Để tồn tại, NATO cần phải thay đổi

VietTimes -- Các nước thành viên của NATO đã tề tựu đông đủ tại Anh nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập khối đồng minh. Cũng trong dịp này, nhiều câu hỏi cấp bách được đặt ra về tương lai của tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Các nhà lãnh đạo chụp hình kỷ niệm tại Watford, London ngày 4/12 (Ảnh: AFP)
Các nhà lãnh đạo chụp hình kỷ niệm tại Watford, London ngày 4/12 (Ảnh: AFP)

Bà Leslie Vinjamuri, người đứng đầu chương trình châu Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) cho rằng, đây sẽ là khởi đầu cho “nhiều năm vật lộn” để cải tổ liên minh quân sự. NATO được thành lập sau Thế chiến II để bảo vệ các nước thành viên. Một trong những vấn đề chính là tổ chức này không được thiết lập để đối phó với bối cảnh địa chính trị hiện tại. 

Thế nhưng, sự trỗi dậy của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã đặt ra những thách thức mới đối với phương Tây. Căng thẳng thương mại và chính trị giữa Bắc Kinh và Washington leo thang trong 2 năm qua. Những bất đồng liên quan đến lĩnh vực công nghệ khi mà Mỹ thực hiện các biện pháp để cấm công ty Huawei của Trung Quốc mua bán công nghệ.

Giới chức Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại về sự liên kết của công ty này với chính phủ Trung Quốc và mối đe dọa an ninh mà nó có thể gây ra - điều mà Huawei đã phủ nhận. Vấn đề này đã gây ra sự chia rẽ giữa các đồng minh NATO vì Đức và Pháp có lập trường khác với chính quyền Mỹ.

Giám đốc dự báo toàn cầu của Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) Agedit Demarais, đã nhấn mạnh: “NATO đang ở ngã ba đường”. Ông nói thêm: “Mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang bị căng thẳng trong một số lĩnh vực, và quân sự chỉ là một trong số đó”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng, liên minh này đang "chết não". Phát ngôn trên của ông Macron đã gây ra làn sóng chỉ trích từ các nước thành viên NATO. Tổng thống Trump nói rằng, những lời lẽ của Tổng thống Macron là “rất, rất khó chịu” và “vô cùng xúc phạm”.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO vì không tuân thủ quy định đóng góp 2% GDP. Nhưng đồng thời, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã có chiều hướng do dự nhiều hơn về cam kết của Mỹ với tổ chức bởi chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. Sự chia rẽ đó càng có bằng chứng rõ ràng hơn khi ông Trump quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria hồi tháng 10 mà không hề tham khảo ý kiến của các nước đồng minh NATO.

Ông Demarais nhận định: "Kể cả nếu NATO tan rã, thì điều đó cũng khó xảy ra trong thời gian tới. Thay vào đó, mức độ tin cậy giảm dần giữa các nước thành viên lại là kịch bản có khả năng thành hiện thực nhất.” 

Theo bà Leslie Vinjamuri, NATO sẽ cần phải có sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa các nước thành viên và phải làm nhiều việc hơn nữa. “Chúng ta không thể đủ sức chờ đợi để thấy được sự cải tổ của NATO nhưng hãy tưởng tượng xem nếu như phải bắt đầu lại từ đầu. Trong khi đó, tiếp tục hành động với những gì chúng ta đang có sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

Bà Athanasia Kokkinogeni, nhà phân tích cao cấp châu Âu tại DuckerFrontier, cũng cho rằng, tương lai của NATO có thể sẽ bao gồm một loạt các mục tiêu rộng lớn hơn. “NATO sẽ cần phát triển theo chiều sâu của sự hợp tác, mục tiêu hướng tới và đóng góp tài chính của các nước thành viên để làm giảm bớt vai trò có phần chi phối của Mỹ.”

(Theo CNBC)