Theo thống kê của Ban quản lý dự án đường sắt, trong số 1.900 ý kiến thì góp ý về nội thất tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông chiếm gần 35%, ngoại thất chiếm 22%, trong đó ý kiến chưa hài lòng, chê màu sắc chiếm 36%, kiến nghị đổi màu sắc chiếm 22% nhưng không tập trung vào một màu cụ thể.
Tuy nhiên, theo đánh giá, các ý kiến góp ý phần nhiều là khen hoặc chê một cách cảm tính mà không nêu lý do cụ thể, không kiến nghị chỉnh sửa cụ thể. Theo Ban quản lý, không có cơ sở để xác định màu nào có ưu điểm hơn, được nhiều người ưa thích hơn để đề xuất thay đổi.
Về hình dáng của đầu tàu mẫu, phần lớn ý kiến đều cho rằng nên thiết kế đầu tàu vát hơn nữa, giống đầu cá mập để tăng tính khí động học. Tuy nhiên, theo Ban quản lý, đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (35km/h).
Do vậy, việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất, cabin lái tàu được thiết kế một cách tối ưu, chiếm ít diện tích nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. So với đầu tàu các tuyến đường sắt đô thị phổ biến khác trên thế giới, đầu tàu được lựa chọn có độ vát hơn rất nhiều. Nếu làm vát hơn nữa sẽ không đảm bảo tối ưu, gây cản trở tầm nhìn của lái tàu và vướng cửa thoát hiểm.
Ban quản lý kiến nghị Bộ GTVT thành lập Hội đồng đánh giá ý kiến đóng góp để xem xét việc tiếp thu những ý kiến nào. Theo ông Lê Kim Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, sau khi Hội đồng họp mới có ý kiến cuối cùng về việc chỉnh sửa thế nào với mẫu tàu, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân.
Ngoài ra, Ban quản lý cũng kiến nghị về màu sắc tàu có thể xem xét thêm lựa chọn màu xanh dương như đề xuất trước đây, không thay đổi hình dáng đầu tàu, bổ sung thêm tay nắm, sử dụng giọng nữ đọc cho mềm mại khi phát thanh trên tàu…
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ mua 13 đoàn tàu chuẩn B1 với cấu thành 4 toa/tàu. Tàu mẫu của nhà sản xuất Trung Quốc đã được đưa về Trung tâm triển lãm Giảng Võ để lấy ý kiến người dân từ 29.10 đến 30.11.
Theo Thanh niên