‘Đế chế’ dược phẩm Sao Thái Dương của bà Nguyễn Thị Hương Liên lớn cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giai đoạn 2016 – 2019, chi nhánh CTCP Sao Thái Dương tại Hà Nam có tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu cao bậc nhất trong ‘hệ sinh thái’ dược phẩm của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hương Liên (SN 1973).
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó TGĐ CTCP Sao Thái Dương
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó TGĐ CTCP Sao Thái Dương

Tháng 8/2020, CTCP Sao Thái Dương (Sao Thái Dương) đã ủng hộ 50.000 test thử xét nghiệm virus SARS-COV-2 nhằm hỗ trợ các đơn vị y tế phát hiện sớm, chẩn đoán các trường hợp mắc Covid-19. Khi ấy, bà Nguyễn Thị Hương Liên – Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương – cho hay, công ty có thể cung cấp 1 triệu liều test phục vụ cho công tác xét nghiệm sàng lọc virus SARS – COV – 2 cho thị trường.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hương Liên (SN 1973) thường xuất hiện nổi bật trong các sự kiện có liên quan tới Sao Thái Dương. Bà được biết tới là người truyền cảm hứng, gây dựng Sao Thái Dương trở thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, quá trình phát triển của Sao Thái Dương còn có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Hữu Thắng (SN 1971) – phu quân của bà Nguyễn Thị Hương Liên. Ông Thắng hiện đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Sao Thái Dương.

Sao Thái Dương lớn cỡ nào?

Sao Thái Dương tiền thân là cơ sở Thái Dương, được thành lập vào tháng 5/2002. Doanh nghiệp này hiện cung cấp ra thị trường các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và một số loại thuốc như viên nang mềm Kovir, dầu gừng, nước súc miệng,…

Cùng với việc cho ra đời các sản phẩm mới, Sao Thái Dương cũng khá tích cực quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy doanh thu của của công ty.

Năm 2017, doanh thu của Sao Thái Dương (hội sở chính) đạt 466,4 tỉ đồng, tăng 6,7 lần so với năm 2016. Chỉ tiêu này tiếp tục tăng trưởng trong hai năm sau đó, lần lượt đạt 667 tỉ đồng và 828,7 tỉ đồng vào các năm 2018 và 2019.

Dẫu vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Sao Thái Dương (hội sở chính) không quá nổi bật. Trong cả giai đoạn 2016 – 2019, đơn vị này chỉ mang về tổng cộng 15,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Cũng trong giai đoạn trên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, chi nhánh Sao Thái Dương tại Hà Nam – nơi Sao Thái Dương đặt loạt nhà máy sản xuất dược phẩm – luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức hai con số.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của chi nhánh Sao Thái Dương tại Hà Nam lần lượt đạt mức 402,1 tỉ đồng và 60,1 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận đạt 14,9%. Chỉ tiêu này tiếp tục tăng trưởng trong hai năm sau đó, đạt đỉnh ở mức 29,4% vào năm 2018. Luỹ kế trong vòng 4 năm (từ 2016 – 2019), đơn vị này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 395,3 tỉ đồng.

Không phải thành viên nào trong hệ sinh thái dược phẩm của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hữu Thắng - Nguyễn Thị Hương Liên cũng làm ăn có lãi.

Tháng 1/2017, ông Nguyễn Hữu Thắng, bà Nguyễn Thị Hương Liên và Sao Thái Dương góp vốn thành lập CTCP Nhà thuốc Thái Dương (Thái Dương Pharmacy) với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 3 tỉ đồng, chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, Thái Dương Pharmacy báo lỗ triền miên. Tính đến ngày 31/12/2019, công ty này đã âm vốn chủ sở hữu tới 3,47 tỉ đồng.

Năm 2018, ông Nguyễn Hữu Thắng và bà Nguyễn Thị Hương Liên thành lập một loạt các pháp nhân mới như Công ty TNHH Sao Thái Dương Hà Giang, Công ty TNHH Sao Thái Dương Hà Nam và Công ty TNHH Sao Thái Dương Sơn La, song hoạt động không hiệu quả. Trong đó, Công ty TNHH Sao Thái Dương Hà Giang đã giải thể.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Thắng còn là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Dinh Dưỡng Phương Đông. Công ty này có trụ sở tại Hà Nội, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Ngày 24/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, trong đó có 12 loại thuốc y học cổ truyền (YHCT).

Theo ghi nhận của VietTimes, không ít người dân sau khi nhận được thông tin về 12 loại thuốc đã đổ xô đi mua để dự trữ, tự phòng bệnh COVID-19 ở nhà.

Trong danh sách 12 loại thuốc YHCT được Bộ Y tế công bố, một số loại đã “cháy hàng”, thậm chí tăng giá vùn vụt dù trước đó giá thành rất rẻ.

Điển hình là thuốc Kovir của CTCP Sao Thái Dương (Kovir Sao Thái Dương),được bào chế dưới dạng viên nang, được quảng cáo có tác dụng phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch trong các bệnh lý virus./.