UBND TP vừa chỉ đạo các quận/huyện, phường/xã triển khai ngay kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trái phép. Thế nhưng tình trạng này vẫn chưa chuyển biến nhiều.
“Chính quyền cũng có đi dẹp nhưng hên xui lắm”
Được mệnh danh là “phố ốc” ở quận 4, đường Vĩnh Khánh là một con đường tràn lan các quán ốc, quán nhậu lớn, mặc dù các cơ quan chính quyền nằm chẳng xa khu vực này. Ghi nhận lúc 16 giờ ngày 25-3, quán Ốc Nhung đã kín khách, bàn ghế được kê sát ra hết vỉa hè, xe máy được dựng ngay một con hẻm kế bên. Trong khi đó các quán khác chỉ mới bày biện bàn ghế ra 2/3 vỉa hè và chưa có khách ghé ăn nhậu.
Chỉ vài tiếng sau đó, đến khoảng 20 giờ, các quán ốc, quán nhậu trên đường Vĩnh Khánh đã đông khách, một số quán không dám bày bàn ghế ra sát vỉa hè nhưng đa phần đều chiếm dụng hết vỉa hè để kinh doanh. Hoành tráng nhất ở khu vực này có lẽ là quán Ốc Oanh với nhiều gian nằm gần nhau. Ở đây, các nhân viên tràn ra lòng đường để chèo kéo khách; đặc biệt các quán còn đầu tư cả một bãi giữ xe chiếm hết vỉa hè. Ngoài ra, ở khu vực này còn phải kể đến một số quán lớn không kém như quán nhậu Chilli, Ốc Phát, lẩu nướng hải sản Trâu Tri Tôn, hải sản tươi sống Sáu Nở, quán Khói,... Quán Trâu Tri Tôn còn rửa chén dĩa ngay mép vỉa hè, đổ thực phẩm thừa vào cống nhưng tràn ra cả lòng đường, gây mất vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hải, người sống gần khu vực này, cho biết: “Các quán nhậu ở đây có từ rất lâu rồi, hoạt động nhốn nháo mỗi đêm, thỉnh thoảng cũng thấy cơ quan chức năng đi dẹp nhưng không thấy hiệu quả. Lúc mới bày quán thì họ không dám bày ra hết vỉa hè, sợ bị phạt nhưng càng về khuya thì họ càng mạnh dạn hơn, xe cộ, bàn ghế chiếm hết cả vỉa hè. Mỗi lần có khách tới, xe cộ còn nhốn nháo ra cả lòng đường, lúc đó có ai đi canh chừng họ nữa đâu”.
Còn rầm rộ hơn “phố ốc” Vĩnh Khánh, phố Tây ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 hoạt động gần như cả đêm. Lúc chiều, phố Tây chỉ có vài quán cà phê, bar hoạt động, chưa chiếm hết vỉa hè. Nhưng chỉ đến 19 giờ, các quán nhậu bày biện bàn ghế ra chiếm hết vỉa hè, các quán kế nhau thì chia ranh giới bằng một chiếc xe máy đậu dưới lòng đường, nhân viên ngồi trên xe hoặc đứng dưới lòng đường lôi kéo, mời mọc khách.
Ngay từ chiều, quán cà phê Go Go Go nằm ngay góc đường Bùi Viện với Đề Thám đã bày bàn ghế chễm chệ trên vỉa hè, đến tối thì quán đông khách hơn, chiếm trọn vỉa hè. Ở đây, lòng đường dành cho cả người đi bộ và xe máy. Sầm uất hơn ở khu vực này là các quán bia vỉa hè, khách Tây, khách ta ngồi lẫn lộn như Bia Sài Gòn 79, Bia Sài Gòn 96, Bia tươi 33, Beer & Coffee 87 Bùi Viện, Coffee & Beer 89 hay làng nướng Nhỏ Bà Sáu,...
Anh Nguyễn Minh Tuấn (chạy xe ôm trên đường Đề Thám) cho biết: “Ở đây chính quyền cũng có đi dẹp nhưng hên xui lắm, nên các quán nhậu cứ mở đại như thế, nghe có chính quyền thì dời vào trong một chút. Như tôi, mỗi lần họ đến đều yêu cầu tôi dời xe ôm vào trong chứ không cho đậu trên vỉa hè, còn mấy người bán hàng rong thì nghe có trật tự đô thị là họ chạy trước mất rồi”.
Nói đến tình trạng “phố nhậu” lấn chiếm vỉa hè không thể không nhắc đến tuyến bờ kè Hoàng Sa và Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau 19 giờ ngày 25-3, trên hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, các quán ăn vẫn chiếm dụng lòng, lề đường để buôn bán; xe cộ, bàn ghế được đưa ra sát với lòng đường, nhân viên đứng giữa đường chèo kéo người đi đường khiến giao thông rất khó khăn. Tại đây có hai quán rất đông khách là La Cà và Ốc Cường. Tiếp tân của quán La Cà không ngại mặc áo dài cách tân, mang giày cao gót đứng dưới đường Hoàng Sa chào đón khách; bên đường Trường Sa, quán 68, nhân viên đưa hẳn ghế ra giữa đường ngồi vẫy tay mời khách.
Các quán nhậu bày bàn ghế chiếm hết vỉa hè trên phố Tây Bùi Viện khiến người đi bộ phải đi giữa lòng đường. Ảnh: LÊ THOA
Bác Tịnh Vân (một người dân sống gần khu vực bờ kè Hoàng Sa) bất bình: “Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là sai luật, có những người lớn tuổi đang đi bộ mà bị nhân viên của quán đuổi sang bên công viên đi trong khi đường đông nghẹt xe. Nhiều lúc khách ở các quán nhậu có rượu vào lời ra, mâu thuẫn mà xô đẩy nhau ngay đường đông xe như vậy rất nguy hiểm”.
Tại đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, các quán ăn cũng chiếm lề đường gần như toàn bộ, điển hình như Ý Phương, Chè Thái, Lẩu và ốc CuBin, những quán ăn này khá nổi tiếng và đông khách nhưng bị người dân phản ánh không chỉ lấn chiếm đường mà còn gây mất trật tự an ninh, lực lượng trật tự đô thị đã nhiều lần kiểm tra nhưng vẫn tái phạm nhiều lần.
Hết ca trực lại bát nháo
Trước tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè ở “phố ốc” Vĩnh Khánh, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND phường 8, quận 4, cho biết phường vẫn giữ vững tình hình an ninh trật tự, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường qua khỏi vạch phân cách, để dành lại lối đi bộ. “Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là người dân canh mình. Thẩm quyền xử lý chính là đội quản lý trật tự đô thị của quận kết hợp UBND phường. Thời gian qua ba phường 8, 9, 10 dọc tuyến Vĩnh Khánh phối hợp với đội trật tự đô thị quận để làm nhưng khi lực lượng ra giải quyết thì rất tươm tất, còn khi lực lượng vừa rút thì họ lại bày ra” - ông Phong nói.
Theo chủ tịch UBND phường 8, quận 4, để thực hiện chấn chỉnh quyết liệt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường thì TP nên thực hiện thí điểm ở một tuyến đường của một quận, sau đó sẽ nhân rộng ra thêm nhiều con đường, nhân rộng ra cả quận và nhiều quận khác. Đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động người dân có ý thức tốt hơn và tiến tới chế tài khi cần.
Riêng đối với “phố ốc” trên đường Vĩnh Khánh, ông Phong cho biết về khách quan khi các quán ăn đã nổi tiếng thì nhiều người sẽ kéo đến, quy mô sẽ phát triển lên. Hiện quận có chỉ đạo xem quy hoạch khu này như thế nào nhưng chưa có kết quả. Nếu được, có thể phát huy theo kiểu chợ đêm Bến Thành, có thể phân khu, khu buôn bán quần áo dày dép, khu thì ăn uống để các ngành nghề truyền thống được phát triển.
Trước vấn đề có hay không việc chung chi để chính quyền làm ngơ trước tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, ông Nguyễn Huy Phong khẳng định: “Trước pháp luật thì buôn bán nhỏ hay buôn bán lớn mà đã có hành vi vi phạm là vi phạm, mình xử lý mang tính chất công bằng, ở địa phương không có tình trạng nương tay với quán lớn mà xử lý mạnh các gánh hàng nhỏ, vì thường những người buôn gánh bán bưng đều là dân nhập cư. Về tình trạng chung chi ở phường 8 là không có. Theo chỉ đạo của Quận ủy UBND quận 4 là các phường không được phép thu phí đối với các quán ăn vi phạm, nếu phát hiện phường nào có việc này là quận sẽ xử lý ngay. Ở đây Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng là một trong những công cụ kiểm tra giám sát đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm nên nếu có sai phạm thì Ủy ban Kiểm tra Quận ủy sẽ xử lý”.
ÔngNGUYỄN VĂN LÂM, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP: HĐND sẽ giám sát việc lập lại trật tự vỉa hè
Trong cuộc họp về kinh tế-xã hội mới đây, TP đã có những chủ trương rất quyết liệt trong việc chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Tôi rất đồng tình ủng hộ. Muốn tạo được nếp sống văn minh đô thị, đường thông, hè thoáng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì chính quyền địa phương phải cương quyết. Tạo ra sự chuyển biến trong công tác này không dễ dàng gì nhưng việc duy trì những kết quả đạt được lại càng khó hơn nếu chính quyền địa phương không quyết liệt. Nếu làm theo phong trào, ra quân rầm rộ rồi ngắt quãng thì mọi việc lại trở về như cũ, vừa lãng phí công sức, vừa không đảm bảo được việc chấp hành nghiêm túc kỷ cương và luật pháp. Trong kế hoạch tới đây, Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP cũng sẽ tiến hành giám sát về vấn đề này. |
Ông VÕ VĂN HOAN,Chánh Văn phòng UBND TP.HCM: Vừa dẹp trật tự, vừa tạo điều kiện cho người dân buôn bán
Giải pháp tới đây là không làm trên diện rộng mà chọn điểm tại mỗi quận, mỗi phường để thực hiện. Bên cạnh việc dẹp tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì cũng cần nghiên cứu các vị trí (như đoạn đường, khu phố) cho người dân được kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, quan trọng hơn nữa là ý thức của người dân có nhà ở mặt tiền đường. Trong trường hợp cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng phải nhắc nhở người thuê để không xảy ra tình trạng nêu trên và ngay cả người dân cũng phải thay đổi tập quán buôn bán của mình. Phải áp dụng nhiều biện pháp như vậy để từng bước chuyển biến tình hình. (Trả lời báo chí tại buổi họp báo kinh tế-xã hội ngày 24-3) Ông TRẦN QUANG LÂM, Phó Giám đốc Sở GTVT: Có khu vực để xe nhưng người dân vẫn lấn chiếm ra ngoài
Sở GTVT cũng đã tham mưu cho UBND TP hai giải pháp: Thứ nhất là chấn chỉnh ở một số khu vực có nguy cơ cao, ví dụ như khu phố chợ quá tải. Ví dụ chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh đã có khu chợ, có khu vực để xe nhưng người dân vẫn lấn chiếm ra ngoài. Thứ hai là đối với một số tuyến đường có vỉa hè 3 m, trên 3 m thì tạo điều kiện cho người dân để xe nhưng phải kẻ sơn để quản lý và người dân phải nhận thức, có ý thức giữ gìn để đảm bảo chung cho mỹ quan TP. Còn cái căn cơ hơn nữa, chúng tôi cũng đã đề xuất TP cho chủ trương chọn một số khu vực, tuyến đường để cho phép người dân được buôn bán phù hợp với từng loại hình dọc theo mặt tiền đường. Đối với một số khu đô thị mới thì đã quy hoạch rõ ràng về các khu chức năng: ở, làm việc, thương mại. Tuy nhiên, với một đô thị hiện hữu thì đó cũng là cách đối xử phù hợp với một đô thị hiện hữu như TP của chúng ta hiện nay. (Trả lời báo chí tại buổi họp báo kinh tế-xã hội ngày 24-3) Ông ĐOÀN NGỌC HẢI, Phó Chủ tịch UBND quận 1: Không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm
Trong cuộc họp các thành viên ủy ban quận, tôi cũng đã nói thẳng trong khối đô thị của tôi, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cách chức hoặc luân chuyển cán bộ nếu không làm được việc. Phải có sự quyết liệt thì anh em mới sợ mà làm, không làm thì mất chức, mất việc. Việc này Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo rất rõ rồi. 20 ngày qua, quận chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu dẹp hết bãi xe không phép trên địa bàn, quy trách nhiệm rõ ràng. Trong vòng một tuần lễ thì các bãi xe không phép đều được dẹp hết, tình hình có sự chuyển biến rất rõ rệt. Điều này càng chứng tỏ là vấn đề nằm ở con người, không quy trách nhiệm rõ ràng thì không ai làm. Đến nay tình hình đang dần tốt lên và quận sẽ duy trì nó tốt hơn nữa, dứt khoát là không thể cho phép tình hình trở lại như cũ. |
Ông Cao Hồng Việt Phó, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1: Theo chỉ đạo của UBND quận 1, phường đã tăng cường phối hợp với các lực lượng tiến hành chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Nhưng hiện nay vào thời điểm lực lượng trật tự đô thị hết ca làm việc thì vẫn có tình trạng một số hộ dân tiếp tục bày bán lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt sau 24 giờ do đặc trưng du khách nước ngoài tập trung đông. Hiện phường đang xây dựng đề án phố đi bộ Bùi viện, trong đó đã khảo sát và xây dựng phương án phố đi bộ, sau đó sẽ trình UBND quận 1 có ý kiến, qua đó có thể vừa duy trì được phố Tây, vừa kiểm soát được tình hình an ninh, trật tự đô thị, sẽ hạn chế xe ra vào khu vực gây tình trạng bát nháo. Về việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường là công tác dài hơi, cần có thời gian và phải xem xét giải quyết đến vấn đề an sinh cho người nghèo.
Quán Ốc Nhung chiếm trọn vỉa hè đường Vĩnh Khánh từ trước 16 giờ ngày 25-3. Ảnh: LÊ THOA Ông Châu Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận 10: Lực lượng trật tự đô thị đã tăng cường tuần tra nhưng những địa điểm vi phạm lấn chiếm vẫn tái phạm khi không bị kiểm tra. Trên địa bàn phường không có bãi giữ xe nên khi khách vô quán đông sẽ khó xử lý. Trong trường hợp đang tuần tra, bắt gặp nhân viên xuống đường chèo kéo khách sẽ lập tức lập biên bản xử lý. Các quán ăn lớn có địa chỉ kinh doanh rõ ràng sẽ bị xử lý theo quy định khi vi phạm; còn các quán vỉa hè, lề đường đều không có giấy phép kinh doanh cũng như địa chỉ kinh doanh, mất an toàn trật tự nên phường sẽ nhắc nhở nhưng khi tái phạm nhiều lần sẽ xử lý triệt để. Hiện phường có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và phạt nguội bằng cách gắn camera tại một số địa điểm trong thời gian tới. Đồng thời, vận động các hộ buôn bán trái phép chuyển đổi ngành nghề hoặc thuê mặt bằng để kinh doanh, tránh vi phạm, tái diễn. |
Theo PLTP |