ con gái 9 tuổi có vết hằn hình bàn tay, tay phải bị đau, gãy răng hàm dưới và chảy máu ở bộ phận sinh dục. Nghi con gái bị xâm hại tình dục, chị H. đã trình báo vụ việc đến cơ quan công an.

Cơ quan công an huyện Chương Mỹ cho biết đối tượng gây án được xác định là Nguyễn Trọng Trình, nên Trình đã bị Công an huyện Chương Mỹ tiến hành tạm giữ và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, làm rõ hành vi “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, đến ngày 6/3, Công an huyện Chương Mỹ cho bị can Trình được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Việc Trình được tại ngoại đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Bởi theo cơ quan điều tra, Trình đã có tiền án về tội cướp giật tài sản ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) vào năm 2007. Đến tháng 4/2013, Trình được ra tù và trở về địa phương sinh sống và đang là đối tượng trong diện quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng địa phương.