Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016, trước thắc mắc của một phóng viên về hiện tượng, đang có một số tổ chức tín dụng dừng giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà thu nhập thấp (gói 30.000 tỷ đồng), làm ảnh hưởng đời sống, kinh tế của hàng nghìn khách hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp rành rọt và đầy dứt khoát.
“Phóng viên phản ánh gần đây các tổ chức tín dụng dừng giải ngân, đề nghị phóng viên cung cấp rõ thông tin ngân hàng nào ngừng giải ngân, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng xem xét cụ thể”, người phát ngôn NHNN nêu rõ quan điểm.
Theo bà Hồng, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỉ đồng, NHNN đã ban hành Thông tư 11 hướng dẫn thủ tục cho vay đối với chương trình này về các điều kiện để các đối tượng được vay theo Nghị quyết 02. Thông tư này quy định số giải ngân kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (1/6/2013) và giải ngân tối đa 36 tháng nên phải đến 1/6/2016 mới là thời điểm kết thúc giải ngân.
“Tuy nhiên, có thể thời gian cuối năm, trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN, các ngân hàng được thông báo tăng trưởng tín dụng nhất định nên tổ chức tín dụng nào đã sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì có thể tạm dừng một thời gian”, Phó Thống đốc Hồng phân giải, đồng thời khẳng định, “Sang đầu năm 2016, các tổ chức tín dụng lại bắt đầu thực hiện cho vay bình thường”.
Trước ý kiến của phóng viên rằng, có ngân hàng thương mại viện dẫn nội dung Thông tư 26 cho rằng NHNN không chấp nhận lấy tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp, để thoái thác cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng, người phát ngôn NHNN cho biết: “Các quy định, trình tự, thủ tục sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn đã được ban hành theo Thông tư 26. Để giải ngân thì các tổ chức tín dụng và các cá nhân sẽ thực hiện theo quy định đó”.
Đồng thời, trong quá trình điều hành chính sách tín dụng của NHNN, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chú trọng cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm việc tiếp cận vốn của ngân hàng theo đúng quy định pháp luật.
“Cho nên những trường hợp nhiêu khê, xin phóng viên phản ánh rõ những cá nhân đủ điều theo quy định của pháp luật mà tổ chức tín dụng nhiêu khê để chúng tôi sẽ cử các cơ quan chức năng xuống làm việc”, bà Hồng nhắc lại.
Trước đó, vào trung tuần tháng 1, theo phản ảnh của nhiều khách hàng đang làm hồ sơ vay vốn mua nhà tại Ngân hàng BIDV, họ đã đột ngột nhận được thông báo miệng của nhân viên tín dụng là dừng cho vay mua nhà, và không biết đến khi nào mới tiếp tục cho vay lại.
Thông tin này khiến người đã làm hồ sơ vay vốn đầy đủ để giải ngân tại các ngân hàng vô cùng hoang mang.
Lý giải vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết: "Tình trạng các ngân hàng tạm dừng cho vay mua nhà hình thành trong tương lai là do vướng mắc một chút giữa Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường. Vấn đề này đang yêu cầu các bộ cần có những hướng dẫn khẩn trương hơn, khớp với nhau hơn".
Cụ thể, theo ông Lực, Luật nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 tuy nhiên Luật không hướng dẫn chi tiết, xuống đến các bộ ngành thì các thông tư hướng dẫn chi tiết đều chậm, đặc biệt thông tư hướng dẫn thực hiện giữa các bộ này cũng chưa khớp với nhau. Vì thế các bộ, ngành cần ngồi với nhau để giải quyết với nhau thành cái hướng dẫn để cho nó không bị chồng chéo, đá nhau.
“Hiện nay, tôi biết rằng các ngân hàng thương mại đã gửi công văn đến 3 nơi là Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường để yêu cầu các vị ý phối hợp với nhau để tháo gỡ vấn đề này cho các ngân hàng thương mại cũng như cho người đi vay tiền”, ông Lực nhấn mạnh.
Ninh Giang