Deepfake và trận chiến mới chống ảnh, video làm giả

Startup, chính phủ và nhiều tổ chức đang chạy đua chống lại deepfake giữa nỗi lo ảnh và video làm giả sẽ bị lợi dụng để tạo ra mâu thuẫn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Ảnh minh họa

Deepfake là thuật ngữ phổ biến thời gian gần đây, tuy nhiên chưa có định nghĩa chính xác về công nghệ này. Nói một cách dễ hiểu, deepfake là công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, dùng để sản xuất hay chỉnh sửa ảnh, video với các nội dung không xảy ra trong thực tế.

Theo các chuyên gia, deepfake là vấn đề khó giải quyết do công nghệ cần để làm giả hình ảnh và video đang phát triển rất nhanh và ngày càng dễ sử dụng. Nguy cơ lan rộng khi bất kỳ ai có smartphone và tài khoản mạng xã hội cũng có thể trở thành một phát thanh viên, khiến các nền tảng bối rối không biết xử lý thế nào.

Jeffrey McGregor, CEO Truepic – startup về công nghệ xác minh hình ảnh – nhận định trong chưa đầy 12 tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến các hình ảnh, video thể phân biệt được thật – giả. Xã hội bắt đầu không tin tưởng mọi thứ họ thấy.

Truepic đang hợp tác với Qualcomm để đưa công nghệ của mình vào phần cứng điện thoại. Công nghệ sẽ tự động đánh dấu ảnh và video khi chúng được chụp và quay bằng dữ liệu thời gian, địa điểm. Nhờ đó, chúng có thể được xác minh về sau. Truepic cũng cung cấp ứng dụng miễn phí để người dùng xác minh ảnh chụp trên smartphone.

Roy Azoulay, nhà sáng lập kiêm CEO Serelay, họ muốn tạo ra hệ thống tương tự hệ thống xác thực tài khoản của Twitter nhưng dành cho ảnh và video. Khi ảnh và video được chụp, Serelay sẽ ghi lại dữ liệu như địa điểm, nơi gần cột tháp di động hay vệ tinh GPS. Startup đang hợp tác với các công ty bảo hiểm để xác minh hình ảnh yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu công nghệ được dùng để phát hiện ảnh và video bị làm giả. Họ tìm kiếm các điểm bất nhất trong ảnh và video làm bằng chứng, chẳng hạn ánh sáng, bóng và nhiễu ảnh.

Các chuyên gia tìm ra bằng chứng deepfake khi nhìn vào sự bất nhất giữa biểu hiện gương mặt và chuyển động đầu. Sau đó, họ tìm cách tự động hóa quy trình để thuật toán máy tính có thể phát hiện được. Phương pháp này áp dụng cho cả ảnh, video đã tồn tại hàng thập kỷ lẫn ảnh, video vừa chụp gần đây.

Những người làm ra deepfake cũng liên tục tìm cách đối phó. Một số kết hợp hai máy tính khác nhau, một để sửa ảnh, một để xác định xem nó có thể bị phân biệt với ảnh thật không.

Nguy cơ từ deepfake vô cùng lớn. Trong nhiều trường hợp, deepfake có thể kích động xung đột quân sự hay xáo trộn trong đời thực. Chẳng hạn, video giả mạo trong đó Jeff Bezos nói lợi nhuận Amazon giảm sẽ dẫn đến cổ phiếu rớt giá.

Dù vậy, các công ty mạng xã hội chưa làm hết sức trong cuộc chiến chống lại deepfake. Các nền tảng này đang bị vũ khí hóa và không còn là nguy cơ giả định. Tháng trước, Ủy ban đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần tập trung vào chống lại nguy cơ từ deepfake. Các đại biểu và chuyên gia gợi ý nên buộc mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước các nội dung giả mạo, gây hại được phát tán trên nền tảng và gắn nhãn cảnh báo đối với các video không thể xác minh.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/deepfake-va-tran-chien-moi-chong-anh-video-lam-gia-186035.ict