Đến 2025, 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là một phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Việt Nam phấn đấu đến 2025 sẽ có 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế
Việt Nam phấn đấu đến 2025 sẽ có 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 10 năm Việt Nam gia nhập phong trào Đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (SUN) và đón đoàn đại biểu 15 quốc gia tới tham quan, học hỏi chính sách và mô hình dinh dưỡng thành công; chia sẻ cam kết thu hẹp khoảng cách về giới trong dinh dưỡng.

PGS.Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho biết, tháng 1/2024 đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam gia nhập phong trào đẩy mạnh Dinh dưỡng toàn cầu do Liên Hợp Quốc phát động.
Trong 10 năm qua, vấn đề dinh dưỡng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Chính phủ. Bên cạnh những điểm sáng trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi dưới 20% và tăng gấp đôi tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn từ 19% lên 45%, vẫn tồn tại khoảng cách lớn về dinh dưỡng trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt phụ nữ và trẻ em gái mà Chính phủ đang cố gắng giải quyết việc đảm bảo nội dung dinh dưỡng vào cả ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng theo PGS.Trần Thanh Dương, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu đến 2025, sẽ có trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, và 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng.

Bà Đỗ Hồng Phương - chuyên gia Chính sách Dinh dưỡng UNICEF Việt Nam - cho biết, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ không được tiếp cận dinh dưỡng và dịch vụ y tế đầy đủ sẽ đem lại hệ lụy không chỉ dừng ở một thế hệ mà liên thế hệ và lâu dài. Báo cáo của UNICEF năm 2023 cho thấy do ảnh hưởng của bệnh dịch, chiến tranh, hơn một tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và những hệ quả nghiệm trọng.

Chính vì vậy, ông Doseba Sinay - Trưởng Đại diện World Vision International tại Việt Nam – cho rằng, các tổ chức thành viên của nhóm công tác về dinh dưỡng Việt Nam hoạt động tại hơn 40 tỉnh thành đã và đang sát cánh giúp Bộ Y tế và các tỉnh xây dựng và duy trì các mô hình hiệu quả như: Câu lạc bộ dinh dưỡng, phòng tư vấn dinh dưỡng Mặt trời bé thơ, Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, Ngân hàng sữa mẹ, đảm bảo tiếp cận dinh dưỡng công bằng có chất lượng cho bà mẹ, trẻ em gái, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi rất ấn tượng bởi những chính sách tiến bộ thúc đẩy bình đẳng giới trong dinh dưỡng của Việt Nam như việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng và gần đây là chủ trương mở rộng trợ cấp thai sản cho cả lao động nữ khu vực phi chính thức,” – bà Nazgol Kafai-Golahmady, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký Mạng lưới Tổ chức Xã hội Dân sự Đẩy mạnh Dinh dưỡng chia sẻ.

Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng (Scaling Up Nutrition - SUN) được các tổ chức Liên Hiệp Quốc do UNICEF đứng đầu phát động từ năm 2010, chương trình quy tụ các quốc gia và hàng nghìn bên liên quan cùng chung tay cam kết thực hiện mục tiêu chấm dứt suy dinh dưỡng vào năm 2030. Cho tới nay, 66 quốc gia trên toàn thế giới đã tham gia phong trào, đặc biệt là các nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Việt Nam trở thành thành viên của phong trào từ tháng 1/2014 và đầu mối quốc gia của SUN tại Việt Nam là Viện Dinh dưỡng quốc gia.