Trước đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tại phiên họp lần 2, Liên đoàn đã nhượng bộ, chấp nhận giảm mức đề xuất tăng lương từ 13,3 % xuống còn 8 %. Do đó, trong phiên họp lần 3, liên đoàn vẫn giữ đề xuất tăng 8 %, nhưng nếu thấp nhất cũng sẽ không thể thấp hơn mức tăng của năm 2016 (7,3%).
Ở chiều ngược lại, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cơ quan này chỉ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 ở 5 %. Tuy nhiên, ngay cả mức đề xuất này cũng đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp – ông Phòng cho biết.
Theo ông Phòng, việc tăng lương tối thiểu phải đảm bảo mục đích vừa giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Dẫn chứng từ số liệu thành lập doanh nghiệp của năm 2017, ông Phòng cho biết tỷ lệ đáng báo động là cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới, thì có 2 doanh nghiệp dừng hoạt động. Và mặt khác, ông Phòng lưu ý, ngay cả khi lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu thì điều kiện sống của người chưa chắc đã tăng và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Tại phiên họp lần 3, sau khi thương lượng, bàn thảo, các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ là 6,5%.
Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ trình Chính phủ đề xuất này để ban hành mức tăng cụ thể.